Lụa Vạn Phúc: Nét đẹp văn hóa đi ra từ truyền thuyết

Xã hội - Ngày đăng : 15:55, 07/01/2016

(BKTO) - “Nắng Sài Gòn anh đi mà chợt mát/Bởi vì em mặcáo lụa Hà Đông…”. Lời hát lãng mạn trong tình khúc “Áo lụa Hà Đông” của Ngô ThụyMiên như thôi thúc tôi tìm về xứ sở của những tấm lụa đào tơ trứ danh đất KinhKỳ. Qua bao thăng trầm của thời gian, lụa Hà Đông đang tiếp tục khẳng định nétđẹp truyền thống gìn giữ từ nghìn năm trước cho tới ngày nay.




Nữ nghệ nhân đang say sưa bên khung dệt. Ảnh: TS

Nét đẹp văn hóa truyền đời

Tìm về làng lụa Vạn Phúc (phường Vạn Phúc, quận Hà Đông, TP.Hà Nội), trực tiếp chứng kiến cuộc sống của người dân mới có thể thấy hết được sự đổi thay đến khác lạ nơi đây. Vạn Phúc không bị cuốn vào “cơn lốc” đô thị hóa như bao ngôi làng ven đô khác. Những giá trị cốt lõi của làng nghề truyền thống có niên đại trên 1.000 năm tuổi vẫn được lưu giữ. Đặc biệt, không gian sản xuất, trưng bày lụa chính là một điểm nhấn tại quần thể làng nghề mang đậm giá trị văn hóa, lịch sử này.

Để hiểu thêm về lịch sử của làng nghề, chúng tôi tìm gặp nghệ nhân Nguyễn Hữu Chỉnh - nguyên Chủ tịch HiệphộiLàng nghề Vạn Phúc, khi cụ đã ở độ tuổi “xưa nay hiếm”. Hỏi về lịch sử làng lụa, cụ như được đánh thức ký ức tự hào, lâu lâu mới được nhắc tới. Cụ kể rằng, tiếng thơm Lụa Hà Đông đã có trên nghìn năm tuổi, trải qua nhiều năm tháng thăng trầm, bể dâu nhưng người làng Vạn Phúc vẫn miệt mài với nghề canh cửi cho tới hôm nay. Cụ cho biết, từ xưa, lụa ở vùng Hà Đông nổi tiếng nhất vẫn là lụa Vạn Phúc, nên dân gian quen gọi lụa Vạn Phúc là lụa Hà Đông. Cái tên “quê lụa” cũng bắt nguồn từ lịch sử, khi cả vùng Hà Đông rộng đều có nghề làm lụa. Giờ, địa danh đã thu hẹp, nhưng danh tiếng và ảnh hưởng của tấm lụa Vạn Phúc đã lan truyền và trở thành đại diện cho thương hiệu lụa Hà Đông đi sâu và tiềm thức văn hóa.

Theo truyền thuyết, cách đây khoảng 1.200 năm, bà A Lã Thị Nương, một người con gái ở Cao Bằng nổi tiếng đảm đang và dệt lụa khéo léo về làm dâu làng Vạn Phúc. Bà đã đem những bí quyết dệt lụa học được về truyền dạy cho người dân. Đến khi mất đi, bà được người dân tôn làm Thành hoàng làng. Lụa Vạn Phúc có tiếng từ thời Lý. Dưới triều Nguyễn, lụa Vạn Phúc được chọn may quốc phục. Ngày nay, với bàn tay khéo léo và sáng tạo của những người thợ đã dệt lên những tấm lụa mượt mà, mang đậm tính dân tộc. Thương hiệu lụa nức tiếng tiếp tục được đông đảo bạn bè quốc tế biết đến và làng lụa Vạn Phúc đang trở thành điểm đến quen thuộc của du khách mỗi khi tìm về Thủ đô.

Tuy nhiên, để có được tiếng thơm quê lụa như ngày hôm nay, phải kể đến cống hiến thầm lặng, bền bỉ của nhiều nghệ nhân, thợ nghề và những người có tình yêu đặc biệt với tấm lụa sinh ra từ truyền thuyết ấy. Điển hình như trường hợp của nghệ nhân Nguyễn Hữu Chỉnh. Trải qua nhiều sóng gió của cuộc đời, có những thời kỳ làng lụa Vạn Phúc tưởng như ngừng hoạt động, cả làng vắng bóng tiếng quay tơ, dệt sợi. Chính ông là người “truyền lửa” nghề cho các thế hệ sau và cũng là người đặt nền móng cho sự ra đời của quần thể làng lụa ngày nay.

Tự hào và trăn trở

Là những người gắn bó trọn cuộc đời với tấm lụa Vạn Phúc, những nghệ nhân cao niên của làng thấu hiểu nỗi vất vả của người dân quê lụa, khi dệt nên một tấm lụa. Vậy nên, họ càng bức xúc hơn ai hết khi thấy những sản phẩm lụa “nhái” lụa Hà Đông bày bán, thậm chí trà trộn vào lụa thật. Mặc dù, từ năm 2008, làng nghề đã đăng ký với Cục Sở hữu trí tuệ sản phẩm lụa Vạn Phúc mang tên “Lụa Hà Đông”. Nhưng hiện nay, ngay tại làng lụa không ít người vì lợi ích cá nhân có thể “bán rẻ” thương hiệu của làng nghề.

Đúng dịp chúng tôi tìm về Vạn Phúc, một cuộc họp bàn tròn về hướng đổi mới, phát triển của làng nghề đang được tổ chức, do họa sỹ Nguyễn Văn Trường chủ trì với sự có mặt của các nghệ nhân, đại diện các hộ kinh doanh và DN xúc tiến thương mại. Nhiều ý kiến trăn trở, tâm huyết đã được nêu lên và thảo luận. Các DN, nghệ nhân từng tham khảo sản phẩm lụa tại nhiều quốc gia đều khẳng định: Lụa Hà Đông không thua kém về chất lượng so với bất cứ sản phẩm lụa nào trên thế giới. Tuy nhiên, làm thế nào để đưa được những nét đẹp của lụa tới đông đảo bạn bè quốc tế, đó vẫn còn là cả chặng đường dài.

Khoe với chúng tôi về những thành công của làng nghề, ông Đặng Quang Hải - Phó Chủ tịch UBND phường Vạn Phúc cho biết, năm 2015 tiếp tục đánh dấu nhiều sự kiện quan trọng của làng nghề. Tổng sản lượng lụa sản xuất năm 2015 tăng 16% (ước đạt 1,8 triệu mét), doanh thu tăng 20% (ước đạt 81 tỷ đồng) so với cùng kỳ năm 2014. Nhiều năm liền, lụa Vạn Phúc được tặng “Thương hiệu Vàng Thăng Long”. Đây cũng là một trong 7 làng nghề truyền thống tiêu biểu của Hà Nội cần được bảo tồn. Đặc biệt, năm 2014, làng lụa Vạn Phúc được được công nhận là “Làng nghề dệt lụa tơ tằm lâu đời nhất còn duy trì hoạt động đến ngày nay” và hàng loạt những dấu mốc quan trọng khác, đưa đến sự đổi thay trên quê lụa.

Giờ đây đến quê lụa, du khách không chỉ được lựa chọn những loại lụa yêu thích, mà còn được hướng dẫn tham quan, tìm hiểu quy trình làm lụa để hiểu hơn về truyền thống của làng nghề... Dịp chúng tôi đến, chị Nguyễn Thị Hạnh, chủ một DN du lịch đang tập trung tìm kiếm mẫu sản phẩm từ lụa để xuất khẩu số lượng lớn sang Mỹ. Chị Hạnh cũng cho biết: Nếu biết khai thác tốt sẽ mở ra triển vọng xuất khẩu lụa sang thị trường Mỹ, cũng như nhiều thị trường khác trên thế giới...

Rời quê lụa, những lời chia sẻ của chị Hạnh vẫn bám theo suy nghĩ của chúng tôi với một niềm tin rằng, bằng cách nghĩ, cách làm tích cực, tâm huyết, không lâu nữa sản phẩm lụa Hà Đông sẽ xuất hiện ở khắp các thị trường trên thế giới, góp phần tô điểm thêm nét đẹp nghìn năm của một sản phẩm, một nét văn hóa truyền thống mang đậm đặc trưng Việt.

NGUYỄN LỘC