Các trường kinh tế: Đổi mới để tăng quyền chủ động trong đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao
Kinh tế - Ngày đăng : 16:21, 24/02/2022
(BKTO) - Chuẩn bị cho mùa tuyển sinh năm 2022-2023, nhiều trường đại học đào tạo ngành kinh tế tốp đầu đã công bố thông tin tuyển sinh đến người học. Đáng chú ý, ngoài việc mở ngành đào tạo mới theo xu thế thị trường, hội nhập, nhiều trường kinh tế cũng sẽ thay đổi phương thức tuyển sinh để lựa chọn được nguồn tuyển sinh có chất lượng và tiến hành đào tạo theo các chương trình tiên tiến, chất lượng cao.
Bổ sung chương trình đào tạo mới, chú trọng ứng dụng công nghệ
Năm học 2022-2023 sẽ là năm đầu tiên các trường đại học tự chủ thực hiện tăng học phí theo lộ trình mới, sau một thời gian tạm dừng do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 để chia sẻ khó khăn với người học. Đồng thời với những thay đổi về chính sách, khi các trường đại học, đặc biệt là các trường khối kinh tế tiếp tục đẩy mạnh thực hiện tự chủ cũng sẽ đòi hỏi những đổi mới trong công tác tuyển sinh, đào tạo để đáp ứng yêu cầu đề ra.
Trường Đại học Kinh tế Quốc dân đang từng bước tạo lập môi trường công nghệ cho sinh viên, hướng tới đưa AI, Big data trở thành một trong số môn học chính. “Bước đầu, Trường đã thay đổi chương trình đào tạo. Giảng viên bộ môn, khoa cố gắng đưa hàm lượng công nghệ nhất định, sử dụng phần mềm vào các môn như kế toán, kiểm toán hay quản trị khách sạn, lữ hành, logistics...” - PGS,TS. Phạm Hồng Chương - Hiệu trưởng nhà trường cho biết.
Nhiều trường kinh tế tốp đầu hứa hẹn những thay đổi trong tuyển sinh năm nay. Ảnh minh họa |
Đánh giá tình hình đại dịch Covid-19 làm thay đổi sâu sắc thế giới, thay đổi thị trường và sự bao trùm của công nghệ số trong mọi hoạt động, PGS,TS. Phạm Hồng Chương cho rằng, điều này đặt ra cơ hội và thách thức rất lớn với các em sinh viên mới ra trường. Trước sự thay đổi này, sinh viên cần được tiếp cận những xu thế mới ngay trong quá trình đào tạo và thực tiễn. Do đó, các trường khi thay đổi nội dung đào tạo, điều quan trọng nhất là làm thế nào để ứng dụng công nghệ trong môn học có thể ngang bằng với thực tiễn, thậm chí tốt hơn, giới thiệu nền tảng mới, các DN chưa sử dụng.
Xác định yếu tố công nghệ luôn được chú trọng trong các ngành đào tạo của Trường, tại tọa đàm “Uniprep - Sắp vào đại học” diễn ra theo hình thức trực tuyến mới đây, GS. Sử Đình Thành - Hiệu trưởng Đại học Kinh tế TP. HCM cho biết, năm nay nhà trường sẽ mở ra những ngành mới liên quan đến công nghệ như: truyền thông số và thiết kế đa phương tiện, các ngành liên quan công nghệ gắn với kinh tế. Mục tiêu tiếp cận tương đồng với các trường tiên tiến trên thế giới để đào tạo về kinh tế số.
PGS,TS. Vũ Thị Hiền - Trưởng phòng Quản lý đào tạo, Trường Đại học Ngoại thương, cho biết: Từ năm nay, trường bắt đầu tuyển sinh chương trình đào tạo thích ứng với bối cảnh của nền kinh tế số, bao gồm: marketing số (tuyển sinh tại trụ sở Hà Nội) và truyền thông marketing tích hợp (tuyển sinh tại Cơ sở II TP. Hồ Chí Minh); chương trình kinh doanh số thuộc ngành kinh doanh quốc tế (tuyển sinh tại trụ sở Hà Nội).
Ba chương trình mới đều có cách tiếp cận hiện đại trong thiết kế và tổ chức thực hiện trên nguyên tắc căn bản, mở, linh hoạt nhằm giúp người học có nền tảng nghề nghiệp, có khả năng nắm bắt cơ hội phát triển nghề nghiệp và thích nghi sáng tạo trong bối cảnh thay đổi liên tục của thế giới.
Đổi mới phương thức tuyển sinh để tăng quyền tự chủ, chủ động
Nếu như những năm trước, hầu hết các trường đào tạo về kinh tế dành phần lớn chỉ tiêu xét tuyển từ kết quả thi tốt nghiệp trung học phổ thông thì năm nay, nhiều trường tốp trên đã giảm chỉ tiêu đối với phương thức này và tăng chỉ tiêu xét tuyển riêng, nhằm lựa chọn được thí sinh phù hợp với mục tiêu đào tạo của nhà trường.
Theo đó, năm nay Trường Đại học Kinh tế Quốc dân sẽ sử dụng điểm đánh giá tư duy và điểm đánh giá năng lực của hai trường đại học quốc gia và Trường Đại học Bách khoa Hà Nội để xét tuyển. Như vậy, ngoài 3 phương thức tuyển sinh (xét tuyển thẳng, xét tuyển theo kết quả kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông, xét tuyển kết hợp), Trường sẽ có thêm phương thức xét tuyển dựa vào kết quả kỳ thi đánh giá năng lực.
“Thông qua kỳ đánh giá này, nhà trường có thể tìm kiếm được những thí sinh có đủ năng lực, đáp ứng yêu cầu đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao qua những chương trình đào tạo nâng cao của nhà trường” - đại diện lãnh đạo Trường cho biết.
Dù chưa chính thức công bố phương án tuyển sinh của nhà trường, song đại diện lãnh đạo Trường Đại học Kinh tế TP. HCM cho biết, nhà trường dự kiến sẽ có một vài thay đổi so với mùa tuyển sinh trước. Trong đó, Trường sẽ giảm chỉ tiêu tuyển sinh đối với diện xét kết quả thi trung học phổ thông, thay vào đó là tăng chỉ tiêu thí sinh qua kỳ thi đánh giá năng lực, hoặc đáp ứng các điều kiện riêng của nhà trường đặt ra. Thay đổi này nhằm đáp ứng yêu cầu thu hút học sinh giỏi để thực hiện các chương trình đào tạo chất lượng cao, đào tạo theo đặt hàng của khối trường kinh tế, trong bối cảnh đây là nhóm trường có khả năng thích ứng và phát huy tự chủ tốt nhất hiện nay.
Những thay đổi trong việc mở ngành đào tạo, đáp ứng yêu cầu của thị trường, cũng như đổi mới trong phương thức tuyển sinh là những tín hiệu tốt cho thấy vai trò phát huy quyền tự chủ của mỗi trường theo xu thế chung. Song, theo các chuyên gia giáo dục, để thực hiện tốt các yêu cầu đổi mới này, cũng như đảm bảo sự chủ động nhất định cho thí sinh, các trường đại học cần sớm công bố đề án tuyển sinh để thí sinh tìm hiểu và nắm chắc một số quy định mới. Từ đó, các em có định hướng trong học tập và đăng ký nguyện vọng xét tuyển cho phù hợp.
NGUYỄN LỘC