Đề xuất bỏ quy trình thẩm định khoản phát hành trái phiếu quốc tế của ngân hàng thương mại nhà nước
Chính trị - Ngày đăng : 21:20, 18/02/2022
(BKTO) - Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đề xuất bỏ toàn bộ các quy định về thủ tục thẩm định khoản phát hành trái phiếu quốc tế (TPQT) của ngân hàng thương mại (NHTM) nhà nước để phù hợp với Nghị định số 153/2020/NĐ-CP của Chính phủ.
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet |
NHNN đang lấy ý kiến góp ý đối với Dự thảo Thông tư thay thế Thông tư số 17/2013/TT-NHNN hướng dẫn về quản lý ngoại hối đối với việc phát hành TPQT của DN không được Chính phủ bảo lãnh (Thông tư 17).
Thông tư 17 được ban hành ngày 16/7/2013 trên cơ sở quy định tại Pháp lệnh Ngoại hối, Nghị định số 219/2013/NĐ-CP quy định về quản lý vay, trả nợ nước ngoài, Nghị định số 90/2011/NĐ-CP quy định về phát hành trái phiếu doanh nghiệp (TPDN).
Việc sửa đổi Thông tư 17 nhằm đảm bảo phù hợp với Nghị định số 153/2020/NĐ-CP ngày 31/12/2021 quy định về chào bán, giao dịch TPDN riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán TPDN ra thị trường quốc tế (Nghị định 153).
Dự thảo Thông tư đề xuất bỏ toàn bộ các quy định về thủ tục thẩm định khoản phát hành TPQT của NHTM nhà nước.
Mặc dù bỏ quy trình thẩm định khoản phát hành TPQT của NHTM nhà nước nhưng các nội dung cần thiết để xem xét, phê duyệt việc phát hành TPQT của NHTM nhà nước cũng như các DN khác mà NHNN quản lý sẽ được thực hiện theo các văn bản hướng dẫn để đảm bảo tuân thủ quy định tại Luật số 69/2014/QH13 về quản lý và sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại DN.
Nhằm đơn giản hóa thủ tục hành chính (TTHC), Dự thảo Thông tư bổ sung các trường hợp không cần thực hiện đăng ký thay đổi khoản phát hành, tương tự như quy định đối với khoản vay nước ngoài bao gồm: Thay đổi địa chỉ bên đi vay, tên NHTM; trả nợ lãi, phí...
Theo NHNN, việc bỏ các quy định về thủ tục thẩm định, bổ sung trường hợp không cần thực hiện đăng ký thay đổi sẽ giảm số lượng TTHC liên quan đến khoản phát hành TPQT phải thực hiện. Số lượng TTHC giảm sẽ giúp giảm chi phí thực hiện TTHC từ phía DN cũng như chi phí xử lý TTHC từ phía cơ quan nhà nước (giảm thời gian xử lý TTHC, giảm chi phí lưu trữ hồ sơ).
Ngoài ra, Dự thảo Thông tư cũng đề xuất bỏ các nội dung không liên quan đến thủ tục hành chính trong việc phát hành TPQT.
Cụ thể, sau khi khoản phát hành được đăng ký, việc sử dụng tài khoản, các giao dịch chuyển tiền liên quan, trách nhiệm báo cáo, trách nhiệm của ngân hàng cung ứng dịch vụ tài khoản… được thực hiện như các khoản vay truyền thống khác.
Do đó, để tránh trùng lặp, Thông tư này sẽ chỉ quy định về thủ tục hành chính liên quan đến quá trình phát hành TPQT của DN bao gồm: Thủ tục xác nhận hạn mức phát hành TPQT không được Chính phủ bảo lãnh; thủ tục xác nhận đăng ký, đăng ký thay đổi khoản phát hành TPQT của DN không được Chính phủ bảo lãnh.
Các nội dung quản lý ngoại hối khác (mở tài khoản, chế độ báo cáo, chuyển tiền…) được thực hiện thống nhất giống các khoản vay nước ngoài dưới hình thức và thực thiện theo quy định tại Thông tư số 03/2016/TT-NHNN hướng dẫn một số nội dung về quản lý ngoại hối đối với việc vay, trả nợ nước ngoài của DN và các văn bản thay thế/sửa đổi nếu có.
Như vậy, so với Thông tư 17, Dự thảo Thông tư thay thế Thông tư 17 sẽ không còn các nội dung quy định về quyền mua ngoại tệ của tổ chức phát hành, trách nhiệm của tổ chức cung ứng dịch vụ tài khoản phát hành, quy định về mở tài khoản phát hành; quy định về cơ chế báo cáo.
Theo NHNN, Dự thảo Thông tư được ban hành sẽ góp phần hoàn thiện hệ thống pháp luật về vay, trả nợ nước ngoài theo hướng đồng bộ, tránh việc trùng lặp các quy định đã có trong các văn bản quản lý khác về vay, trả nợ nước ngoài cũng như thống nhất với Nghị định 153 và các quy định khác có liên quan./.
THÀNH ĐỨC