Hà Nội đặt mục tiêu công nghiệp văn hóa trở thành ngành kinh tế mũi nhọn
Kinh tế - Ngày đăng : 17:51, 23/02/2022
(BKTO) - Hà Nội xác định phát triển công nghiệp văn hóa (CNVH) là một ưu tiên trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, với mục tiêu trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, đem lại việc làm và thu nhập, góp phần hiện thực hóa mục tiêu phát triển nhanh và bền vững Thủ đô...
Hoàng thành Thăng Long - Di sản Văn hóa thế giới. Ảnh: TTXVN |
Thành ủy Hà Nội vừa ban hành Nghị quyết số 09-NQ/TU về “Phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”.
Theo đó,Thành ủy Hà Nội xác định sẽ tập trung đầu tư phát triển một số lĩnh vực giàu tiềm năng, lợi thế như: Du lịch văn hóa; Nghệ thuật biểu diễn; thủ công mỹ nghệ; thiết kế; quảng cáo; mỹ thuật, nhiếp ảnh và triển lãm; điện ảnh; thời trang; ẩm thực; phần mềm và các trò chơi giải trí; truyền hình và phát thanh; xuất bản… phù hợp với thực tiễn Thủ đô và từng giai đoạn cụ thể.
Hà Nội phấn đấu mục tiêu đến năm 2025, CNVH trở thành ngành kinh tế quan trọng, tạo động lực mới thúc đẩy phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội; hoàn thành rà soát, tích hợp quy hoạch phát triển CNVH vào Quy hoạch Hà Nội đến 2030, tầm nhìn đến 2050.
Đồng thời, Thành phố phấn đấu cải thiện hạ tầng đồng bộ, hiện đại, ưu tiên bố trí quỹ đất theo quy hoạch phân khu 2 bên bờ sông Hồng để phát triển các ngành CNVH gắn với phát triển du lịch; đầu tư, phát triển sản phẩm, dịch vụ văn hóa có chất lượng cao, đa dạng, độc đáo, có thương hiệu, mang đậm bản sắc văn hóa Hà Nội. Phấn đấu đóng góp khoảng 5% GRDP của Thành phố.
Đến năm 2030, ngành CNVH Thủ đô cơ bản trở thành một ngành kinh tế mũi nhọn, thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển của các ngành, lĩnh vực khác. Hà Nội nằm trong nhóm các thành phố có ngành CNVH phát triển hàng đầu có thương hiệu, sản phẩm uy tín, khả năng cạnh tranh cao với các thành phố trong khu vực; là "Thành phố sáng tạo" có sức ảnh hưởng ở khu vực Đông Nam Á. Doanh thu từ các ngành CNVH tăng dần qua từng năm, phấn đấu đóng góp khoảng 8% GRDP của Thành phố.
Phấn đấu đến năm 2045, CNVH là ngành kinh tế mũi nhọn đóng góp khoảng 10% GRDP của Thành phố; kinh tế, văn hóa, xã hội phát triển toàn diện, bền vững; trở thành "Thành phố sáng tạo" của khu vực châu Á, thành phố kết nối toàn cầu, trung tâm văn hóa, du lịch lớn đặc sắc, có sức cạnh tranh quốc tế. Hình thành một số công trình văn hóa mới cho Thủ đô và Việt Nam, mang tính biểu tượng văn hóa tầm cỡ khu vực và thế giới.
Để thực hiện các mục tiêu trên, Thành ủy Hà Nội chỉ rõ các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, bao gồm: Tập trung xây dựng, hoàn thiện cơ chế, chính sách, bảo đảm nguồn lực tài chính ổn định, bố trí nguồn vốn ngân sách thỏa đáng cho đầu tư phát triển CNVH, nhất là các hạng mục có tính chất nền tảng, chiến lược; xây dựng các cơ chế, chính sách đặc thù của Thủ đô để phát huy sự sáng tạo dựa trên các nguồn lực CNVH cho phát triển bền vững.
Hà Nội sẽ xây dựng và ban hành cơ chế khuyến khích phát triển bền vững các không gian sáng tạo trở thành "hệ sinh thái sáng tạo"; khởi nghiệp sáng tạo, đổi mới sáng tạo, ứng dụng công nghệ số, phát triển kinh tế số, kinh tế ban đêm, kinh tế đô thị.
Nhằm đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực phục vụ phát triển các ngành CNVH, Thành phố sẽ xây dựng tiêu chuẩn và cơ chế thi tuyển, lựa chọn, bố trí cán bộ lãnh đạo, quản lý, chuyên gia trong lĩnh vực văn hóa và CNVH có đủ phẩm chất, năng lực, trình độ ngang tầm nhiệm vụ; thực hiện tốt chính sách thu hút, trọng dụng nhân tài.
Thành phố cũng sẽ tăng cường ứng dụng khoa học và công nghệ; phát triển thị trường công nghiệp văn hóa; thu hút và hỗ trợ đầu tư; mở rộng giao lưu, hợp tác trong nước và quốc tế về văn hóa;tập trung xây dựng, phát triển và định vị thương hiệu "Thành phố sáng tạo" của Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên Hợp Quốc (UNESCO)./.
THÙY LÊ