Xuất khẩu lao động: Giải pháp thoát nghèo hiệu quả

Xã hội - Ngày đăng : 15:55, 07/01/2016

(BKTO) - Xuất khẩu laođộng (XKLĐ) là một chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước, giúp người dân cảithiện đời sống, nâng cao thu nhập, góp phần xóa đói, giảm nghèo bền vững, đặc biệt là tại các vùngnông thôn. Những năm qua, công tác XKLĐ được các cấp, ngành đặc biệt quan tâmvà đang có những tín hiệu tích cực.



Những ngôi nhà cao tầng phần lớn là của các gia đình có con em đi XKLĐ

Số lượng lao động đi làm việc ở nước ngoài tăng qua các năm

Hiện nay, thị trường lao động ngoài nước của Việt Nam ngày càng được mở rộng và phát triển. Ngoài những thị trường tiếp nhận lao động truyền thống như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Malaysia, hiện lao động Việt Nam có cơ hội đi làm việc ở nhiều quốc gia khác trên thế giới như các nước khu vực Trung Đông và một số nước châu Âu. Theo thống kê của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH), số lượng lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài trong thời gian qua tăng đều qua các năm. Nếu năm 2006, Việt Nam mới đưa được trên 78.800 lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, thì đến năm 2013, con số này đã tăng lên 88.155 người. Đặc biệt, năm 2014, số lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài tăng kỷ lục, đạt 106.840 người, mức cao nhất từ trước tới nay. Chỉ tính riêng 11 tháng năm 2015, tổng số lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài là 109.252 lao động, vượt 15% kế hoạch năm 2015. Bên cạnh đó, chất lượng lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài cũng ngày càng được nâng cao. Nếu cuối năm 2003, số lượng lao động được đào tạo nghề trước khi đi làm việc ở nước ngoài mới đạt khoảng 35%, đến nay đã đạt trên 50%.

Có thể nói, với một số địa phương còn gặp nhiều khó khăn, nhất là các vùng nông thôn thì XKLĐ chính là một phương thức đúng đắn góp phần xóa đói giảm nghèo hiệu quả. Nhiều địa phương, nhờ làm tốt công tác này mà bộ mặt nông thôn đã thay đổi rất tích cực, đời sống người dân ngày một cải thiện. XKLĐ cũng là cơ hội để người lao động được đào tạo, nâng cao trình độ tay nghề, góp phần nâng cao tỷ lệ lao động qua đào tạo, chuyển dịch cơ cấu lao động và kinh tế địa phương đúng hướng.

XKLĐ góp phần làm thay đổi diện mạo quê hương

Bắc Ninh được đánh giá là một trong những tỉnh làm tốt công tác XKLĐ. Theo thống kê của Sở LĐTB&XH tỉnh Bắc Ninh, trung bình mỗi năm Bắc Ninh đưa hơn 1.500 lao động đi XKLĐ, tương đương có khoảng gần gần 1.000 lao động hồi hương mang lại nguồn thu lớn cho gia đình. Đặc biệt, từ năm 1997 đến nay, tỉnh đã xuất khẩu 32.721 lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài, góp phần hạ tỷ lệ thất nghiệp khu vực thành thị từ mức trên 5% năm 2000 xuống còn 3,2% năm 2015. Tỷ lệ hộ nghèo giảm dần từng năm, từ 5,8% năm 2011 xuống còn 2,2% năm 2015, (theo chuẩn nghèo năm 2011). Năm 2014, tỷ lệ hộ nghèo chung của cả nước là 6% thì Bắc Ninh chỉ ở mức 2,56%. Năm 2015, cả nước phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống dưới 5%, Bắc Ninh đạt ở mức 2,2%.

Những ngày cuối năm 2015, chúng tôi về huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh để tìm hiểu về tình hình XKLĐ của địa phương. Theo ông Nguyễn Chí Hải - Trưởng phòng LĐTB&XH huyện, mấy năm gần đây, Gia Bình có sự phát triển vươn lên mạnh mẽ. Đường làng được trải bê tông sạch đẹp, nhà cao tầng mọc lên khắp các ngõ, xóm, đời sống vật chất và tinh thần của người dân nâng cao rõ rệt. Cũng như các huyện khác trong tỉnh, khoảng hơn 10 năm về trước, Gia Bình gặp không ít khó khăn. Chủ yếu phát triển kinh tế nhờ nông nghiệp, người dân quanh năm “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời” mà cuộc sống cũng chẳng khấm khá. Trước thực trạng đó, nhiều người dân trong huyện đã mạnh dạn tham gia XKLĐ để đem về cuộc sống ấm no, đủ đầy hơn.

Về xã Bình Dương - là địa phương dẫn đầu phong trào XKLĐ của huyện Gia Bình, chúng tôi cảm nhận được sự bình yên, no ấm và cuộc sống đủ đầy của người dân nơi đây. Anh Nguyễn Công Viên - cán bộ UBND xã cho biết: 3 năm trở lại đây, cuộc sống quê tôi khấm khá lên rất nhiều. Những ngôi nhà cao tầng tăng dần theo từng năm phần lớn là của các gia đình có con em đi XKLĐ. Mỗi năm họ gửi về gia đình hàng trăm triệu đồng để xây dựng nhà cửa, mua sắm trang thiết bị hiện đại phục vụ cuộc sống.

Anh Nguyễn Duy Tuy vừa trở về từ Hàn Quốc chia sẻ: “Trước đây, gia đình tôi thuộc hộ nghèo trong xã, có những năm, ngày 30 Tết vẫn phải đi cấy ngoài đồng, nhà cửa im ắng không có gì gọi là không khí Tết”. Năm 2009, với mong muốn đưa kinh tế gia đình đi lên anh đã chọn hướng XKLĐ. Từ đó cuộc sống của gia đình anh chị thay đổi hẳn. Xây được nhà 3 tầng khang trang, sắm sửa tiện nghi sinh hoạt cho gia đình, có điều kiện cho con cái ăn học đàng hoàng.

Anh Nguyễn Xuân Tiến cũng vừa trở về sau 5 năm lao động tại Hàn Quốc. Trước kia gia đình anh thuộc vào diện khó khăn của xã, nay nhờ số tiền tích lũy từ việc đi XKLĐ cuộc sống gia đình anh đã đổi khác. Anh Tiến tâm sự: “Đi lao động ở nước ngoài phải xa vợ con, xa quê hương mỗi khi Tết đến rất nhớ nhà nhưng nghĩ đến tương lai tôi luôn tự nhủ phải cố gắng làm việc chăm chỉ. Sau khi hết thời hạn lao động trở về nhìn căn nhà khang trang, con cái khôn lớn tôi thấy quyết định đi XKLĐ của mình là hoàn toàn đúng đắn.

Ông Lê Công Dũng - Chủ tịch UBND xã Bình Dương cho biết, vốn là một xã thuần nông, không có nghề phụ, trước đây, thu nhập của người dân chủ yếu trông chờ vào sản xuất nông nghiệp, cuộc sống của người dân gặp nhiều khó khăn. “Phong trào” XKLĐ tràn đến xã bắt đầu từ năm 1997. Người nọ theo người kia, hầu như gia đình nào trong xã cũng có người đi XKLĐ, thậm chí có gia đình có từ 7 đến 10 người bôn ba nước ngoài, chủ yếu là Hàn Quốc, Đài Loan, Malaysia… Số lao động đi làm việc ngoài nước đã tác động tích cực đến nhiều mặt của xã hội, nhận thức của người dân nâng lên, thay đổi từ tập quán canh tác lạc hậu, đến tiếp nhận công nghệ sản xuất tiên tiến. XKLĐ đã mang lại nguồn thu nhập cao, cải thiện cuộc sống cho nhiều gia đình, tạo nguồn đóng góp xây dựng quê hương thêm khởi sắc.

Bài và ảnh: LÊ HÒA