Lương tối thiểu vùng: Khi nào tăng?
Chính trị - Ngày đăng : 14:20, 05/03/2022
(BKTO) - 2 năm qua, chia sẻ với khó khăn của DN, Hội đồng Tiền lương quốc gia và các bên liên quan đã thống nhất không tăng lương tối thiểu vùng. Tuy nhiên, nếu năm nay, lương tối thiểu vùng tiếp tục không tăng, đời sống của người lao động (NLĐ) sẽ rất khó khăn, năng suất lao động giảm và thiệt hại lớn chính là DN.
Tăng lương tối thiểu vùng sẽ là giải pháp để giữ chân NLĐ, tránh đứt gãy chuỗi sản xuất. Ảnh:Internet |
Lao động nóng lòng chờ tăng lương
Tăng lương tối thiểu vùng là giải pháp để đảm bảo mức sống tối thiểu của NLĐ và gia đình họ. Thực tế, lương tối thiểu vùng được điều chỉnh tăng gần nhất từ ngày 01/01/2020 (thời điểm chưa xảy ra dịch Covid-19), với mức tăng bình quân 5,5% so với lương áp dụng năm 2019.
Cụ thể, lương tối thiểu vùng 1 tăng từ 4,1 triệu đồng lên 4,4 triệu đồng/người/tháng (tăng 240 nghìn đồng/tháng), vùng 2 tăng từ 3,7 triệu đồng lên 3,9 triệu đồng/người/tháng (tăng 210 nghìn đồng/tháng), vùng 3 tăng từ 3,2 triệu đồng lên 3,4 triệu đồng/người/tháng (tăng 180 nghìn đồng/tháng), vùng 4 tăng từ 2,9 triệu đồng lên 3,07 triệu đồng/người/tháng (tăng 150 nghìn đồng/tháng).
Sau 2 năm không điều chỉnh lương tối thiểu vùng để chia sẻ khó khăn, gánh nặng với DN do ảnh hưởng của dịch Covid-19, đã đến lúc, vấn đề này cần được bàn đến. Bởi lẽ, Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội đang được các Bộ, ngành, địa phương tích cực triển khai, nền kinh tế cũng đã có những dấu hiệu phục hồi. Trong khi đó, đời sống của NLĐ vẫn gặp rất nhiều khó khăn và họ đang nóng lòng mong mỏi tăng lương.
Chị Nguyễn Thị Mây - Công nhân may TNG Thái Nguyên - chia sẻ: “Năm qua, ngành may so với ngành nghề khác vẫn đảm bảo công việc không bị đứt đoạn nhưng thu nhập giảm hơn trước do ảnh hưởng của dịch. Trong khi đó, chi phí chi tiêu cho sinh hoạt, thuốc men phòng chống dịch tăng. Chính vì vậy, cuộc sống của chúng tôi rất khó khăn. Có giai đoạn, rất nhiều công nhân phải sống nhờ từ nguồn thực phẩm hỗ trợ. Nếu tiếp tục hoãn tăng lương, cuộc sống của chúng tôi sẽ rất chật vật”.
Chia sẻ khó khăn với NLĐ, ông Ngọ Duy Hiểu - Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Phó Chủ tịch Hội đồng Tiền lương quốc gia - cho rằng, hiện tại, tình hình sản xuất, kinh doanh đã dần phục hồi, bên cạnh các DN khó khăn, nhiều DN hoạt động tốt, đột phá về doanh thu, lợi nhuận kể cả khi xảy ra dịch bệnh. Trong bối cảnh dịch bệnh, NLĐ cũng gặp rất nhiều khó khăn, cạn kiệt nguồn lực sau giai đoạn giãn cách. Nếu việc tăng lương tối thiểu vùng tiếp tục trì hoãn, đời sống của NLĐ sẽ bị ảnh hưởng, dẫn đến năng suất lao động giảm và thiệt hại lớn chính là DN.
Giữ chân người lao động, tránh đứt gãy chuỗi sản xuất
Bộ luật Lao động 2019 có hiệu lực từ ngày 01/01/2021 quy định, tiền lương tối thiểu vùng được điều chỉnh căn cứ vào một loạt các yếu tố như: GDP, mức sống tối thiểu của NLĐ, chỉ số giá tiêu dùng (CPI), năng suất lao động, cung cầu lao động, khả năng chi trả của DN...
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, lũy kế 2 năm 2020-2021, chỉ số GDP tăng trên 5,49% và CPI tăng trên 5,07% so với năm 2019, năng suất lao động bình quân 5,8%/năm, đồng thời, nhiều chỉ số liên quan cũng đã tăng… Điều này sẽ tác động đến mức sống của NLĐ. Do vậy, việc tăng lương tối thiểu vùng là điều cần thiết.
Bàn về mức tăng lương trong đợt điều chỉnh tới đây, ông Lê Đình Quảng - Phó Trưởng Ban Chính sách pháp luật, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam - cho rằng, ảnh hưởng của dịch vẫn còn phức tạp, việc tăng lương lúc này cũng sẽ tạo ra không ít áp lực cho DN. Tuy nhiên, chúng ta không thể lùi việc tăng lương tối thiểu thêm được nữa, vì nếu năm nay không tăng thì tròn 3 năm, lương tối thiểu không được điều chỉnh. Mức tăng ra sao cần khảo sát và trao đổi thêm song phải đảm bảo với mức trượt giá.
Cũng theo ông Lê Đình Quảng, chính sách tiền lương cần phải có sự hài hòa giữa lợi ích của DN và NLĐ. Đây là bài toán khó cần có giải pháp phù hợp để tránh “sốc” cho cả DN và NLĐ nhất là trong bối cảnh ảnh hưởng của dịch Covid như hiện nay.
Nhiều chuyên gia cũng cho rằng, việc tăng lương tối thiểu lúc này sẽ tạo ra những áp lực không nhỏ với DN. Tuy nhiên, dưới tác động của dịch, không chỉ DN gặp khó khăn mà NLĐ cũng không đủ sống. Do đó, việc tăng lương sẽ là chính sách phúc lợi thỏa đáng để giữ chân NLĐ. Hơn nữa, việc này không chỉ là giải pháp để ổn định cuộc sống cho NLĐ mà còn giúp DN tránh rơi vào tình trạng đứt gãy sản xuất do thiếu nguồn nhân lực.
Được biết, đầu tháng 4 tới, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (Bộ LĐ-TB&XH) sẽ tiến hành điều tra về lao động, tiền lương và mức sống tối thiểu của NLĐ trong các loại hình DN năm 2022 nhằm cung cấp cơ sở cho việc điều chỉnh mức lương tối thiểu vùng năm 2023 và hoạch định chính sách về lao động, tiền lương trong các loại hình DN.
Theo kế hoạch, việc khảo sát sẽ được tiến hành tại 2.000 DN ở 18 tỉnh, thành phố đại diện cho 8 vùng kinh tế của cả nước có số lượng DN lớn, thị trường lao động phát triển.
Bên cạnh đó, Bộ LĐ-TB&XH cũng khảo sát về tình hình lao động, tiền lương của DN bao gồm: Số lượng và cơ cấu lao động, tiền lương tối thiểu, thang bảng lương, quy chế trả lương, các mức tiền lương trong DN, tiền thưởng và các khoản thu nhập khác có tính chất lương, tình hình đóng - hưởng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp…
Ngoài ra, Bộ sẽ khảo sát phương thức thực hiện điều chỉnh tiền lương của DN khi Nhà nước điều chỉnh mức lương tối thiểu vùng năm 2022 và ý kiến của DN về mức điều chỉnh tiền lương tối thiểu vùng dự kiến năm 2023.
Đến thời điểm này, khi nào tăng lương và mức tăng bao nhiêu thì phù hợp vẫn là câu hỏi còn bỏ ngỏ. Tuy vậy, trước thông tin về cuộc điều tra, khảo sát nêu trên, NLĐ và cả chuyên gia đều hy vọng kết quả khảo sát này sẽ là cơ sở để các bên có trách nhiệm cùng ngồi lại, bàn thảo và sớm quyết định tăng lương tối thiểu vùng trong thời gian tới./.
THÀNH ĐỨC