Doanh nghiệp tăng trưởng nhanh nhất Việt Nam lạc quan về triển vọng năm 2022
Chính trị - Ngày đăng : 14:35, 10/03/2022
(BKTO) - Dưới góc nhìn của các DN tăng trưởng nhanh nhất Việt Nam (FAST500), triển vọng tăng trưởng trong năm 2022 là khá tích cực khi có tới 83,3% DN đánh giá lạc quan. Khi được hỏi về kế hoạch dự kiến trong năm nay, 89,2% DN cho biết sẽ mở rộng kinh doanh và 10,8% DN sẽ giữ nguyên quy mô kinh doanh hiện tại.
Nguồn: Khảo sát của Vietnam Report tháng 02/2022 |
Nhiều khó khăn nhưng doanh nghiệp vẫn lạc quan về triển vọng tăng trưởng
Theo đúc kết của các chuyên gia nghiên cứu, tìnhhình dịch bệnh diễn biến phức tạp và khó lường dẫn đến hoạt động sản xuất kinh doanh trong năm 2021 bị giánđoạn do các quy định về giãn cách; chi phí nguyên vật liệu đầu vào tăng cao; nhu cầu thị trường biến động; gián đoạn chuỗi cung ứng.
Cùng với đó, các vấn đề về nhân sự như tuyển dụng và giữ chân nhân sự, tiền lương, bảohiểm; bất ổn kinh tế - chính trị trên thế giới là những thách thứcvà rào cản lớn nhất của các DN FAST500 trong năm vừa qua.
Kết quả khảo sát của Vietnam Report cho thấy, những khó khăn mà các DN phảiđối mặt trong năm 2021 tiếp tục được coi là những thách thức tác động tới tăngtrưởng của DN trong năm 2022.
Đó là, giá cả nguyên vật liệu đầu vàotăng và sự biến đổi của thị trường năng lượng (78,4% DN lựa chọn); Thiên tai, tác động khólường của đại dịch Covid-19 và các dịch bệnh khác (78,4% DN lựa chọn); Chi phí nhân công tăng và khótuyển dụng được nhân tài phù hợp (59,5% DN lựa chọn) và Khả năng xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường do “ách tắc” của chuỗi cungứng (54,1% DN lựa chọn).
Tuy nhiên, bên cạnh những khó khăn có thể phải đối mặt, các DN vẫn nhận thấy những cơ hội đóng góp cho sự tăng trưởng trong năm 2022. Theo đánh giá của 86,5% DN FAST500, xu hướng sống chung với đại dịch đưa nền kinh tế trở lại trạng thái “bình thường mới”. Điều này đồng nghĩa với nền kinh tế được mở cửa trở lại, các hoạt động sản xuất kinh doanh sẽ dần được khôi phục như thời điểm trước đại dịch.
Cùng với đó, 86,5% DN khẳng định họ nắm giữ đội ngũ nhân sự giỏi về chuyên môn, giàu kinh nghiệm và có tính kỷ luật cao; 67,6% DN tự tin với lợi thế cạnh tranh của mình khi có mối quan hệ tốt với đối tác và khách hàng, có sản phẩm chất lượng cao với giá cả cạnh tranh.
Theo chia sẻ của 62,2% DN, xu hướng chuyển đổi số diễn ra mạnh mẽ và toàn diện, tầm nhìn và chiến lược kinh doanh của DN rõ ràng, nắm bắt được xu hướng thị trường cũng được coi là hai cơ hội đóng góp cho sự tăng trưởng của DN trong năm nay.
Phát huy lợi thế để duy trì và thúc đẩy tăng trưởng
Các DN FAST500 cũng cho biết, họ sẽ tập trung vào 6 ưu tiên chiến lược để vượt qua thách thức tăng trưởng trong thời gian này, đó là: Tăng cường đào tạo và cải thiện chất lượng nhân sự (91,9%); Xúc tiến bán hàng (83,8%); Ứng dụng chuyển đổi số trong sản xuất kinh doanh (67,6%); Đảm bảo việc làm, tiền lương và quyền lợi cho nhân viên (56,8%); Tăng cường hệ thống quản trị rủi ro (48,6%); Tăng cường hợp tác đầu tư (37,8%).
Nguồn: Khảo sát của Vietnam Report tháng 02/2022 |
Có thể thấy, tăng cường hệ thống quản trị rủi ro vẫn là chiến lược được các DN thực hiện trong năm nay nhưng không còn là ưu tiên hàng đầu như thời điểm cách đây một năm. Thay vào đó, tăng cường đào tạo và cải thiện chất lượng nhân sự là 2 chiến lược đầu tiên mà các DN chú trọng thực hiện theo lựa chọn của 91,9% DN.
Một điểm nổi bật trong Top các chiến lược ưu tiên năm nay là việc ứng dụng chuyển đổi số đã vươn lên vị trí thứ ba. Công nghệ kỹ thuật số đang được tích hợp ngày càng nhiều vào trong tất cả các lĩnh vực và hoạt động của DN. Điều này đã làm thay đổi căn bản cách thức vận hành, mô hình tổ chức hoạt động, phương thức tiếp cận thị trường, cung cấp giá trị mới cho khách hàng cũng như tăng tốc các hoạt động kinh doanh.
Đặc biệt, chuyển đổi số còn giúp DN gia tăng nhanh chóng sự hài lòng từ phía khách hàng thông qua việc phân tích dữ liệu lớn (big data) để hiểu rõ hơn thói quen tiêu dùng, khám phá các nhu cầu tiềm ẩn và từ đó cung ứng đa dạng các loại hình sản phẩm nhằm đáp ứng tốt hơn các nhu cầu mua sắm.
Ngoài việc tối đa hóa các nguồn lực trong quá trình vận hành DN, tự động hóa còn cho phép nhiều DN cắt giảm chi phí nguyên liệu đầu vào nhưng lại gia tăng sản lượng đầu ra, từ đó, giá thành sản phẩm ngày càng giảm và sức cạnh tranh ngày càng gia tăng.
Đánh giá về triển vọng tăng trưởng của các ngành, các chuyên gia nghiên cứu chỉ ra rằng, công nghệ thông tin/viễn thông từ nhiều năm nay luôn là ngành có dư địa tăng trưởng rất lớn, nhất là khi việc ứng dụng chuyển đổi số ngày càng được triển khai sâu rộng trong mọi lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội. Minh chứng là 67,6% DN tham gia khảo sát đã lựa chọn đây là ngành có tiềm năng tăng trưởng nhất trong khoảng ba năm tiếp theo.
Nguồn: Khảo sát của Vietnam Report tháng 02/2022 |
Tiếp sau đó, với việc nền kinh tế được mở cửa trở lại, 59,5% DN đánh giá ngành vận tải/logistics mang những tín hiệu tích cực về một bức tranh tươi sáng trong tương lai gần, khi đây vẫn là lĩnh vực đang thu hút đầu tư mạnh tại Việt Nam và dự báo sẽ tăng trưởng vượt trội nhờ các ngành công nghiệp phụ trợ, các chính sách đầu tư của Nhà nước vào các vùng kinh tế trọng điểm và các Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA).
Ngành thứ ba được 45,9% số DN đánh giá có nhiều triển vọng là ngành dược phẩm/y tế. Tiếp đó, triển vọng thuộc về các ngành được hưởng lợi từ đầu tư công, ngành bất động sản/xây dựng theo đánh giá của 45,7% DN.
Để có thể duy trì đà tăng trưởng, các DN cho biết, năm nay, các DN mong muốn Chính phủ vẫn tiếp tục: Ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát (75,7% DN lựa chọn); Đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại (70,3%); Tăng cường các gói hỗ trợ (67,6%); Tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính (51,4%) tạo điều kiện cho DN ổn định và hoạt động tốt hơn.
Ngoài ra, 2 vấn đề tiếp tục được đề cập đến trong Top 6 khuyến nghị của các DN FAST500 và mong đợi sẽ có bước tiến triển tích cực trong năm 2022 là Cải thiện môi trường pháp lý (48,6%) và Cải thiện cơ sở hạ tầng (45,9%), từ đó xây dựng môi trường đầu tư kinh doanh thông thoáng, giúp khơi thông các nguồn lực để tạo đà phát triển trong tương lai, tiến tới thực hiện mục tiêu tăng trưởng theo định hướng bền vững./.
PHÚC KHANG