M&A lĩnh vực tiêu dùng: Triển vọng tươi sáng năm 2022
Kinh tế - Ngày đăng : 10:51, 11/03/2022
(BKTO) - Hoạt động mua bán và sáp nhập (M&A) lĩnh vực tiêu dùng sẽ phát triển mạnh vào năm 2022 khi nhiều người được tiêm chủng hơn và chi tiêu của người tiêu dùng gia tăng trên nhiều loại sản phẩm, dịch vụ. Thay đổi về sở thích của người tiêu dùng cùng các xu hướng của DN sẽ là chất xúc tác quan trọng cho hoạt động M&A trong lĩnh vực này.
Sử dụng M&A để tái cơ cấu danh mục đầu tư
Theo khảo sát của PwC về “Xu hướng M&A toàn cầu trong thị trường tiêu dùng: Triển vọng năm 2022”, khối lượng và giá trị giao dịch trong tất cả các lĩnh vực của thị trường tiêu dùng năm 2021 đều tăng cao so với năm 2020. Trong đó, châu Âu, Trung Đông và châu Phi (EMEA) có mức tăng trưởng cao nhất về khối lượng và giá trị giao dịch, lần lượt là 31% và 94%.
Tổng giá trị giao dịch toàn cầu trên thị trường tiêu dùng năm 2021 tăng 57% so với năm trước, được thúc đẩy bởi sự gia tăng số lượng các giao dịch có giá trị hơn 5 tỷ USD (19 giao dịch, tăng 6 giao dịch so với 2020) và các giao dịch từ 1 - 5 tỷ USD (từ 69 giao dịch năm 2020 lên 127 giao dịch năm 2021).
Các lĩnh vực thị trường tiêu dùng chứng kiến sự gia tăng M&A từ các quỹ PE (công ty cổ phần tư nhân) chiếm khoảng 35% khối lượng thương vụ và 47% giá trị thương vụ vào năm 2021. Đây là mức tăng rất đáng chú ý so với mức trung bình của 5 năm trước lần lượt là 24% và 35%.
Các chuyên gia của PwC cho rằng, triển vọng M&A đối với thị trường tiêu dùng năm 2022 vẫn rất tươi sáng khi các DN tiếp tục đổi mới và số hóa hoạt động kinh doanh của mình để theo kịp sự thay đổi sở thích của khách hàng và các mô hình kinh doanh mới nổi.
Một số điểm nóng về M&A trên thị trường tiêu dùng trong năm 2022 sẽ là: Sản phẩm nhà và vườn; vật nuôi và thú y; trang phục thường ngày và thể thao; sức khỏe và sắc đẹp; Metaverse (tạm dịch là vũ trụ kỹ thuật số được phát triển trên công nghệ thực tế ảo và thực tế tăng cường); cửa hàng tạp hóa; sòng bạc và khách sạn; các hãng hàng không và du lịch.
“Các DN và PE sẽ bận rộn vào năm 2022 khi họ sử dụng M&A để tái cơ cấu danh mục đầu tư, bởi sở thích của người tiêu dùng thay đổi tạo ra nhu cầu đối với các sản phẩm và dịch vụ mới, cùng với đó là các mô hình kinh doanh hoàn toàn mới”, ông Neil Sutton - Trưởng nhóm giao dịch thị trường tiêu dùng toàn cầu, PwC Hồng Kông - nhận định.
Các xu hướng thúc đẩy hoạt động M&A
Theo nghiên cứu của PwC, giải thể và sáp nhập sẽ là xu hướng trong thời gian tới khi các DN buộc phải xem xét lại danh mục đầu tư và nhiều công ty lớn trong lĩnh vực thị trường tiêu dùng thực hiện các giai dịch bán tháo.
Những vụ thoái vốn được công bố gần đây như Adidas bán Reebok cho Tập đoàn Authentic Brands, Unilever bán mảng kinh doanh trà toàn cầu của mình cho CVC, hay PepsiCo đã thông báo bán Tropicana, Naked Juice và các nhãn hiệu nước trái cây chọn lọc khác cho đối tác PAI... đã thể hiện rõ xu hướng này và các PE cũng đang quan tâm đặc biệt đến việc mua lại những thương hiệu này.
Ngoài ra, xu hướng tái cấu trúc DN và phân tách các mảng kinh doanh cũng được phổ rộng hơn nữa vào năm 2022. Các ví dụ tiêu biểu gần đây có thể kể đến là kế hoạch được GlaxoSmithKline, Johnson & Johnson và Sanofi công bố để chuyển các DN chăm sóc sức khỏe người tiêu dùng của họ thành các công ty niêm yết riêng. Trong lĩnh vực bán lẻ, Saks đã công bố kế hoạch tách hoạt động kinh doanh bán lẻ trực tuyến khỏi các cửa hàng truyền thống của họ.
Năm 2022, sự gián đoạn chuỗi cung ứng tiếp tục ảnh hưởng đến việc tìm nguồn cung ứng nguyên liệu thô và vận chuyển thành phẩm cho khách hàng. Do đó, một số nhà bán lẻ lớn như: Ikea, Walmart, Target và Home Depot... đang mua container của riêng họ hoặc thuê tàu để vận chuyển hàng hóa có mức độ ưu tiên cao.
Nhiều DN khác đang thực hiện các vụ mua lại dựa trên khả năng chiến lược, chẳng hạn như American Eagle Outfitters đã mua lại hai công ty hậu cần gồm Quiet Logistics (tập trung vào công nghệ và robot) và AirTerra (tập trung vào chuyển phát bưu kiện) nhằm chuyển đổi chuỗi cung ứng của mình.
Các công ty trong lĩnh vực tiêu dùng, bán lẻ và hậu cần ngày càng sử dụng M&A như một cách thức sáng tạo nhằm loại bỏ các rào cản, xây dựng khả năng phục hồi và tạo ra giá trị trong toàn bộ chuỗi cung ứng. Ngoài ra, lĩnh vực hậu cần đang trong cuộc chạy đua gay gắt để giành thị phần, đặc biệt là giữa các hãng vận tải biển. Do đó, các công ty logistics đặc biệt có thể trở thành mục tiêu M&A từ các công ty thị trường tiêu dùng khác.
Ở một phân khúc khác, các nền tảng trực tuyến và các công ty thương mại điện tử đang thực hiện một số hoạt động mua lại để mở rộng sang các danh mục liền kề và giành thị phần. Theo đó, phân ngành thời trang cho thuê và bán lại dự kiến sẽ đạt được sức hút vào năm 2022, do nhiều thương hiệu thời trang nổi tiếng đang để mắt đến tiềm năng lĩnh vực này.
Hơn nữa, xu hướng ngày càng tăng của “chủ nghĩa tiêu dùng có ý thức” (đưa ra quyết định mua hàng có tác động tích cực đến xã hội, kinh tế và môi trường) đang định hình lại các mô hình kinh doanh và hướng sự quan tâm của các nhà đầu tư vào các công ty đảm bảo tính bền vững. Lululemon là một ví dụ về việc sử dụng M&A và quan hệ đối tác chiến lược với các công ty như Genomatica, Bolt Threads và Debrand để phát triển các sản phẩm tái chế hoặc nguyên liệu có nguồn gốc bền vững hơn./.
THÙY LÊ