Trong tháng 3, phấn đấu đưa 7 triệu liều vaccine Pfizer về tiêm cho trẻ từ 5-11 tuổi

Chính trị - Ngày đăng : 21:20, 04/03/2022

(BKTO) - Thông tin được Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho biết tại Họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 02/2022 diễn ra mới đây.


                
   

Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên lưu ý người dân chỉ mua kit khi cần, dùng đến đâu mua đến đó. Ảnh: VGP

   

Người dân đồng tình tiêm vaccine Covid-19 cho trẻ từ 5-11 tuổi

Trước câu hỏi của nhà báo về việc tiêm vaccine cho trẻ từ 5-11 tuổi tới đây sẽ thực hiện như thế nào, bắt buộc hay trên tinh thần tự nguyện, Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên nêu rõ, khi xây dựng kế hoạch tiêm vaccine Covid-19 cho trẻ từ 5-11 tuổi, Bộ Y tế đã báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và xin ý kiến các Bộ, ngành.

Sau khi tổng hợp các ý kiến, Bộ Y tế đã báo cáo Chính phủ. Chính phủ cũng đã có Nghị quyết đồng ý mua vaccine tiêm cho đối tượng từ 5-11 tuổi, số lượng 21 triệu liều, tiêm cho khoảng 11,9 triệu trẻ với 2 mũi tiêm. Thủ tướng cũng đã có Quyết định cho phép Bộ Y tế mua vaccine theo cơ chế đặc thù.

Đặc biệt, Bộ Y tế đã lấy ý kiến cộng đồng, nhất là phụ huynh học sinh từ 5-11 tuổi, trong đó, số phụ huynh đồng ý tiêm cho trẻ chiếm tỷ lệ cao (khoảng 78%). Như vậy, cùng với khảo sát của Ban Tuyên giáo, Bộ Y tế nhận thấy, cơ bản người dân rất đồng tình với việc tiêm vaccine Covid-19 cho trẻ ở nhóm tuổi này.

“Bộ Y tế đã làm việc với hãng Pfizer để xây dựng dự toán và kế hoạch. Phấn đấu trong tháng 3 này, chúng ta đưa được 7 triệu liều vaccine Pfizer về tiêm cho trẻ. Trong quý IV, đưa số vaccine còn lại về Việt Nam. Tuy nhiên, thời gian tiêm sẽ kéo dài sang năm sau, vì sau tiêm mũi 1 sẽ phải có thời gian để tiêm mũi 2” - Thứ trưởng Tuyên cho hay.

Chỉ mua kit khi cần, dùng đến đâu mua đến đó

Liên quan đến câu hỏi về số F0 tăng cao, Thứ trưởng Bộ Y tế lý giải: Từ khi Việt Nam xuất hiện Covid-19, virus SARS-CoV-2 thường xuyên có biến chủng. Chủng Delta đã gây ra đợt dịch thứ 4 tại TP. HCM và các tỉnh miền Nam có tốc độ lây lan trên 3 lần so với chủng cũ. Chủng Omicron lây lan tăng trên 2 lần so với chủng Delta. Như vậy, tốc độ lây lan của chủng Omicron gấp 5 lần chủng cũ. Đây là nguyên nhân gây tăng cao ca F0.

Bên cạnh đó, Việt Nam đã có tỷ lệ bao phủ vaccine rất cao, từ 18 tuổi trở lên cơ bản mũi 1 đã tiêm xong, mũi 2 đạt xấp xỉ 98%, trẻ em từ 12-17 tuổi tiêm mũi 1 đạt 98%, mũi 2 khoảng 96-97%. Với độ bao phủ vaccine như vậy, một bộ phận người dân có tư tưởng chủ quan vì cho rằng đã tiêm vaccine.

Thêm vào đó, khi có độ bao phủ vaccine, chúng ta lại có những yếu tố cơ bản như thuốc điều trị, do vậy đã chuyển hướng từ phát hiện, ngăn chặn, khoanh vùng, dập dịch sang thích ứng an toàn, linh hoạt và mở các hoạt động, nhưng vẫn tuân thủ 5K+vaccine, thuốc, công nghệ và ý thức của người dân.

Tuy nhiên, khi mở cửa các hoạt động, một bộ phận người dân có tư tưởng chủ quan, không thực hiện nghiêm nguyên tắc trên. Từ đó, tốc độ F0 tăng cao.

Tổ chức Y tế thế giới đã nhận định chủng Omicron đang lây lan rất nhanh, chưa từng thấy. “Năm 2022, tình hình dịch vẫn diễn biến phức tạp, chưa thể chấm dứt. Nhưng chúng ta cũng không quá lo lắng. Việt Nam là một nước được đánh giá là Top 10 thế giới, Top 5 châu Á, Top 2 Đông Nam Á về tốc độ bao phủ vaccine” - ông Tuyên chia sẻ.

Hiện thế giới đã, đang nghiên cứu và đưa một số thuốc vào điều trị. Tại Việt Nam, Cục Quản lý dược (Bộ Y tế) đã cấp phép cho 3 loại thuốc trong điều trị. Ngoài ra, Bộ Y tế đang tiếp tục làm việc với hãng Pfizer và một số hãng khác để đưa những thuốc được cấp phép trên thế giới vào lưu hành tại Việt Nam.

“F0 tăng cao, đề nghị các cơ quan báo chí, các địa phương tuyên truyền vận động, các địa phương căn cứ đánh giá cấp độ dịch để tổ chức các hoạt động mở trường học hay du lịch; nâng cao ý thức người dân, tham gia tích cực vào công tác tiêm chủng, tuân thủ hướng dẫn về dùng thuốc điều trị của Bộ Y tế” - ông Tuyên khuyến nghị.

Đối với kit xét nghiệm, Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên cho biết, cách đây 2 tuần, Bộ Y tế đã chủ động họp với các Bộ, ngành có liên quan như: Công Thương, Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư để bàn về việc này. Đồng thời, Bộ cũng đã họp với gần 100 DN được Bộ Y tế cấp phép cung cấp kit xét nghiệm, cũng như có công văn gửi UBND các tỉnh đề nghị tăng cường kiểm tra, giám sát, tránh việc găm hàng, nâng giá và thực hiện không đúng.

Mặt khác, Bộ Y tế cũng yêu cầu DN phải nghiêm túc thực hiện công khai giá bán buôn, bán lẻ trên Cổng Thông tin điện tử của Bộ Y tế; đại lý thứ cấp như nhà thuốc, hiệu thuốc, quầy thuốc…phải niêm yết giá bán lẻ. Những cơ sở nào không niêm yết giá bán lẻ thì DN không cung cấp kit xét nghiệm, đồng thời, chính quyền địa phương vào cuộc kiểm tra, xử lý.

Theo thứ trưởng Tuyên, để tránh tăng giá, người dân phải tuân thủ hướng dẫn của Bộ Y tế, chỉ mua khi cần, không quá nôn nóng mà mua dự trữ, làm mất cân bằng cung cầu, dùng đến đâu mua đến đấy.

Bộ Y tế cũng có hướng dẫn xét nghiệm mẫu gộp. Trong một gia đình, có thể xét nghiệm nhanh mẫu gộp 2 người. Như chủng Omicron, 2-3 ngày mới có 1 chu kỳ lây nhiễm. Như vậy, khoảng 2-3 ngày xét nghiệm 1 lần, như vậy giảm được nhu cầu sử dụng. Và cuối cùng là tăng cường kiểm tra, thanh tra để xử lý các trường hợp vi phạm./.

HỒNG NHUNG