Kinh tế phát triển toàn diện, tạo đà tích cực cho năm 2018

Đối nội - Ngày đăng : 08:05, 08/01/2018

(BKTO) - Tham dự và phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị trực tuyến của Chính phủ với các địa phương vào cuối năm 2017, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã bày tỏ sự vui mừng khi lần đầu tiên sau nhiều năm, nước ta đã hoàn thành vượt mức toàn bộ 13 chỉ tiêu kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội đề ra trong năm 2017. Nổi bật là tăng trưởng GDP đạt 6,81%, vượt kế hoạch đề ra, là mức cao so với nhiều nước trong khu vực và trên thế giới.


Vượt toàn bộ 13 chỉ tiêukế hoạch đặt ra

Cùng với mục tiêu tăng trưởng GDP đạt cao hơn kỳ vọng, kinh tế vĩ mô năm 2017 tiếp tục ổn định, lạm phát được kiểm soát ở mức 3,53%. Các cân đối lớn của nền kinh tế cơ bản được bảo đảm; bội chi ngân sách ở mức thấp, khoảng 3,5% so với GDP. Thị trường tiền tệ ổn định, dự trữ ngoại hối đạt mức kỷ lục lên tới 51,5 tỷ USD. Thị trường chứng khoán có nhiều khởi sắc, vượt mốc 950 điểm, cao nhất kể từ năm 2008. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đạt 425 tỷ USD, cao nhất từ trước đến nay.

Tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình nhấn mạnh, nhìn tổng thể năm 2017, chúng ta đạt và vượt toàn bộ 13 chỉ tiêu kế hoạch đề ra. Đây là một thành công lớn của đất nước, đặc biệt trong bối cảnh nền kinh tế từng bước chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng giảm dần khai thác tài nguyên, chuyển sang công nghiệp chế biến, chế tạo, nông nghiệp công nghệ cao, thích ứng với biến đổi khí hậu và phát triển các ngành dịch vụ, du lịch.

Báo cáo của Chính phủ cho biết, tình hình sản xuất, kinh doanh năm 2017 tiếp tục phục hồi và phát triển toàn diện trên cả 3 lĩnh vực công nghiệp, nông nghiệp và dịch vụ. Mặc dù chịu tác động nặng nề của thiên tai, bão lũ, nhưng nông nghiệp vẫn tăng 2,9%, gấp 4 lần so với năm 2016, kim ngạch xuất khẩu nông sản đạt 36 tỷ USD, mức cao nhất từ trước tới nay. Khu vực dịch vụ cũng đạt mức tăng cao nhất (7,44%) kể từ năm 2008. Khách du lịch quốc tế đến Việt Nam lên tới gần 13 triệu lượt người, tăng khoảng 30% so với năm 2016. Có gần 127.000 DN thành lập mới (tăng 15,2%) và gần 26.500 DN hoạt động trở lại.

Việc đạt được kết quả toàn diện trên các lĩnh vực đã góp phần củng cố niềm tin, tạo không khí phấn khởi trong toàn xã hội, được cộng đồng quốc tế đánh giá cao. Chỉ số phát triển bền vững của Việt Nam năm 2017 đã tăng 20 bậc, xếp hạng môi trường kinh doanh của Việt Nam tăng 14 bậc, chỉ số năng lực cạnh tranh tăng 5 bậc so với năm 2016.

Chủ trương đúng đắn,điều hành linh hoạt

Trong năm qua, Chính phủ đã chỉ đạo điều hành chủ động, linh hoạt, phối hợp chặt chẽ giữa chính sách tiền tệ, tài khóa và các chính sách khác để kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy tăng trưởng. Tín dụng tăng khoảng 19%, cơ cấu chuyển dịch tích cực, chất lượng được nâng lên, an toàn hệ thống được bảo đảm, mặt bằng lãi suất giảm 0,5-1%. Tỷ giá, thị trường ngoại hối, giá trị đồng tiền Việt Nam ổn định…

Đồng thời, kỷ luật tài chính, NSNN được tăng cường; quyết liệt chống thất thu, chuyển giá, giảm nợ đọng thuế; triệt để tiết kiệm chi. Tổng thu NSNN tăng trên 2,3% so với dự toán và tăng trên 13% so với năm 2016, bội chi 3,42% GDP (Quốc hội thông qua là 3,5% GDP). Sai phạm trong quản lý, sử dụng tài sản công từng bước được chấn chỉnh. Nợ công trong giới hạn cho phép và có xu hướng giảm.

Trước đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, tổng vốn đầu tư từ NSNN năm 2017 đạt 290,5 nghìn tỷ đồng, tăng 7,2% so với năm 2016. Tỷ lệ vốn đầu tư toàn xã hội so với GDP giảm từ 38,4% giai đoạn 2007-2011 xuống 31,9% giai đoạn 2012-2017, chủ yếu do giảm tỷ lệ vốn từ nguồn đầu tư công. Nghiên cứu tác động của đầu tư đối với tăng trưởng kinh tế Việt Nam giai đoạn 2012-2017 cho thấy, ảnh hưởng của đầu tư công đến tăng trưởng kinh tế là không lớn và chủ trương cắt giảm đầu tư công của Chính phủ trong thời gian vừa qua là đúng đắn, giảm gánh nặng đầu tư từ NSNN, giảm nợ công, tăng cường thu hút nguồn vốn từ các khu vực khác cho đầu tư phát triển.

Nhìn chung, thành tựu tăng trưởng kinh tế 2017 là nhờ sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt các Bộ, ngành và địa phương tập trung thực hiện đồng bộ, có hiệu quả Nghị quyết số 01/NQ-CP năm 2017; Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ kiên định mục tiêu tăng trưởng đề ra, ban hành kịp thời các Nghị quyết, Chỉ thị nhằm cải thiện môi trường kinh doanh, thúc đẩy sản xuất; thường xuyên đôn đốc, kiểm tra kết quả thực hiện, theo dõi sát diễn biến tình hình quốc tế, có đối sách, biện pháp chỉ đạo phù hợp, kịp thời.

Tiếp tục tạo đà phát triển, Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết 01/NQ-CP về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và Dự toán NSNN năm 2018. Trong đó, Chính phủ đề ra phương châm hành động năm 2018 là “Kỷ cương, liêm chính, hành động, sáng tạo, hiệu quả”. Trọng tâm chỉ đạo điều hành phát triển kinh tế của Chính phủ là tăng cường ổn định kinh tế vĩ mô, tạo chuyển biến rõ nét, thực chất trong thực hiện các đột phá chiến lược, cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh; khuyến khích đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp, phát triển DN, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế… Phấn đấu tăng trưởng GDP đạt 6,7%, tốc độ tăng giá tiêu dùng (CPI) bình quân khoảng 4%.

HỒNG THOAN
Theo Báo Kiểm toán số 1 ra ngày 04-01-2018