Khắc phục bất cập, phát huy vai trò của doanh nghiệp nhà nước
Đầu tư - Ngày đăng : 16:05, 08/01/2018
(BKTO) - "Việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại DN và cổ phần hóa DNNN giai đoạn 2011-2016" là Chuyên đề giám sát tối cao và duy nhất của Quốc hội trong năm 2018. Theo đó, nhiều DN, tập đoàn, tổng công ty lớn sẽ là đối tượng của cuộc giám sát này.
Hoàn thiện chính sách và cách thức tổ chức thực hiện
Cuộc giám sát được kỳ vọng góp phần tiếp tục hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật cũng như điều chỉnh cách thức tổ chức thực hiện nhằm đem lại những kết quả thiết thực, cụ thể hơn trong quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại DN và cổ phần hóa DNNN thời gian tới.
Theo Nghị quyết của Quốc hội, Báo cáo kết quả của cuộc giám sát trên sẽ được Đoàn giám sát trình để Quốc hội tiến hành giám sát tối cao tại Kỳ họp thứ 5. Vì vậy, các hoạt động chuẩn bị cho kế hoạch giám sát đã và đang được triển khai tích cực. Cuối tháng 12/2017, Đoàn Giám sát của Quốc hội đã tổ chức Hội thảo “Thực trạng sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại các DN, cổ phần hóa DNNN và những vấn đề đặt ra”. Hội thảo nhằm cung cấp thông tin nội dung cần tập trung giám sát cho thành viên Đoàn giám sát; tham khảo ý kiến của các chuyên gia và lắng nghe ý kiến của các cơ quan liên quan trong việc quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại DN và cổ phần hóa DNNN.
Phát biểu tại Hội thảo, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển - Trưởng Đoàn giám sát - nhấn mạnh, giai đoạn 2011-2016, nhiều văn bản liên quan đến lĩnh vực quản lý, sử dụng tài sản công và cổ phần hóa DNNN đã được ban hành và triển khai trong thực tiễn. Môi trường pháp lý về quản lý, sử dụng vốn, tài sản tại DN và cổ phần hóa DNNN từng bước được xây dựng, hoàn thiện về cơ bản, tạo thuận lợi, đáp ứng mục tiêu quản lý, sử dụng tài sản công cũng như công tác cổ phần hóa DNNN... Tuy nhiên, hoạt động của DNNN cũng còn nhiều hạn chế, đòi hỏi phải có những giải pháp tổ chức thực hiện hiệu quả và sự chỉ đạo tập trung, quyết liệt.
Phó Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, Quốc hội quyết định tiến hành giám sát Chuyên đề này nhằm chỉ ra những mặt tích cực cần phát huy và hạn chế, bất cập cũng như nguyên nhân trong quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại DN và quá trình thực hiện cổ phần hóa DNNN thời gian qua. Từ đó, Quốc hội sẽ đề xuất các giải pháp nhằm tiếp tục hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật, đặc biệt là xem xét, điều chỉnh lại cách thức tổ chức thực hiện, chỉ đạo, điều hành để có được những kết quả thiết thực, cụ thể hơn trong thời gian tới.
Giám sát việc thực hiện kết luận thanh tra, kiểm toán
Theo Nghị quyết về thành lập Đoàn giám sát Chuyên đề trên, nội dung giám sát sẽ tập trung đánh giá việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng vốn tài sản nhà nước tại DN và việc thực hiện chính sách pháp luật về cổ phần hóa DNNN. Bên cạnh đó, Đoàn giám sát sẽ đánh giá, xem xét nhiều vấn đề nổi cộm trong hoạt động của DNNN như: vốn chủ sở hữu, tài sản DN; việc mở rộng và hiệu quả sản xuất ngành nghề chủ lực; tình hình cổ phần hóa DNNN… Đặc biệt, Đoàn giám sát cũng tập trung vào các sai phạm trong quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước giai đoạn 2011-2016; kết quả thực hiện các kết luận thanh tra, kiểm tra, kiểm toán về quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại DN cũng như trách nhiệm của các tập thể và cá nhân có liên quan.
Trước đó, năm 2016, qua kiểm toán tại một số tập đoàn, tổng công ty nhà nước, KTNN đã phát hiện nhiều sai sót trong công tác quản lý tài chính, tài sản công, để phát sinh nợ phải thu khó đòi lớn; hiệu quả hoạt động đầu tư tài chính, đầu tư ra nước ngoài thấp; xác định giá trị quyền sử dụng đất, giá trị thương hiệu, giá trị thực tế tài sản cố định, giá trị các khoản đầu tư tài chính không đầy đủ hoặc bàn giao tài sản không đúng thực tế dẫn đến xác định thiếu giá trị DN khi cổ phần hóa...
Đáng chú ý, qua kiểm toán Chuyên đề việc thực hiện Đề án “Tái cơ cấu DNNN, trọng tâm là tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước giai đoạn 2011-2015”, KTNN chỉ rõ, bên cạnh những kết quả đạt được, việc thực hiện Đề án còn chưa đáp ứng được tiến độ đề ra; công tác chuyển giao quyền đại diện chủ sở hữu nhà nước tại DN về SCIC chậm; hiệu quả sản xuất kinh doanh tại một số DN chưa cao... Nguyên nhân do việc xây dựng, tổ chức thực hiện Đề án của các cơ quan có thẩm quyền và các DN còn nhiều hạn chế.
Từ thực tế trên, KTNN đã kiến nghị Chính phủ, các Bộ, ngành sửa đổi, bổ sung cơ chế, chính sách trong cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước nhằm ngăn ngừa thất thoát tài chính, tài sản công; ban hành, sửa đổi các quy định về thực hiện quyền, nghĩa vụ của chủ sở hữu đối với DN, tiêu chí phân loại DNNN; cơ chế lựa chọn, bổ nhiệm, thuê viên chức quản lý trong DN; xây dựng mô hình thực hiện chức năng đại diện chủ sở hữu nhà nước trên cơ sở tách bạch chức năng quản lý nhà nước với chức năng đại diện chủ sở hữu...
Để phục vụ chuyên đề giám sát trên của Quốc hội, KTNN sẽ có báo cáo về kết quả kiểm toán trong những năm qua; đồng thời, trong năm 2018, KTNN sẽ kiểm toán Báo cáo tài chính và các hoạt động có liên quan đến quản lý, sử dụng vốn tài sản nhà nước năm 2017 tại một loạt tập đoàn, tổng công ty nhà nước.
N.HỒNG
Theo Báo Kiểm toán số 01 ra ngày 04-01-2018