Chính phủ thống nhất một số nội dung đối với 4 dự án luật

Chính trị - Ngày đăng : 21:50, 18/03/2022

(BKTO) - Tại Nghị quyết số 37/NQ-CP phiên họp chuyên đề về xây dựng pháp luật tháng 3/2022, Chính phủ đã thống nhất một số nội dung đối với 4 dự án luật.


                
   

Quang cảnh Phiên họp chuyên đề về xây dựng pháp luật tháng 3/2022. Ảnh: Chính phủ

   

Thủ tướng quyết định việc sử dụng tần số vô tuyến điện cho mục đích quốc phòng

Về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tần số vô tuyến điện, Chính phủ thống nhất với các quan điểm, mục tiêu của dự án Luật.

Bộ Thông tin và Truyền thông chủ trì, phối hợp với các Bộ liên quan hoàn thiện các nội dung sau của dự án Luật: Về vấn đề sử dụng tần số vô tuyến điện cho mục đích quốc phòng, an ninh kết hợp với phát triển kinh tế - xã hội, hoàn chỉnh theo hướng giao thẩm quyền cho Thủ tướng Chính phủ quyết định việc sử dụng tần số vô tuyến điện phân bổ phục vụ mục đích quốc phòng, an ninh để kết hợp với phát triển kinh tế - xã hội theo nguyên tắc không làm ảnh hưởng đến việc thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, an ninh và đảm bảo sự cạnh tranh lành mạnh trong hoạt động viễn thông.

Về điều khoản chuyển tiếp, Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp rà soát các quy định của điều khoản chuyển tiếp, bảo đảm phù hợp và khả thi.

Giao Bộ Thông tin và Truyền thông chủ trì, phối hợp với Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Tư pháp, Văn phòng Chính phủ và các bộ, ngành khẩn trương hoàn thiện hồ sơ dự án Luật; Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông thừa uỷ quyền của Thủ tướng, thay mặt Chính phủ ký Tờ trình của Chính phủ trình Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật này tại Kỳ họp thứ 3 Quốc hội khoá XV.

Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi) cần bao quát cả 3 đối tượng

Với Dự án Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi), Chính phủ thống nhất về sự cần thiết, mục đích xây dựng Dự án Luật.

Chính phủ giao Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì, phối hợp với Bộ Tư pháp, Văn phòng Chính phủ và các Bộ, cơ quan liên quan khẩn trương tiếp thu đầy đủ ý kiến thành viên Chính phủ; tiếp tục lấy thêm ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học, các cơ quan, tổ chức liên quan, chỉnh lý, hoàn thiện Dự án Luật; phạm vi điều chỉnh của Luật cần bao quát đến cả 3 đối tượng là phụ nữ, trẻ em và người cao tuổi.

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với Bộ Công an nghiên cứu tích hợp, sử dụng cơ sở dữ liệu chung về dân cư trong công tác phòng, chống bạo lực gia đình. Dự thảo Luật chỉ quy định có tổng đài tiếp nhận thông tin, phản ánh về bạo lực gia đình, không quy định những vấn đề quá chi tiết như Tổng đài 111... để bảo đảm sự linh hoạt trong tổ chức thực hiện, bảo đảm hiệu quả công tác phòng, chống bạo lực gia đình…

Tăng cường truyền thông Dự án Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở

Về Dự án Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở, Chính phủ cơ bản thống nhất với nội dung đề xuất của Bộ Công an về việc tiếp thu, chỉnh lý quy định của dự thảo Luật về vị trí, chức năng của Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở.

Giao Bộ Công an chủ trì tiếp thu ý kiến của các thành viên Chính phủ tại Phiên họp, tiếp tục chỉnh lý, hoàn thiện các quy định của dự thảo Luật, từ nguyên tắc hoạt động, nhiệm vụ, quyền hạn, đến bảo đảm kinh phí, cơ sở vật chất và chế độ, chính sách…; tăng cường hơn nữa truyền thông đến các đối tượng điều chỉnh để tạo sự đồng thuận.

Chính phủ đồng ý đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, bổ sung Dự án Luật này vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022. Bộ trưởng Bộ Tư pháp thừa ủy quyền Thủ tướng, thay mặt Chính phủ ký Tờ trình đề nghị bổ sung Dự án Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022.

Sau khi rà soát, hoàn thiện hồ sơ Dự án Luật, Bộ trưởng Bộ Công an thừa ủy quyền Thủ tướng, thay mặt Chính phủ ký Tờ trình của Chính phủ trình Quốc hội cho ý kiến về Dự án Luật này tại Kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XV. Bộ Công an chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan báo cáo Bộ Chính trị để xin ý kiến chỉ đạo trong quá trình xây dựng và trình Dự án Luật này, tạo sự đồng thuận, thống nhất cao.

Xin ý kiến về việc tách Luật Giao thông đường bộ thành 2 luật

Về Dự án Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ và Luật Đường bộ, Chính phủ cơ bản thống nhất các nội dung tiếp thu, chỉnh lý 2 Dự án Luật do Bộ Công an và Bộ Giao thông vận tải chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành có liên quan đề xuất trên cơ sở ý kiến chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

Bộ Giao thông vận tải chủ trì, phối hợp với các Bộ: Tài chính, Tài nguyên và Môi trường, Kế hoạch và Đầu tư, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Xây dựng, Nội vụ tiếp tục nghiên cứu, tiếp thu, chỉnh lý các nội dung về phân cấp, phân quyền; cơ chế đặc thù đầu tư, xây dựng công trình đường bộ trong dự án Luật Đường bộ; làm rõ cơ sở khoa học và thực tiễn về việc xác định các khoản thu liên quan đến đường bộ.

Bộ Công an và Bộ Giao thông vận tải tiếp tục rà soát, thống nhất về phạm vi điều chỉnh của Dự án Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ và Luật Đường bộ, bảo đảm không chồng chéo, trùng lặp; chưa thay đổi cơ quan quản lý đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe…

Chính phủ đồng ý đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, bổ sung 2 Dự án Luật này vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022. Bộ trưởng Bộ Tư pháp thừa ủy quyền Thủ tướng, thay mặt Chính phủ ký Tờ trình đề nghị bổ sung 2 Dự án Luật này vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022.

Sau khi rà soát, hoàn thiện hồ sơ Dự án Luật, Bộ trưởng Bộ Công an, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải thừa ủy quyền Thủ tướng, thay mặt Chính phủ ký Tờ trình của Chính phủ trình Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ và Luật Đường bộ tại Kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XV.

Bộ Công an chủ trì, phối hợp với Bộ Giao thông vận tải và các cơ quan liên quan báo cáo Bộ Chính trị để xin ý kiến chỉ đạo về việc tách Luật Giao thông đường bộ thành 2 luật (Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ và Luật Đường bộ)…/.

HỒNG NHUNG