Hướng tới phát triển bền vững nông nghiệp hữu cơ

Doanh nghiệp - Ngày đăng : 10:05, 26/12/2017

(BKTO) - Để nông nghiệp hữu cơ (NNHC) có thể phát triển bền vững theo xu thế hội nhập, Việt Nam cần có sự hỗ trợ về cơ chế, chính sách, tiêu chuẩn, quy chuẩn, đất đai, nguồn vốn ưu đãi... Đây là nhận định của nhiều chuyên gia tại Diễn đàn quốc tế: “Nông nghiệp hữu cơ Việt Nam: phát triển và hội nhập” do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) phối hợp với Hiệp hội Hữu cơ Việt Nam tổ chức mới đây, tại Hà Nội.


Phát triển NNHC còn khiêm tốn

Phát triển NNHC là một phương thức sản xuất nông nghiệp thân thiện với môi trường, góp phần quan trọng để phục hồi, bảo vệ môi trường sinh thái tự nhiên và sức khỏe con người. Sản xuất và sử dụng sản phẩm hữu cơ đang là xu thế của thế giới và Việt Nam. Theo thống kê, thế giới hiện có 179 nước tham gia sản xuất NNHC với tổng diện tích hơn 50 triệu ha, tiềm năng thị trường lên tới 81,6 tỷ USD, chủ yếu tập trung tại thị trường Liên minh châu Âu, Hoa Kỳ, Canada, Nhật Bản...

Tại Việt Nam, đến nay, đã có 33/63 tỉnh, thành phố phát triển mô hình NNHC với tổng diện tích 76.600 ha (tăng gấp 3,6 lần so với năm 2010). Tuy nhiên, so với tổng diện tích đất canh tác nông nghiệp toàn quốc (khoảng 26,8 triệu ha) thì tỷ lệ này còn rất khiêm tốn.

Sản xuất sản phẩm NNHC đang là xu thế tất yếu của thế giới và Việt Nam. Ảnh: NGUYỄN DŨNG

Việt Nam hiện đứng thứ 56 trong các nước sản xuất NNHC trên thế giới và đứng thứ 3 tại khu vực Đông Nam Á (sau Indonesia và Philippines). Bên cạnh việc đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của khoảng 93 triệu dân trong nước, sản phẩm hữu cơ của Việt Nam đã bước đầu xuất khẩu ra thị trường quốc tế. Tuy vậy, hiện sản xuất NNHC còn rất nhỏ về quy mô sản xuất cũng như thị trường tiêu thụ.

Nhiều tập đoàn, DN, cơ sở sản xuất vẫn chưa có chứng nhận, ngoại trừ một số tập đoàn có chứng nhận từ các tổ chức quốc tế, còn lại là “tự phong”. Điều này gây khó khăn cho các DN, tập đoàn trong việc chuyển hướng sản xuất NNHC.

Tại Diễn đàn, Bí thư Tỉnh ủy Hà Nam Nguyễn Văn Khang cho biết, tỉnh này hiện có hơn 200 ha sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, cho giá trị kinh tế cao gấp 5 lần so với truyền thống. Tuy nhiên, vướng mắc trong sản xuất NNHC là thay đổi thói quen của người dân. Bên cạnh đó, đầu vào cho sản xuất NNHC có chi phí rất cao. Trong khi đó, đầu ra của sản phẩm này hiện đang gặp nhiều khó khăn; do hiện nay, sự phân biệt về sản phẩm hữu cơ với các sản phẩm khác chưa rõ ràng.

Mặt khác, Chủ tịch Hiệp hội Hữu cơ Việt Nam Hà Phúc Mịch cho biết, trước năm 2017, Việt Nam vẫn chưa có văn bản quy định về chính sách phát triển NNHC và sản phẩm hữu cơ nhằm tạo hành lang pháp lý để phát triển. Nông dân và DN sản xuất NNHC hầu hết gặp khó khăn trong việc tiếp cận nguồn tín dụng của các ngân hàng cũng như các nguồn vốn chính sách. Đây là trở ngại lớn trong sản xuất kinh doanh, phát triển NNHC.

Gỡ nút thắt để NNHC phát triển

Theo Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam Trần Đình Thiên, phát triển NNHC tại Việt Nam hiện còn gặp nhiều khó khăn do chưa có tiêu chuẩn quốc gia, các tổ chức chứng nhận về NNHC. Do vậy, “phải sớm xây dựng được các bộ quy chuẩn, tiêu chuẩn quốc gia về sản phẩm NNHC đáp ứng được yêu cầu quốc tế, đưa sản phẩm NNHC của Việt Nam ra thị trường thế giới” - ông Thiên kiến nghị.

Để tháo gỡ vướng mắc, phát triển NNHC, theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam, hệ thống chính sách tiêu chuẩn, quy chuẩn sản xuất, chế biến, chứng nhận chất lượng, thanh tra, giám sát liên quan đến NNHC cần sớm được hoàn thiện để giúp người tiêu dùng an tâm sử dụng các sản phẩm đã có chứng nhận đạt tiêu chuẩn. Bên cạnh đó, tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho các DN, người sản xuất và người tiêu dùng về việc tuân thủ nghiêm ngặt quy trình sản xuất NNHC trên cơ sở lựa chọn những sản phẩm có lợi thế, phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng và kinh tế - xã hội địa phương.

Phát biểu tại Diễn đàn, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: Phát triển NNHC không chỉ nhằm hướng tới phân khúc cao cấp trên thị trường quốc tế, giúp Việt Nam hội nhập mà còn đáp ứng nhu cầu sử dụng nông sản tốt nhất cho người dân trong nước. Do vậy, việc phát triển loại hình nông nghiệp này cần có bước đi bài bản, khoa học, đảm bảo hài hòa theo tỷ lệ, tránh làm theo phong trào và mất cân bằng an ninh lương thực.

Trên tinh thần đó, Bộ NN&PTNT sớm hoàn thiện Đề án Phát triển NNHC giai đoạn 2018-2025, tầm nhìn 2035, trình Thủ tướng phê duyệt vào đầu năm 2018 nhằm định hướng, cụ thể hóa các hoạt động thúc đẩy sản xuất NNHC, bảo đảm đầy đủ cơ sở khoa học, thực tiễn.

Bên cạnh đó, Thủ tướng cũng yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương cần cụ thể hóa các đề xuất, kiến nghị thành kế hoạch hành động cụ thể; có cơ chế quản lý nhất quán, minh bạch nhằm phát triển NNHC bền vững trong giai đoạn tới.

LÊ HÒA
Theo Báo Kiểm toán số 51 ra ngày 21-12-2017