Quyền và lợi ích của người tiêu dùng ngày càng được bảo vệ và nâng cao
Chính trị - Ngày đăng : 21:50, 26/03/2022
(BKTO) - Trong khi nhiều hoạt động hưởng ứng Ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam đang được các cơ quan chức năng, các DN và nhiều địa phương trên cả nước tổ chức trong tháng 3/2022, Bộ Công Thương cũng khẩn trương lấy ý kiến hoàn thiện dự thảo Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi).
Quyền và lợi ích của người tiêu dùng ngày càng được bảo vệ và nâng cao. Ảnh minh họa: TTXVN |
Theo lãnh đạo Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công Thương), dự thảo Luật được bổ sung và sửa đổi nhiều nội dung liên quan đến quyền lợi và trách nhiệm của tổ chức, cá nhân kinh doanh, các hình thức kinh doanh.
Cụ thể, dự thảo Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) gồm 7 Chương, 80 Điều. So với Luật hiện hành, Dự thảo giữ nguyên 13 Điều và sửa đổi 38 Điều, thêm mới 29 Điều, bổ sung thêm 1 Chương về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong các giao dịch đặc thù đối với các tổ chức, cá nhân kinh doanh như: giao dịch từ xa, cung cấp dịch vụ liên tục, bán hàng trực tiếp…
Trong đó, dự thảo Luật bổ sung nhiều nội dung về hợp đồng mẫu, điều kiện giao dịch chung; hợp đồng bán hàng đa cấp; nghĩa vụ của đơn vị có giao dịch bán hàng từ xa, gồm sàn thương mại điện tử, các DN cung cấp dịch vụ bán hàng trên mạng…; quyền và nghĩa vụ của tổ chức xã hội tham gia bảo vệ người tiêu dùng.
Tại Hội thảo lấy ý kiến về dự thảo Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) lần thứ ba tại TP. Hồ Chí Minh do Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công Thương) phối hợp với Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức ngày 25/3, các đại biểu đều nhấn mạnh sự cần thiết phải sửa đổi Luật ở thời điểm này để thích ứng với tình hình mới.
Tuy nhiên, theo ý kiến của nhiều đại biểu, dự thảo Luật cần được tiếp tục hoàn thiện, xây dựng trên cơ chế giả định, bổ sung thêm những quy định và chế tài xử lý rõ ràng hơn để đảm bảo tính thực thi hiệu quả sau khi Luật được ban hành./.
QUỲNH ANH