Ngành Tài chính triển khai nhiệm vụ tài chính - NSNN năm 2018
Ngân hàng - Tín dụng - Ngày đăng : 11:05, 09/01/2018
(BKTO) - Sáng 8/1, Bộ Tài chính tổ chức Hội nghị trực tuyến tổng kết công tác tài chính - NSNN năm 2017, triển khai nhiệm vụ tài chính - NSNN năm 2018. Tới dự và chỉ đạo hội nghị có đồng chí Nguyễn Xuân Phúc, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ.
Thủ trướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ tới dự hội nghị tổng kết của ngành Tài chính. Ảnh: Đức Minh
Ngoài ra, tham dự Hội nghị còn có đại diện lãnh đạo: Văn phòng Trung ương Đảng, Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội; Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, Ban Kinh tế Trung ương, Ban Nội chính Trung ương, Kiểm toán Nhà nước, Văn phòng Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Công thương, Thanh tra Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam, UBND TP. Hà Nội.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cùng các đại biểu tham dự hội nghị. Ảnh: Đức Minh
Về phía Bộ Tài chính có sự tham dự của: Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Ban cán sự Đảng, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng, tập thể Ban cán sự Đảng, Lãnh đạo Bộ Tài chính và hơn 1.000 đại biểu đại diện các tổ chức đoàn thể chính trị, lãnh đạo các đơn vị thuộc và trực thuộc Bộ Tài chính, lãnh đạo, cán bộ chủ chốt các cơ quan Tài chính của TP. Hà Nội tại điểm cầu Bộ Tài chính.
Tại 62 điểm cầu các địa phương, có đại diện lãnh đạo UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và lãnh đạo các đơn vị chủ chốt tại các địa phương tham dự hội nghị.
Nỗ lực vượt 5,9% dự toán thu ngân sách
Trình bày báo cáo tổng kết công tác tài chính - NSNN năm 2017, triển khai nhiệm vụ tài chính - NSNN năm 2018, Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Xuân Hà cho biết, năm 2017, ngành Tài chính đã cơ bản hoàn thành nhiệm vụ tài chính - NSNN mà Quốc hội đã quyết định, Thủ tướng Chính phủ giao, góp phần quan trọng hoàn thành thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội.
Thay mặt lãnh đạo Bộ Tài chính, Thứ trưởng Trần Xuân Hà báo cáo kết quả công tác tài chính ngân sách năm 2017 và kế hoạchtriển khai năm 2018. Ảnh: Đức Minh
Trong năm 2017, Bộ Tài chính đã thực hiện điều hành chính sách tài khóa chủ động, chặt chẽ, tiết kiệm; siết chặt kỷ cương, kỷ luật tài chính góp phần đảm bảo mục tiêu tăng trưởng kinh tế.
Đối với công tác thu NSNN, Bộ Tài chính đã chủ động phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành chức năng và chính quyền địa phương để làm tốt công tác chỉ đạo thu NSNN, chú trọng khai thác nguồn thu và mở rộng cơ sở thuế; đẩy mạnh chống thất thu, chuyển giá, buôn lậu, gian lận thương mại, trốn thuế; quyết liệt xử lý nợ đọng thuế; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra thuế; kiểm soát chặt chẽ mã số, xuất xứ hàng hóa, giá trị tính thuế hải quan.
Bên cạnh đó, đã tiếp tục rà soát để ban hành theo thẩm quyền hoặc trình cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung, ban hành mới các chính sách về tài chính, thuế, phí phù hợp với tình hình thực tế và cam kết hội nhập quốc tế; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, hiện đại hóa công tác thu thuế, hải quan, rút ngắn thời gian và giảm chi phí cho người nộp thuế.
Với những nỗ lực nêu trên, đến hết 31/12/2017, thu cân đối NSNN ước đạt 1.283,2 nghìn tỷ đồng, vượt 71 nghìn tỷ đồng, tăng 5,9% so dự toán, tăng 43,7 nghìn tỷ đồng so báo cáo Quốc hội đạt mức động viên 25,6% so GDP; trong đó, thuế phí 21% GDP.
Về chi NSNN, Bộ Tài chính đã sớm có văn bản hướng dẫn các bộ, ngành và địa phương tổ chức triển khai dự toán chi NSNN năm 2017 tích cực, chủ động, tiết kiệm triệt để các khoản chi ngay từ khâu phân bổ dự toán và trong quá trình thực hiện, hạn chế tối đa việc đề nghị bổ sung kinh phí, ứng trước dự toán năm sau... Đồng thời, tiếp tục rà soát, trình cấp có thẩm quyền bổ sung, ban hành các chính sách, chế độ chi phù hợp với thực tiễn; tăng cường kiểm soát chi NSNN chặt chẽ, đúng chế độ; đẩy mạnh công tác thanh tra tài chính - ngân sách, qua đó từng bước tăng cường kỷ cương, kỷ luật tài chính, nâng cao hiệu quả sử dụng NSNN.
Tính đến 31/12/2017, các nhiệm vụ chi thường xuyên đã cơ bản thực hiện xong theo dự toán, đáp ứng kịp thời, đầy đủ nhiệm vụ chuyên môn của cơ quan, đơn vị sử dụng ngân sách.
Bội chi NSNN năm 2017 được giữ trong mức đánh giá báo cáo Quốc hội (174,3 nghìn tỷ đồng, bằng 3,48%GDP thực hiện).
Hoàn thiện thể chế, hỗ trợ phát triển DN
Theo Thứ trưởng Trần Xuân Hà, trong năm, Bộ Tài chính đã trình Quốc hội thông qua 2 dự án luật; trình Quốc hội thông qua 1 nghị quyết; trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành 1 nghị quyết; trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành 85 đề án (trong đó: 63 nghị định, 11 quyết định của Thủ tướng Chính phủ và 11 đề án khác); ban hành theo thẩm quyền 131 thông tư tập trung vào các cơ chế, chính sách, các giải pháp tài chính nhằm tăng cường quản lý thu, chi NSNN chặt chẽ, hiệu quả, tăng cường quản lý sử dụng tài sản công.
Điểm nhấn trong công tác xây dựng thể chế năm 2017 là Bộ Tài chính đã xây dựng và trình ban hành đồng bộ, đầy đủ, kịp thời các văn bản hướng dẫn Luật NSNN. Đồng thời, đã trình Quốc hội thông qua Luật Quản lý, sử dụng tài sản công và Luật Quản lý nợ công (sửa đổi).
Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai cùng các đại biểu tham dự hội nghị.Ảnh: Đức Minh
Các chính sách, chế độ về tài chính - NSNN được sửa đổi, bổ sung, ban hành mới phù hợp với tình hình thực tế và cam kết hội nhập quốc tế, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trong lĩnh vực tài chính - NSNN, siết chặt kỷ cương, kỷ luật tài chính. Đồng thời, đã tăng cường đối thoại, hỗ trợ và tư vấn pháp luật về thuế cho doanh nghiệp (DN) và người dân.
Bộ Tài chính đã triển khai cung cấp dịch vụ công trực tuyến 946 thủ tục; rà soát 325 thủ tục hành chính (TTHC); đơn giản hóa 38 TTHC và bãi bỏ 4 TTHC không còn phù hợp.
Ngành Tài chính đã mở rộng hệ thống khai thuế qua mạng, hiện có 623,7 nghìn DN tham gia sử dụng dịch vụ khai thuế điện tử, đạt 99,8% số DN kê khai; số DN đăng ký nộp thuế điện tử đạt 97,9%. Ngành cũng đã mở rộng hoàn thuế điện tử, các dịch vụ điện tử đối với cá nhân, tổ chức. Cơ chế một cửa quốc gia đã kết nối được 11 bộ, ngành; xử lý trên 581 nghìn bộ hồ sơ, với trên 14,8 nghìn DN tham gia...
Năm 2018 phấn đấu tăng thu, chi tiết kiệm, hiệu quả
Để hoàn thành tốt nhiệm vụ tài chính - NSNN năm 2018, Bộ Tài chính tiếp tục điều hành chính sách tài khóa thận trọng; phối hợp chặt chẽ với chính sách tiền tệ nhằm hỗ trợ phát triển sản xuất - kinh doanh, tiếp tục ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế; quyết liệt công tác thu ngân sách; quản lý chi ngân sách chặt chẽ, siết chặt kỷ luật, kỷ cương tài chính.
Toàn cảnh hội nghị. Ảnh: Đức Minh
Bộ Tài chính xác định tiếp tục tăng cường công tác thu, tạo sự chuyển biến rõ nét trong việc quản lý thu, nhất là khu vực kinh tế phi chính thức, mở rộng cơ sở thuế, quản lý chặt chẽ giá tính thuế; chống thất thu, chống buôn lậu, gian lận thương mại, trốn thuế; giảm tỷ lệ nợ đọng thuế xuống dưới 5% tổng thu NSNN; phấn đấu tăng thu ngân sách 3% so với dự toán Quốc hội giao.
Đồng thời, tổ chức điều hành dự toán chi NSNN tích cực, chủ động, chặt chẽ, tiết kiệm, đúng dự toán được giao và khả năng thu NSNN. Hạn chế mua sắm ô tô công và trang thiết bị đắt tiền. Hạn chế chi ứng trước và chuyển nguồn dự toán sang năm sau. Giữ bội chi NSNN trong phạm vi Quốc hội đã quyết định (3,7%GDP); phấn đấu tăng thu, tiết kiệm chi để giảm bội chi NSNN.
Triển khai huy động vốn theo kế hoạch; tập trung phát hành TPCP kỳ hạn dài. Phấn đấu đến cuối năm 2018, dư nợ công khoảng 63,9%GDP, nợ Chính phủ khoảng 52,5%GDP, nợ nước ngoài của quốc gia khoảng 47,6%. Tiếp tục thực hiện cơ cấu lại danh mục nợ công theo hướng bền vững.
Nhóm giải pháp tiếp theo đó là Bộ sẽ đẩy mạnh cải cách TTHC, hiện đại hóa trong lĩnh vực tài chính, trọng tâm là lĩnh vực thuế, hải quan, KBNN, góp phần tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, phát triển DN, khuyến khích khởi nghiệp, nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế.
Ngoài ra, tiếp tục tăng cường quản lý tài chính doanh nghiệp, đẩy mạnh tái cấu trúc, cổ phần hóa DNNN, đẩy mạnh cổ phần hóa và thoái vốn nhà nước tại DN không thuộc diện nhà nước không cần nắm giữ cổ phần hoặc không cần nắm giữ cổ phần chi phối; đẩy mạnh đổi mới cơ chế tài chính đơn vị sự nghiệp công lập, giá dịch vụ công; tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật về quản lý giá, thực hiện quản lý theo cơ chế thị trường có sự quản lý của nhà nước đối với các mặt hàng quan trọng, nhà nước còn định giá, bình ổn giá...
Trong năm 2018, Bộ Tài chính sẽ siết chặt kỷ luật, kỷ cương tài chính trong xây dựng pháp luật, thực thi công vụ; kiện toàn đội ngũ cán bộ theo hướng tinh gọn, liêm chính, thông suốt, hiệu lực hiệu quả; đẩy mạnh thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.../.
Theo Minh Anh
http://thoibaotaichinhvietnam.vn