Nỗ lực thực hiệp Hiệp định RCEP một cách toàn diện và hiệu quả

Doanh nghiệp - Ngày đăng : 14:06, 05/03/2022

(BKTO) - Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên vừa ký Quyết định số 197/QĐ-BCT ban hành Kế hoạch thực hiện Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) giai đoạn 2022-2026.



                
   

Hiệp định RCEP được ASEAN ký với 5 nước đối tác có hiệu lực từ ngày 01/01/2022. Ảnh: vtc.vn

   

Hiệp định RCEP được 10 quốc gia thành viên ASEAN và 5 nước đối tác của ASEAN là Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia và New Zealand ký kết vào ngày 15/11/2020 bên lề Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 37 do Việt Nam làm Chủ tịch và chính thức có hiệu lực từ ngày 01/01/2022.

Hiệp định góp phần đa phương hóa các Hiệp định thương mại tự do mà ASEAN đã ký kết với từng nước đối tác, hài hòa các cam kết, quy định trong các Hiệp định đã ký, tối đa hóa các lợi ích kinh tế, đặc biệt là về quy tắc xuất xứ và tạo thuận lợi cho thương mại, góp phần củng cố các chuỗi cung ứng khu vực và phục hồi kinh tế sau đại dịch Covid-19.

Trước tầm quan trọng của Hiệp định RCEP, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo, cần thực hiện Hiệp định một cách đầy đủ, hiệu quả. Theo đó, Bộ Công Thương đã xây dựng Kế hoạch thực hiện Hiệp định, trong đó tập trung triển khai 3 nhiệm vụ chính là: xây dựng pháp luật, thể chế; tuyên truyền, phổ biến thông tin về Hiệp định; nâng cao năng lực cạnh tranh, tận dụng hiệu quả Hiệp định.

Theo đó, về công tác xây dựng pháp luật, thể chế, Bộ Công Thương sẽ xây dựng và ban hành các văn bản quy phạm pháp luật cần thiết để thực hiện Hiệp định; đề xuất sửa đổi, bổ sung văn bản quy phạm pháp luật khác để phù hợp với yêu cầu của Hiệp định; phối hợp với các nước thành viên xây dựng, hoàn thiện các thiết chế cần thiết để thực hiện Hiệp định…

Bộ Công Thương sẽ xây dựng và triển khai kế hoạch tuyên truyền phổ biến, giới thiệu nội dung Hiệp định RCEP. Đặc biệt là triển khai tuyên truyền chuyên sâu, chú trọng các khóa tập huấn, đào tạo kiến thức... trong một số lĩnh vực, ngành hàng cụ thể cho các hiệp hội, DN; phân tích cơ hội tận dụng Hiệp định để tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng khu vực; đẩy mạnh sử dụng môi trường kỹ thuật số.

Về công tác nâng cao năng lực cạnh tranh, tận dụng hiệu quả Hiệp định RCEP, Bộ Công Thương sẽ nghiên cứu, xây dựng và triển khai các phương án, đề án, chương trình hỗ trợ, phát triển nguồn nhân lực, nâng cao năng lực cạnh tranh và tham gia vào chuỗi giá trị khu vực và toàn cầu cho các ngành hàng và dịch vụ thuộc trách nhiệm quản lý của Bộ Công Thương.

Cùng với đó, Bộ sẽ xây dựng các chương trình phát triển thị trường cho các mặt hàng xuất khẩu có tiềm năng và lợi thế của Việt Nam; xây dựng các chương trình xúc tiến thương mại tại các nước thành viên Hiệp định RCEP; nâng cao năng lực cung cấp thông tin của các đơn vị thuộc Bộ để gia tăng hiệu quả phục vụ cộng đồng DN./.
QUỲNH ANH