Niềm tin tăng trường kinh tế tạo cơ hội cho M&A tiếp tục bùng nổ

Kinh tế - Ngày đăng : 17:21, 03/03/2022



                
   

Nguồn: PwC

   

Nhiều yếu tố thúc đẩy thị trường M&A 2021

Theo đánh giá của PwC tại Báo cáo “Xu hướng M&A toàn cầu: Triển vọng năm 2022”, hoạt động M&A năm 2021 được thúc đẩy bởi nhu cầu cao về công nghệ, nhất là với các tài sản kỹ thuật số và dữ liệu, cũng như các thỏa thuận bị dồn nén từ năm 2020 được giải phóng.

Bước sang năm 2022, những kỷ lục của năm 2021 được cho là không dễ phá vỡ, tuy nhiên, sự lạc quan về tăng trường kinh tế ở mức cao tạo tiền đề cho một hệ thống giao dịch mạnh mẽ và nguồn vốn dồi dào.

Năm thứ hai liên tiếp, khảo sát CEO toàn cầu ấn bản thứ 25 của PwC (công bố tháng 01/2022) cũng cho thấy, 77% CEO kỳ vọng tăng trưởng kinh tế toàn cầu sẽ cải thiện trong năm tới.

Hơn nữa, hơn một nửa số CEO lựa chọn mức độ tin tưởng cao đối với tăng trưởng doanh thu tại DN của họ trong 12 tháng tới, dẫn đầu là các CEO của DN cổ phần tư nhân (67%) và công ty công nghệ (64%) - hai lĩnh vực có khối lượng và giá trị M&A cao nhất năm 2021.
                
   

Bất chấp việc một số nền kinh tế sụt giảm, các CEO toàn cầu vẫn lạc quan về tăng trưởng kinh tế. Nguồn: PwC

   

Năm 2021, các giao dịch tập trung vào công nghệ tiếp tục thống trị thị trường M&A khi các công ty tìm cách có được năng lực công nghệ và chuyển đổi mô hình kinh doanh. Việc phát hành lần đầu ra công chúng (IPO) của các công ty mua lại có mục đích đặc biệt (SPAC) diễn ra mạnh mẽ từ cuối năm 2020 sang đầu năm 2021, kết hợp với gần 500 SPAC chưa thông báo về việc sáp nhập sẽ tạo ra một làn sóng M&A lớn năm 2022.

Các chuyên gia của PwC cho rằng, các yếu tố góp phần tạo nên con số kỷ lục năm 2021 vẫn có ảnh hưởng đối với các thương vụ vào năm 2022, dẫn đầu bởi sự cạnh tranh gay gắt giữa các DN, cổ phần tư nhân (PE) và các SPAC. Việc định giá cũng được kỳ vọng để duy trì ở mức cao.

Đặc biệt, gần 40% các giao dịch vào năm 2021 liên quan đến quỹ PE, tăng cao so với 5 năm qua. Các công ty PE không chỉ thực hiện nhiều thỏa thuận hơn, họ đang thực hiện những thỏa thuận lớn hơn 30% so với 5 năm trước.

“Vốn nhà đầu tư tăng, bội số cao hơn và lãi suất tăng đang tạo áp lực lên các công ty công ty PE trong việc tạo ra lợi nhuận. Phản ứng của họ là giao dịch lớn hơn, phức tạp hơn và có khả năng rủi ro cao hơn, đồng thời tập trung vào việc tạo ra giá trị và các chiến lược dựa trên dữ liệu ” - Lãnh đạo Quỹ đầu tư, Đối tác, Đối tác PwC Vương quốc Anh Will Jackson Moore - nhận định.

Các xu hướng chính tác động M&A năm 2022

Ở giai đoạn đầu của đại dịch, hoạt động hiệu quả và khả năng tiếp cận vốn đã giúp nhiều tập đoàn lớn có giá trị tốt hơn so với các đối thủ ít vốn hơn. Điều này có thể dẫn đến sự hợp nhất mạnh mẽ khi các công ty sử dụng M&A để đạt được lợi thế về quy mô.

Tuy nhiên, gần đây, một số tập đoàn lớn lâu năm như IBM, Daimler, General Electric, Johnson & Johnson và Toshiba đã đưa ra tuyên bố sáp nhập hoặc hủy bỏ, đồng thời tiến hành đánh giá danh mục đầu tư chiến lược và thoái vốn các DN hoạt động kém hiệu quả hoặc không cốt lõi.

Các giám đốc điều hành cũng đang tập trung ngày càng cao vào khả năng nhanh nhẹn - phản ứng nhanh với việc thay đổi hành vi của khách hàng và sự gián đoạn mô hình kinh doanh. Một số DN còn mong muốn có được sự linh hoạt hơn về tài chính và hoạt động, cũng như tập trung vào các mục tiêu cụ thể vượt xa những lợi ích truyền thống chính DN họ. Những mục tiêu này có thể sẽ dẫn đến việc tiếp tục bán tháo vào năm 2022.

Bên cạnh đó, tăng cường chuỗi cung ứng cũng đang là một lĩnh vực được quan tâm đặc biệt. Các chuyên gia của PwC cho rằng, năm 2022 sẽ mang lại nhiều giao dịch tích hợp theo chiều dọc hơn, để bảo đảm các nguyên liệu hoặc thành phần chính, cũng như kiểm soát cách sản phẩm được phân phối.

Nhiều DN đang phải đối mặt với tình trạng thiếu nguyên liệu, đầu vào hoặc lao động, đóng cửa cảng, thiếu container vận chuyển (đặc biệt là những công ty trong lĩnh vực sản xuất, dược phẩm và thiết bị y tế) khiến họ đẩy mạnh sự tập trung vào các cơ hội bán hoặc mua gần để giảm thời gian giao hàng và xây dựng khả năng phục hồi cao hơn.

Ngoài ra, các yếu tố môi trường, xã hội và quản trị (ESG) ngày càng được nhắc đến đến nhiều hơn trong chiến lược và quyết định M&A, khi các nhà đầu tư sử dụng các tiêu chí ESG để đánh giá rủi ro và xác định các cơ hội tạo ra giá trị. Khảo sát về vốn tư nhân toàn cầu năm 2021 của PwC đã cho thấy, hơn 50% số người được hỏi đã từ chối tham gia thỏa thuận với đối tác chung hoặc từ chối khoản đầu tư tiềm năng dựa trên cơ sở ESG.

Với các cam kết ngày càng tăng nhằm giảm phát thải carbon của các công ty và quỹ PE, nguồn vốn tăng thêm sẽ được huy động để chuyển đổi sang các nguồn năng lượng xanh hơn, từ đó tạo cơ hội cho thị trường M&A, không chỉ trong các lĩnh vực phát thải carbon mà còn trong các lĩnh vực đổi mới để phát triển các công nghệ cho tương lai.

“Chúng tôi đã chứng kiến các thương vụ dẫn đường cho sự phục hồi kinh tế, tôi kỳ vọng M&A sẽ tiếp tục đóng vai trò then chốt đối với các công ty trong việc điều hướng sự gián đoạn công nghệ và gia tăng áp lực từ các bên liên quan để mở rộng giá trị trong công ty và danh mục đầu tư của họ” - Lãnh đạo Thỏa thuận toàn cầu, Đối tác PwC Tây Ban Nha Malcolm Lloyd nhấn mạnh.

Tuy vậy, báo cáo của PwC cũng nhấn mạnh thêm rằng, môi trường pháp lý thắt chặt ở nhiều quốc gia có thể sẽ tạo ra sóng gió cho các nhà hoạch định thương vụ vào năm 2022, đặc biệt là những thương vụ mời gọi chống độc quyền hoặc đầu tư trực tiếp nước ngoài.Chủ nghĩa bảo hộ gia tăng cùng các chính sách liên quan đến công nghệ sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến các quyết định M&A./.

THÙY LÊ