Kỷ niệm 45 năm Chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” (12/1972-12/2017): Vang mãi bản hùng ca bất tử

Xã hội - Ngày đăng : 11:15, 26/12/2017

(BKTO) - Sử dụng “pháo đài bay” B52 ném bom với ý định biến miền Bắc, Thủ đô Hà Nội “trở về thời kỳ đồ đá” hòng chiếm lợi thế trên bàn đàm phán; thế nhưng, âm mưu của Mỹ đã bị đập tan trước ý chí kiên cường, tinh thần chiến đấu bất khuất của quân và dân ta…Đến tận bây giờ, ký ức về một thời rực lửa vẫn vẹn nguyên trong trái tim của những người chiến sĩ anh hùng, quả cảm.


Hạ gục “pháo đài bay”

Tháng 10/1972, theo thỏa thuận, Mỹ phải chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam. Tuy nhiên, Mỹ đã bội ước và đưa máy bay chiến lược B52 ném bom Thủ đô Hà Nội, Hải Phòng và các mục tiêu khác từ ngày 18 đến 30/12/1972 (chiến dịch 12 ngày đêm), với ý định đưa miền Bắc Việt Nam “trở về thời kỳ đồ đá”, hòng buộc phía Việt Nam phải chấp nhận những điều kiện áp đặt của họ. Tuy nhiên, cuộc chiến 12 ngày đêm rực lửa ở Hà Nội với Chiến thắng “Điện Biên Phủ trên không” của quân, dân ta đã đánh bại tham vọng xâm lược của đế quốc Mỹ, buộc chúng phải trở lại bàn đàm phán và ký kết Hiệp định Paris.

Là người trực tiếp tham gia chiến đấu và tiêu diệt máy bay F4 của Mỹ đầu tiên trong Chiến dịch “Điện Biên Phủ trên không” năm 1972, Đại tá, Anh hùng Lực lượng vũ trang Nguyễn Văn Nghĩa (nguyên phi công của Trung đoàn 927) nhớ lại: Khi B52 đánh vào Hà Nội, bộ đội không quân đã xuất kích rất dũng mãnh, liên tục để đánh B52.

Ngay trong đêm đầu tiên, bộ đội phòng không không quân đã lập công, bắn rơi một chiếc B52 tại sân bay Đa Phúc (nay là sân bay Nội Bài). Đội hình không quân của Mỹ bị bất ngờ, rối loạn là cơ hội để bộ đội ta bắn rơi mục tiêu B52 và các loại máy bay khác. “Đây là chiến thắng của sức mạnh ý chí và tinh thần đoàn kết, dù những vũ khí chống lại địch thô sơ, kém hiện đại hơn gấp nhiều lần so với các phương tiện, trang bị của không quân Mỹ” - Đại tá Nghĩa tự hào.

Trung tướng, Anh hùng Lực lượng vũ trang Phạm Tuân - nguyên Phó Tư lệnh Quân chủng Phòng không Không quân, người trực tiếp bắn hạ “pháo đài bay” của Mỹ - không quên thời khắc đêm 27/12/1972, khi ông hạ gục chiếc B52. Khoảng 21h, ông nhận lệnh xuất kích từ sân bay Yên Bái. Khi cất cánh lên, máy bay của ông gặp rất nhiều máy bay F4, nhưng lệnh là “Cơ động, vượt qua”. Vừa tránh tốp đầu, ông lại gặp tiếp F4 khác, song, lệnh ở dưới vẫn là tránh đi. Sau đó, “Sở chỉ huy thông báo B52 cách 200 km, 150 km rồi 100 km. Nhận khẩu lệnh thứ 3 và cách B52 khoảng 4km, tôi mới kéo máy bay lên, chỉnh điểm ngắm, thấy tín hiệu tên lửa tốt, tôi phóng 2 quả tên lửa” - Trung tướng Phạm Tuân kể.

Theo tướng Phạm Tuân, sau khi bấm nút phóng tên lửa, chỉ trong tích tắc, quả thứ nhất bay vút đi, quả thứ hai theo sau tạo thành một đường sáng rực và chạm trúng mục tiêu. Khi kéo máy bay lên và lật ngửa, ông nhìn thấy chiếc B52 nổ tan tành, một góc trời rực lửa.

Những địa danh đi vào lịch sử

Ký ức hào hùng 45 năm trước, cùng với di tích hầm Sở chỉ huy tác chiến T1 và nhiều địa danh khác của Hà Nội - nơi từng ghi dấu mốc chiến thắng 12 ngày đêm - đã đi vào lịch sử như những biểu tượng về ý chí chiến đấu, chiến thắng quật cường của quân và dân ta.

Theo Thiếu tướng Nguyễn Văn Ninh - nguyên Cục phó Cục Tác chiến - Hầm Sở chỉ huy tác chiến T1 của Bộ Tổng Tham mưu được xây dựng từ năm 1964-1965 thuộc cơ quan Tổng Hành dinh Quân đội nhân dân Việt Nam trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, là nơi tiếp nhận những báo cáo cũng như trực tiếp truyền đi các mệnh lệnh chỉ đạo của Bộ Tổng tư lệnh đến khắp các chiến trường trên cả nước.

Những ngày Hà Nội khói lửa đương đầu với không quân Mỹ năm 1972, Thiếu tướng Ninh, khi đó là Trực ban phó, phụ trách phòng không tại hầm Sở Chỉ huy tác chiến nhớ lại: Khoảng 19h ngày 18/12/1972, khi phát hiện ra máy bay địch, đồng chí Trần Độ (là Trực ban trưởng) báo cáo với Bộ Chính trị, Quốc hội và Chính phủ là tình hình địch sắp đánh Hà Nội bằng cả máy bay B52.

Ngay lập tức, Trực ban phó Nguyễn Văn Ninh được lệnh ấn còi báo động phòng không cho nhân dân biết. “Khi tôi kéo còi xong, một loạt điện thoại ở trong hầm Sở chỉ huy réo lên. Tôi nhấc máy thì ai cũng hỏi là thực hay là tập, tôi chỉ trả lời “mời đồng chí xuống hầm” và bỏ điện thoại xuống để tiếp tục tiếp điện những người khác, không kịp giải thích...” - Thiếu tướng Nguyễn Văn Ninh kể.

Cùng với hầm Sở chỉ huy T1, trong ký ức của những người dân Thủ đô, hồ Hữu Tiệp (phường Ngọc Hà, quận Ba Đình) - nơi lưu giữ xác chiếc máy bay B52 - được coi là biểu tượng chiến thắng của quân và dân Thủ đô trong Chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không”. Đây là chiếc máy bay bị các chiến sĩ Tiểu đoàn 72, Trung đoàn 285, bắn rơi trên bầu trời Hà Nội vào đêm 27/12/1972.

Người dân Thủ đô cũng có dịp “Tìm lại ký ức” (Triển lãm cùng tên) tại Di tích Nhà tù Hỏa Lò. Đây cũng chính là nơi giam giữ phi công Mỹ bị quân và dân ta bắn rơi. Ngoài các hiện vật lịch sử được trưng bày tại Di tích, cuộc trò chuyện của những nhân chứng từng ở hai đầu chiến tuyến, xen giữa là những giọt nước mắt nghẹn ngào khiến không gian lịch sử trở nên đặc biệt hơn...

Những nhân chứng sống, những di tích còn lại đến hôm nay chính là một phần của lịch sử hào hùng về công cuộc đấu tranh chống đế quốc Mỹ xâm lược, trong đó có Chiến thắng lẫy lừng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” 45 năm trước. Bản hùng ca đó sẽ được thế hệ trẻ hôm nay viết tiếp trên con đường xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong thời đại mới.

NGUYỄN LỘC
Theo Báo Kiểm toán số 51 ra ngày 21-12-2017