Đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của các bên trong hợp đồng bảo hiểm
Chính trị - Ngày đăng : 21:35, 29/03/2022
(BKTO) – Sáng 29/3, tiếp tục chương trình Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, các đại biểu thảo luận về dự án Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi).
Rà soát các vấn đề liên quan đồng bảo hiểm
Báo cáo một số vấn đề lớn về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh nêu rõ, so với dự thảo Luật được Chính phủ trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 2, dự thảo Luật sau khi tiếp thu, chỉnh lý gồm 7 chương và 154 điều (giảm 1 chương và 3 điều), có 39 điều sửa đổi nội dung, 70 điều chỉnh sửa câu chữ, bổ sung về kỹ thuật, bổ sung 7 điều, bãi bỏ một số quy định tại 9 điều và giữ nguyên 38 điều. Đối với những vấn đề đặt ra cần giải quyết khi thuyết minh trình dự án Luật, đến nay dự thảo Luật đã được tiếp thu, chỉnh lý bảo đảm đáp ứng theo mục tiêu đề ra.
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh báo cáo tại Hội nghị. Ảnh: quochoi.vn |
Ông Vũ Hồng Thanh cho biết, Thường trực Ủy ban Kinh tế tiếp thu, chỉnh lý một số nhóm vấn đề như: kết cấu của dự thảo luật; nguyên tắc áp dụng luật; hợp đồng bảo hiểm; về DN bảo hiểm, DN tái bảo hiểm, chi nhánh DN bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài, chi nhánh DN tái bảo hiểm nước ngoài; đại lý bảo hiểm, môi giới bảo hiểm, tổ chức cung cấp dịch vụ phụ trợ bảo hiểm; bảo hiểm vi mô.
Về hợp đồng bảo hiểm, một số ý kiến đề nghị tiếp tục rà soát và làm rõ để bảo đảm vừa phù hợp với các quy tắc chung về đồng bảo vệ theo quy định của Bộ luật Dân sự, vừa đảm bảo tính định dạng của hoạt động kinh doanh bảo mật trong các quyền bảo vệ và pháp lý lợi ích của các bên.
Thường trực Ủy ban Kinh tế nêu rõ, hợp đồng bảo hiểm (chương II) là một chế định quan trọng trong lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm. Do đó, tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội, dự thảo Luật đã chỉnh sửa, bổ sung và quy định rõ một số nội dung tại Chương này như: bổ sung quy định về hợp đồng bảo hiểm vô hiệu theo quy định của Bộ luật Dân sự; sửa đổi quy định về quyền lợi có thể được bảo hiểm; hậu quả pháp lý của việc đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng bảo hiểm…
Tuy nhiên, để bảo đảm nhất quán giữa các quy định trong chính dự thảo Luật, phù hợp với các nguyên tắc chung về hợp đồng theo quy định của Bộ luật Dân sự, bảo đảm tính đặc thù của hoạt động kinh doanh bảo hiểm trong việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các bên, Thường trực Ủy ban Kinh tế sẽ phối hợp với cơ quan soạn thảo và các cơ quan hữu quan tiếp tục rà soát, nghiên cứu hoàn thiện các quy định về hợp đồng bảo hiểm tại dự thảo Luật như quy định về điều khoản loại trừ trách nhiệm bảo hiểm, giao kết hợp đồng bảo hiểm nhân thọ và bảo hiểm sức khỏe cho trường hợp chết, thời gian cân nhắc tham gia bảo hiểm… trước khi trình Quốc hội xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ 3.
Quy định chặt chẽ về trách nhiệm, nghĩa vụ của doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm
Góp ý vào dự thảo Luật, đại biểu Điểu Huỳnh Sang (đoàn Bình Phước) quan tâm vấn đề liên quan đến các loại hợp đồng bảo hiểm, bởi đây là nội dung quan trọng liên quan đến quyền lợi của người tham gia bảo hiểm. Đại biểu kiến nghị cần có quy định chặt chẽ về trách nhiệm của các DN kinh doanh bảo hiểm trong việc sử dụng và bảo vệ thông tin cá nhân của người mua bảo hiểm. Đồng thời, dự thảo Luật cần có quy định của pháp luật về việc cung cấp thông tin của người tham gia bảo hiểm cho tổ chức, cá nhân khác.
Đại biểu Tạ Thị Yên phát biểu thảo luận. Ảnh: quochoi.vn |
Đánh giá dự thảo Luật đã tiếp thu nhiều ý kiến của cơ quan thẩm tra và ý kiến của các đại biểu Quốc hội, tuy nhiên từ thực tiễn tham khảo ý kiến của cử tri trong ngành bảo hiểm, đại biểu Tạ Thị Yên (đoàn Điện Biên) cho biết, hiện nay hợp đồng bảo hiểm do DN soạn sẵn và có nhiều thuật ngữ, điều khoản thuận lợi cho bên bán bảo hiểm. Vì vậy, cần có quy định rõ về quyền lợi, trách nhiệm mang tính nguyên tắc tối thiểu của DN bảo hiểm với bên mua bảo hiểm, đối với từng loại hình bảo hiểm.
Đại biểu đề nghị, cần nghiên cứu để Luật hay văn bản hướng dẫn dưới Luật có quy định về hợp đồng mẫu, đồng thời công khai với người dân để người dân hiểu rõ trước khi mua bảo hiểm. Đặc biệt, đối với bảo hiểm nhân thọ, cần quy định DN bảo hiểm phải ghi rõ phí bảo hiểm hàng năm, khoản tiết kiệm hàng năm để khách hàng không bị nhầm lẫn giữa giá trị tích lũy và khoản phí mất đi hàng năm.
“Hiện tại vấn đề này phụ thuộc vào tư vấn trực tiếp nên xảy ra nhiều tranh cãi giữa bên mua và bên bán bảo hiểm về việc không làm rõ thông tin này. Thông thường, để sản phẩm có tính hấp dẫn, đại lý bảo hiểm thường giải thích cho bên mua bảo hiểm giá trị tích lũy ở mức cao nhất có thể trong bảng minh họa, mà không nói đến giá trị bảo đảm mà mức là bên mua bảo hiểm nhận được thực tế sẽ thấp hơn; ngoài ra rủi ro của các sản phẩm bảo hiểm kết hợp đầu tư cũng ít khi được đại lý bảo hiểm nhắc đến khi tư vấn, kết quả là bên mua bảo hiểm phải chịu tổn thất đầu tư mà không được tư vấn rõ ràng ngay từ đầu” - đại biểu Tạ Thị Yên nêu thực tế.
Đại biểu Hoàng Thị Thanh Thúy (Tây Ninh) nêu rõ, dự thảo Luật quy định: “DN bảo hiểm phải hoàn lại chi phí bảo hiểm cho bên mua bảo hiểm sau khi trừ đi chi phí hợp lý theo thỏa thuận trong hợp đồng bảo hiểm”. Tuy nhiên, dự thảo Luật không giải thích thế nào là chi phí hợp lý mà phụ thuộc vào sự thỏa thuận trong hợp đồng bảo hiểm. Thực tế, hợp đồng bảo hiểm là hợp đồng mẫu, không thể thay đổi. Do đó, đề nghị bổ sung trong Luật hoặc giải thích văn bản dưới Luật và chi phí hợp lý này phải được bổ sung trong hợp đồng bảo hiểm, tránh trường hợp đại lý bảo hiểm cố tình liệt kê chi phí không hợp lý để ép người mua bảo hiểm phải chịu.
Tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết sẽ phối hợp cùng Cơ quan soạn thảo tiếp thu tối đa các ý kiến của đại biểu để báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội và gửi xin ý kiến các Đoàn đại biểu Quốc hội, trình Quốc hội.
Đ. KHOA