Kiến nghị nhiều giải pháp “quản” các dự án BOT giao thông
Đối nội - Ngày đăng : 14:10, 15/01/2018
(BKTO) - Qua kiểm toán 27 dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông theo hình thức hợp đồng xây dựng - kinh doanh - chuyển giao (BOT) những năm qua, KTNN đã phát hiện và chỉ rõ những bất cập, hạn chế trong công tác lập, thẩm định và phê duyệt dự án; lựa chọn nhà đầu tư; lựa chọn nhà thầu; đền bù giải phóng mặt bằng; quản lý chất lượng công trình, chi phí đầu tư, quản lý tiến độ, thanh quyết toán... Trên cơ sở đó, KTNN đưa ra nhiều kiến nghị quan trọng đối với các cơ quan chức năng.
Rút bài học kinh nghiệm,lấp “lỗ hổng” pháp lý
Căn cứ vào những bất cập của cơ chế chính sách, cũng như xét tổng thể trong quản lý dự án đầu tư theo hình thức BOT, KTNN đã kiến nghị Quốc hội chỉ đạo Chính phủ lập báo cáo đánh giá công tác triển khai thực hiện hình thức đầu tư đối tác công tư để rút ra bài học kinh nghiệm và đề xuất sửa đổi, xử lý những bất cập, hạn chế. KTNN cũng đề xuất Quốc hội nghiên cứu, xây dựng và ban hành Luật về đầu tư theo hình thức đối tác công tư để tạo hành lang pháp lý cao hơn.
Với Chính phủ, KTNN kiến nghị, cần chỉ đạo các Bộ, ngành liên quan đánh giá lại trình tự thủ tục thực hiện dự án theo hướng đơn giản hóa thủ tục hành chính; sửa đổi cơ chế chính sách, ưu tiên bố trí vốn cho các dự án trọng điểm, đặc biệt quan trọng; đảm bảo ổn định chính sách tỷ giá, chính sách phát triển kinh tế - xã hội, các chính sách ảnh hưởng đến doanh thu thu phí… nhằm tạo điều kiện, tăng niềm tin cho các nhà đầu tư.
Tuy nhiên, KTNN cũng thẳng thắn nêu rõ quan điểm, chỉ nên áp dụng hình thức đầu tư theo hợp đồng BOT cho các dự án xây dựng những tuyến đường hoàn toàn mới hoặc cải tạo trên những tuyến đường không phải là độc đạo để người dân có quyền lựa chọn. Hơn nữa, để tăng tính minh bạch của dự án, Chính phủ nên bãi bỏ quy định cho phép nhà đầu tư đề xuất và lập dự án đầu tư, thay vào đó là quy định cụ thể việc lập dự án đầu tư phải do một cơ quan nhà nước thực hiện. Trong lựa chọn nhà đầu tư, cần tiến hành đấu thầu để tăng tính cạnh tranh, cũng như đảm bảo hiệu quả cho dự án. Theo đó, các yếu tố như: chi phí quản lý thu phí, lợi nhuận nhà đầu tư, lãi suất vay vốn, tỷ lệ vốn chủ sở hữu, chi phí xây lắp công trình dự án… đều phải được đấu thầu công khai, minh bạch.
Theo KTNN, mặc dù việc đánh giá hiệu quả kinh tế - xã hội, lợi ích các bên đã được xem xét ngay từ khi lập dự án, lựa chọn để đầu tư theo hình thức BOT, nhưng thực tiễn đã thấy nổi lên vấn đề là cần phải đánh giá hiệu quả của các bên đạt được trong việc cân đối với khả năng chi trả của người dân, cũng như mức độ hấp dẫn các nhà đầu tư tham gia vào các dự án BOT.
Đồng bộ các cơ chế chính sách cấp Bộ
Qua kiểm toán, KTNN kiến nghị Bộ Giao thông vận tải (GTVT) chủ động xây dựng danh mục dự án khuyến khích đầu tư, xác định mức thu phí ngay từ ban đầu nhằm hạn chế rủi ro, tạo niềm tin cho nhà đầu tư. Bộ GTVT cũng cần xem xét các chỉ tiêu có sự sai lệch giữa thực tế phát sinh và phương án tài chính trong Hợp đồng BOT gốc hay không khi thỏa thuận quyết toán dự án và điều chỉnh Hợp đồng BOT để xác định chính xác thời gian hoàn vốn của dự án.
Song song với việc hướng dẫn quy trình và phương pháp điều tra, khảo sát giao thông làm cơ sở tính toán trong phương án tài chính, Bộ GTVT cần nghiên cứu và đưa ra cơ chế kiểm soát lưu lượng phương tiện qua trạm, kiểm soát doanh thu thực tế của dự án để đảm bảo tính công khai, minh bạch, cũng như khẩn trương chỉ đạo các nhà đầu tư hoàn chỉnh hệ thống thu phí không dừng. Một ý kiến nữa được KTNN đưa ra để Bộ GTVT xem xét là ban hành quy định về việc thường xuyên công khai, cập nhật lưu lượng phương tiện, doanh thu hoàn vốn, thời gian thu phí hoàn vốn của dự án BOT khi đàm phán và ký kết hợp đồng BOT.
Đồng thời, KTNN kiến nghị Bộ GTVT xây dựng, ban hành định mức, phương pháp xác định một số chi phí phát sinh trong quá trình khai thác công trình BOT hiện còn thiếu hoặc hướng dẫn, quy định không cụ thể. Chẳng hạn như: chi phí bảo trì đường bộ; chi phí trung tu, đại tu công trình đường bộ; chu kỳ trung tu, đại tu phù hợp với quy mô, từng cấp, loại công trình đường bộ; chi phí quản lý thu phí phù hợp với quy mô của dự án, phù hợp với quy mô, công nghệ tổ chức thu phí…
Đáng chú ý, KTNN cho rằng, Bộ GTVT phải bổ sung tiêu chí đánh giá năng lực quản lý đầu tư các dự án ngành GTVT vào các quy định hiện hành trong quá trình đánh giá lựa chọn nhà đầu tư dự án BOT. Hơn nữa, cần phải đưa thêm chủ thể đại diện cơ quan nhà nước có thẩm quyền vào hợp đồng BOT với những quy định rõ ràng về trách nhiệm, quyền hạn, cơ chế phối hợp, chế tài xử lý.
Cũng liên quan đến vấn đề này, KTNN kiến nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổng kết đánh giá Nghị định 15/2015/NĐ-CP và Nghị định 30/2015/NĐ-CP để làm cơ sở hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật về đầu tư BOT theo hướng chỉ tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư sau khi cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt dự án đầu tư; giá trúng thầu của nhà đầu tư khi tổ chức đấu thầu rộng rãi là giá trị cuối cùng được cơ quan nhà nước có thẩm quyền chứng thực thanh quyết toán.
Đối với Bộ Tài chính, KTNN kiến nghị Bộ loại bỏ điều kiện khoảng cách các trạm thu phí dưới mức tối thiểu (70km) trong Thông tư 159/2013/TT-BTC, đảm bảo chỉ có một khoảng cách tối thiểu 70km. Cùng với việc sớm ban hành các văn bản hướng dẫn cụ thể về nguồn vốn chủ sở hữu của nhà đầu tư, KTNN nhấn mạnh, Bộ Tài chính cần bổ sung quy định cụ thể về xác định lợi nhuận của nhà đầu tư trong phương án tài chính đối với trường hợp chỉ định nhà đầu tư...
H.THOAN
Theo Báo Kiểm toán số 02 ra ngày 11-01-2018