Tạo dựng hình ảnh cơ quan bảo hiểm xã hội đổi mới, chuyên nghiệp

Xã hội - Ngày đăng : 14:05, 08/01/2018

(BKTO) - Khép lại năm 2017, ngành Bảo hiểm xã hội (BHXH) được đánh giá là đã gặt hái những thành công lớn về mọi mặt. Đó là những bước tiến trong thực hiện chính sách BHXH, Bảo hiểm y tế (BHYT); tạo dựng hình ảnh cơ quan BHXH đổi mới, chuyên nghiệp, đem lại sự hài lòng cho người dân, DN… Đây là cơ sở quan trọng để ngành tiếp tục phấn đấu vượt khó, tạo sức bật trong thực hiện nhiệm vụ năm 2018.


Những thành quả ấn tượng

Chia sẻ về những thành công của ngành BHXH năm 2017, Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Phạm Lương Sơn đã nhấn mạnh kết quả ấn tượng trong phát triển đối tượng và bảo đảm nguồn thu cho Quỹ BHXH, BHYT. Năm 2017, đã có trên 13,5 triệu người lao động tham gia vào chính sách BHXH bắt buộc và gần 250 nghìn người tham gia vào BHXH tự nguyện. “Con số này so với chỉ tiêu của Nghị quyết số 21-NQ/TW của Bộ Chính trị thì ngành BHXH chưa đạt được, nhưng cứ mỗi một năm, qua vận động, thuyết phục, đề nghị được trên 1 triệu người tham gia BHXH bắt buộc thì đó là một sự cố gắng rất lớn của Ngành trong bối cảnh hiện nay” - Phó Tổng Giám đốc Phạm Lương Sơn cho biết.

Đặc biệt trong lĩnh vực BHYT, cho đến thời điểm hiện tại đã có gần 81 triệu người dân tham gia BHYT, chiếm 86,4% và vượt 3% so với chỉ tiêu Thủ tướng Chính phủ giao, vượt trước chỉ tiêu theo Nghị quyết của Quốc hội hơn 2 năm. Có thể nói, chúng ta đang tiến dần, tiến vững chắc đến mục tiêu BHYT toàn dân mà Quốc hội, Chính phủ đặt ra.

Cùng với việc phát triển số người tham gia BHXH, cơ quan BHXH cũng đã cấp trả sổ BHXH theo quy định. Thông qua việc đồng bộ cơ sở dữ liệu sổ BHXH đã trả được khoảng 70% số sổ BHXH cho người lao động, đạt mục tiêu Quốc hội và Chính phủ giao.

Năm 2017, toàn ngành BHXH đã thu được trên 290 nghìn tỷ đồng, vượt 101% so với chỉ tiêu Thủ tướng Chính phủ giao. Song song với công tác thu vào Quỹ BHXH, BHYT, toàn ngành đang nỗ lực để giảm tỷ lệ nợ đọng trong lĩnh vực này. Tính đến 25/12/2017, số nợ BHXH là khoảng trên 5.000 tỷ đồng, chiếm khoảng 3%.

Trên cơ sở phát triển đối tượng, BHXH Việt Nam đã bảo đảm những quyền lợi về BHXH cho hơn 9,9 triệu người lao động. Hơn 113 nghìn tỷ đồng đã được chi từ Quỹ BHXH. Trong lĩnh vực BHYT, tính đến ngày 25/12/2017, toàn ngành bảo đảm cho trên 170 lượt triệu người khám chữa bệnh BHYT, với tổng số chi dự kiến trên 85 nghìn tỷ đồng.

Thành công của ngành BHXH không chỉ thể hiện qua những con số mà còn được ghi nhận từ chính các DN, người dân và các tổ chức có uy tín trong và ngoài nước. Với những nỗ lực trong lĩnh vực cải cách thủ tục hành chính, BHXH Việt Nam đã tăng 18 bậc so với năm 2016, vươn lên vị trí thứ 2 trong Bảng xếp hạng Chỉ số sẵn sàng ứng dụng Công nghệ thông tin - truyền thông (Việt Nam ICT Index 2017). Đến thời điểm này, ngành BHXH đã cung cấp được 14 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4; giảm thời gian giải quyết thủ tục hành chính từ 335 giờ/năm xuống còn 49 giờ/năm, giảm từ 115 bộ thủ tục năm 2016 xuống còn 28 bộ thủ tục…

Còn không ít khó khăn,thách thức

Bên cạnh những kết quả đáng khích lệ, nhiệm vụ đặt ra cho ngành BHXH năm 2018 và những năm tiếp theo còn không ít khó khăn, thách thức. Nhìn nhận vấn đề này, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội Bùi Sỹ Lợi cho rằng, đối với chính sách BHXH, thách thức lớn nhất là độ bao phủ. Trong khu vực có quan hệ lao động hiện nay, mới có gần 14 triệu người tham gia BHXH, vẫn còn 5 - 6 triệu người chưa tham gia.

Bên cạnh đó, từ 01/01/2018, nhiều quy định của Luật BHXH 2014 bắt đầu có hiệu lực như: một số đối tượng bắt đầu phải thực hiện chính sách BHXH bắt buộc (người lao động từ một tháng trở lên có hợp đồng lao động, người nước ngoài làm việc tại Việt Nam); Nhà nước hỗ trợ cho người lao động để tham gia vào hệ thống BHXH. Việc triển khai thực hiện các quy định này như thế nào cũng là thách thức trong thực hiện chính sách BHXH.

Đối với BHYT, mặc dù độ bao phủ đạt 85 - 86% nhưng thực tế 70% người tham gia trong tổng số bao phủ đó là do từ NSNN hỗ trợ và chi, chỉ có 30% là người dân tự đóng tiền. NSNN chiếm hơn 40% trong Quỹ BHYT, điều này cho thấy Quỹ đang lệ thuộc vào NSNN. Mặt khác, tuy chỉ còn khoảng 14 - 15% dân số chưa tham gia nhưng lại rơi vào 2,2 triệu sinh viên thuộc đối tượng bắt buộc phải đóng BHYT và người có điều kiện nhưng chưa tham gia…

Đứng trước những thách thức này, Phó Tổng Giám đốc Phạm Lương Sơn cho biết, năm 2018, ngành BHXH đã xác định những nhiệm vụ trọng tâm, đó là: chuẩn bị tốt các điều kiện để triển khai nhiều quy định mới có hiệu lực của Luật BHXH, Luật BHYT; thực hiện bàn giao 100% sổ BHXH cho người lao động quản lý; tiếp tục phối hợp với các sở, ban ngành đẩy mạnh phát triển đối tượng và quản lý hiệu quả Quỹ BHXH, BHYT; phát huy chức năng thanh tra chuyên ngành đóng BHXH để ngăn chặn, giảm thiểu những hành vi vi phạm pháp luật.

Ngoài ra, một nhiệm vụ trọng tâm mà BHXH Việt Nam đặt ra là phát triển nhóm đối tượng BHXH tự nguyện và BHYT hộ gia đình, với phương châm, mỗi cán bộ, công chức, viên chức ngành BHXH là một tuyên truyền viên tích cực, hiệu quả. Điều này không chỉ thể hiện qua lời nói, mà còn qua tác phong làm việc, thái độ ứng xử đúng với tinh thần phục vụ... Song song đó, toàn ngành tiếp tục nỗ lực hơn nữa trong việc nâng cao chất lượng dịch vụ công; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin nhằm phục vụ tốt nhất cho người dân, DN.

Đ.KHOA
Theo Báo Kiếm toán số 01 ra ngày 04-01-2018