Chỉ rõ trách nhiệm quản lý nhà nước về tài nguyên, khoáng sản trong quá trình kiểm toán
Hoạt động của Ngành - Ngày đăng : 21:50, 28/02/2022
(BKTO) - Sáng 28/02, tại Hà Nội, KTNN chuyên ngành II đã chủ trì buổi Tập huấn Đề cương Chuyên đề công tác quản lý nhà nước về tài nguyên, khoáng sản (TNKS) giai đoạn 2017-2021 tại các Bộ, tỉnh, thành phố và một số tập đoàn, tổng công ty.
Quang cảnh buổi Tập huấn. Ảnh: H. Nhung |
Tham dự buổi Tập huấn có đại diện một số đơn vị trực thuộc và 13 KTNN khu vực tại các đầu cầu trực tuyến.
Trình bày sơ bộ về Đề cương kiểm toán, Phó phòng Ngân sách I, KTNN chuyên ngành II - ông Đàm Quốc Hương - cho biết, Chuyên đề kiểm toán nhằm đánh giá việc thực hiện trách nhiệm quản lý nhà nước về TNKS của Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) và các địa phương; việc chấp hành các quy định trong thăm dò, khai thác, sử dụng TNKS của các tổ chức, cá nhân; việc chấp hành các nghĩa vụ đối với NSNN; việc trích lập, quản lý sử dụng các quỹ tại DN (nếu có) liên quan đến hoạt động thăm dò, khai thác, sử dụng TNKS.
Việc thực hiện kiểm toán Chuyên đề này còn nhằm phát hiện các hành vi trốn tránh, gian lận trong việc thực hiện nghĩa vụ đối với NSNN (thuế tài nguyên, phí bảo vệ môi trường…) của các tổ chức, cá nhân được cấp giấy phép hoạt động khoáng sản; phát hiện kịp thời hành vi tham nhũng, lãng phí và sai phạm trong quản lý, cấp phép và thăm dò, khai thác khoáng sản; xác định rõ trách nhiệm của tập thể, cá nhân, kiến nghị xử lý vi phạm theo quy định của pháp luật.
Thông qua kiểm toán, KTNN kiến nghị với các đơn vị được kiểm toán chấn chỉnh công tác quản lý về TNKS, chấp hành các nghĩa vụ đối với NSNN và biện pháp khắc phục những hạn chế; kiến nghị các cấp có thẩm quyền xử lý vi phạm, sửa đổi, bổ sung cơ chế, chính sách liên quan đến quản lý, khai thác khoáng sản; cung cấp thông tin, số liệu tin cậy cho Quốc hội, Chính phủ, HĐND tỉnh, thành phố để giám sát và có những chỉ đạo, điều chỉnh kịp thời trong công tác quản lý nhà nước về TNKS.
Nội dung kiểm toán của Chuyên đề bao gồm: Kiểm tra, đánh giá việc thực hiện trách nhiệm quản lý nhà nước về TNKS của Bộ TN&MT và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; công tác phối hợp giữa Bộ TN&MT với các địa phương trong việc quản lý TNKS do Bộ TN&MT cấp phép.
Cuộc kiểm toán cũng sẽ tập trung đánh giá công tác quản lý, cấp phép thăm dò và khai thác khoáng sản gắn với bảo vệ môi trường; việc tuân thủ pháp luật về quản lý thăm dò, khai thác khoáng sản; việc bảo vệ khoáng sản chưa khai thác tại các địa phương; việc ban hành các quy định của địa phương trong hoạt động khoáng sản, việc bảo vệ khoáng sản chưa khai thác trên địa bàn; việc thực hiện quy hoạch, công tác bảo vệ môi trường.
KTNN còn đánh giá việc chấp hành nghĩa vụ với NSNN của các tổ chức, cá nhân có hoạt động khoáng sản; kiểm tra, đánh giá tình hình thực hiện kiến nghị kiểm toán của KTNN về công tác quản lý nhà nước về TNKS đã được KTNN thực hiện (nếu có).
Các KTNN khu vực tham dự buổi Tập huấn tại các điểm cầu. Ảnh: H. Nhung |
Về phương án tổ chức kiểm toán, ông Hương nêu rõ: KTNN chuyên ngành II là đơn vị chủ trì cuộc kiểm toán Chuyên đề, thực hiện kiểm toán tại Bộ TN&MT và một số địa phương. Đồng thời, tổng hợp kết quả kiểm toán của các KTNN khu vực và chuyên ngành để lập báo cáo tổng hợp chung kết quả kiểm toán cho cả Chuyên đề.
KTNN chuyên ngành VI thành lập Đoàn kiểm toán Chuyên đề hoặc lồng ghép khi thực hiện kiểm toán báo cáo tài chính tại tập đoàn, tổng công ty. KTNN các khu vực thành lập các đoàn kiểm toán chuyên đề riêng biệt hoặc lồng ghép để thực hiện kiểm toán tại các địa phương được phân công.
Về lập và phát hành biên bản kiểm toán, báo cáo kiểm toán (BCKT), ông Hương nhấn mạnh: Đối với các đơn vị thành lập Đoàn kiểm toán Chuyên đề riêng: Lập 1 BCKT của Đoàn; các đơn vị kiểm toán chi tiết, các địa phương được kiểm toán lập Biên bản kiểm toán của Tổ kiểm toán và Thông báo kết quả kiểm toán. BCKT của Đoàn sau khi phát hành được gửi về KTNN chuyên ngành II để tổng hợp chung.
Đối với các đơn vị không thành lập Đoàn kiểm toán riêng biệt mà thực hiện kiểm toán lồng ghép: Biên tập thành 1 mục riêng trong BCKT tại đơn vị, địa phương được kiểm toán, nhưng phải đảm bảo đầy đủ các nội dung theo Đề cương. BCKT sau khi phát hành, các đơn vị chủ trì kiểm toán có trách nhiệm gửi nội dung của Chuyên đề về KTNN chuyên ngành II để tổng hợp chung.
Làm rõ thêm nội dung kiểm toán quản lý nhà nước về TNKS giai đoạn 2017-2021 tại tập đoàn, tổng công ty nhà nước, đại diện KTNN chuyên ngành VI cho biết, đơn vị sẽ đánh giá việc thực hiện trách nhiệm của các DN trong tổ chức quản lý, bảo vệ khoáng sản theo quy định tại Điều 17 Luật Khoáng sản và Điều 20 Nghị định số 158/2016/NĐ-CP ngày 29/11/2016; việc thực hiện bảo vệ môi trường trong hoạt động khai thác khoáng sản của DN; việc tuân thủ pháp luật trong thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng TNKS...
KTNN chuyên ngành VI cũng sẽ đánh giá việc chấp hành nghĩa vụ nộp tiền cấp quyền khai thác khoáng sản, thuế tài nguyên, phí bảo vệ môi trường…; việc thực hiện nghĩa vụ với NSNN trong chuyển nhượng quyền thăm dò, khai thác khoáng sản (nếu có); việc thực hiện ký quỹ cải tạo, phục hồi môi trường theo quy định tại Điều 8 Nghị định số 19/2015/NĐ-CP ngày 14/02/2015 và Khoản 5 Điều 2 Nghị định số 40/2019/NĐ-CP và các văn bản hướng dẫn có liên quan.
Tại buổi Tập huấn, đại diện các đơn vị đã thảo luận, trao đổi thẳng thắn, cụ thể về nhiều vấn đề liên quan đến Chuyên đề kiểm toán này như: Tình hình thanh tra, kiểm tra tại các đơn vị, DN; vấn đề khai thác ngoài phạm vi; vấn đề chuyển nhượng, cấp phép; các nội dung liên quan đến kiểm toán khoáng sản mới; các sai sót khi đơn vị không lắp camera, trạm cân; vấn đề xử lý trách nhiệm vi phạm; phương án tổ chức kiểm toán để tránh chồng chéo về nội dung với Thanh tra Chính phủ…
Phó Kiểm toán trưởng KTNN chuyên ngành II - ông Nguyễn Xuân Khải kết luận tại buổi Tập huấn. Ảnh: H. Nhung |
Kết luận buổi Tập huấn, Phó Kiểm toán trưởng KTNN chuyên ngành II - ông Nguyễn Xuân Khải - nhấn mạnh: Đây là Chuyên đề kiểm toán quan trọng thứ hai của KTNN trong năm 2022, sau Chuyên đề “Việc huy động, quản lý, sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19 và các chính sách hỗ trợ” theo yêu cầu của Quốc hội.
Với trách nhiệm được giao chủ trì Chuyên đề này, lãnh đạo KTNN chuyên ngành II mong muốn các KTNN chuyên ngành và khu vực trong quá trình kiểm toán sẽ chỉ rõ trách nhiệm quản lý nhà nước về TNKS của các đơn vị liên quan; đánh giá được những bất cập, hạn chế của hệ thống văn bản, chính sách về TNKS, từ đó kiến nghị sửa đổi, bổ sung, thay thế cho phù hợp./.
HỒNG NHUNG