Tăng lương tối thiểu vùng là cần thiết và mang lại nhiều tác động tích cực
Chính trị - Ngày đăng : 14:35, 31/03/2022
(BKTO) - Mới đây, Hội đồng Tiền lương quốc gia đã có phiên họp về lương tối thiểu vùng. Các chuyên gia cho rằng việc xem xét tăng lương tối thiểu vùng lúc này là cần thiết, đặc biệt là trong bối cảnh người lao động (NLĐ) đang phải hứng chịu những ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh Covid-19.
Lương tối thiểu không đáp ứng được nhu cầu thực tế của người lao động
Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, hai năm qua, lương tối thiểu vùng chưa được điều chỉnh. Đây cũng chính là một trong những giải pháp được Chính phủ thực hiện nhằm hỗ trợ DN giảm bớt khó khăn, ảnh hưởng của dịch bệnh. Hiện mức tiền lương tối thiểu được quy định tại Nghị định số 90/2019/NĐ-CP của Chính phủ, áp dụng bắt đầu từ 01/01/2020.
Việc tăng lương tối thiểu vùng lúc này được cho là yêu cầu cấp thiết. |
Tại phiên họp của Hội đồng Tiền lương quốc gia, đại diện NLĐ là Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam và đại diện của chủ sử dụng lao động là Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam thảo luận, đưa ra các luận điểm để làm căn cứ cho phương án tăng lương tối thiểu. Đa số các ý kiến đều cho rằng, thời điểm này, việc tăng lương tối thiểu vùng là rất cần thiết để tạo thêm nguồn lực hỗ trợ NLĐ tăng thêm nguồn thu nhập, giúp trang trải cuộc sống.
Trong nghiên cứu đánh giá tác động của việc tăng lương tối thiểu lên việc làm và năng suất lao động ở Việt Nam do TS. Nguyễn Việt Cường - Giảng viên Khoa Kinh tế và Quản lý (Trường Quốc tế, Đại học Quốc gia Hà Nội) cùng cộng sự thực hiện, công bố mới đây cho thấy những tác động tích cực của việc tăng lương tối thiểu đối với tiền lương tháng của NLĐ.
Theo TS. Nguyễn Việt Cường, mức lương tối thiểu tăng 1% sẽ làm tăng 0,83% tiền lương hàng tháng. Mức lương tối thiểu tăng 1% dẫn đến tiền lương theo giờ tăng 0,32%, điều này hàm ý rằng năng suất lao động tăng lên do tăng lương tối thiểu.
Dẫn số liệu từ kết quả điều tra lao động việc làm, ông Cường cho biết, trong giai đoạn 2012-2017, lương tối thiểu tăng rất nhanh. Tuy nhiên, những năm gần đây nếu so với mức lương trung bình, tốc độ tăng lương tối thiểu bắt đầu giảm, thậm chí không còn theo kịp tốc độ tăng trưởng kinh tế - xã hội nói chung.
“Do chưa được điều chỉnh, mức lương tối thiểu hiện nay không còn đáp ứng được nhu cầu thực tế của NLĐ. Vì vậy, cần xem xét để tăng lương cho NLĐ” - TS. Nguyễn Việt Cường cho biết.
Ông Lê Đình Quảng - Phó Trưởng ban Quan hệ lao động, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam phân tích, quan hệ lao động có diễn biến phức tạp thời gian qua cũng có phần nguyên nhân xuất phát từ việc chậm tăng lương tối thiểu vùng. Chỉ tính riêng từ đầu năm 2022 đến nay, đã liên tiếp xảy ra các vụ đình công, ngừng việc tập thể tại nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước, gây ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất.
“Mức lương tối thiểu sau thời gian dài chưa được điều chỉnh hiện được cho là quá thấp trước sức ép tăng giá, do đó cần thiết tăng để bù đắp trượt giá và tái sản xuất sức lao động” - ông Lê Đình Quảng nhấn mạnh.
Xem xét điều chỉnh mức tăng phù hợp
Nhấn mạnh tính cần thiết của tăng lương tối thiểu vùng cho NLĐ, tại Tọa đàm “Chia sẻ về tác động của tăng lương tối thiểu đến việc làm và năng suất lao động ở Việt Nam” do Câu lạc bộ Nhà khoa học Đại học Quốc gia Hà Nội phối hợp tổ chức mới đây, các đại biểu cũng đề nghị Chính phủ cần xem xét mức tăng phù hợp.
TS. Vũ Tiến Minh - Viện trưởng Viện Công nhân và Công đoàn đề nghị Hội đồng Tiền lương Quốc gia cần thảo luận để đề xuất Chính phủ điều chỉnh tiền lương tối thiểu vùng ngay mà không cần chờ đợi. Bởi DN khó khăn một thì hiện NLĐ cũng đang khó khăn hai và NLĐ sẽ khó có thể chú tâm vào công việc, khi đời sống không được đảm bảo.
“Việc tăng tiền lương tối thiểu cũng sẽ góp phần cải thiện đời sống NLĐ, chắc chắn năng suất lao động sẽ nâng lên và NLĐ sẽ gắn bó hơn với DN” - TS. Vũ Tiến Minh phân tích.
Đồng quan điểm, TS. Nguyễn Việt Cường cho rằng, bước sang năm 2022 lạm phát có xu hướng tăng, việc tăng lương là hết sức cần thiết để đảm bảo đời sống NLĐ, nhất là trong bối cảnh mở cửa trở lại, kinh tế dần phục hồi.
Tuy nhiên, “việc điều chỉnh ở mức bao nhiêu cần được thảo luận, thương lượng giữa các bên, đảm bảo hài hòa giữa mức sống cho NLĐ cũng như khả năng chi trả của DN” - ông Cường cho biết.
Nhấn mạnh sự cần thiết phải tăng lương cho NLĐ, nguyên Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Phạm Minh Huân cũng cho rằng, trong bối cảnh khó khăn chung, việc tăng lương tối thiểu vùng cần được tính toán cẩn trọng, quan trọng nhất vẫn là làm sao thúc đẩy được sản xuất, phục hồi kinh tế, từ đó tăng được năng suất lao động.
“NLĐ muốn tăng lương, nhưng cũng cần nhìn vào khả năng chi trả của DN, đây là bài toán khó cho người làm chính sách” - ông Huân nói, đồng thời khuyến nghị, trước khi Nhà nước điều chỉnh, mỗi DN trong khả năng của mình nên có các chính sách hỗ trợ NLĐ từ sớm.
Nguyên Viện trưởng Viện Khoa học xã hội Nguyễn Thị Lan Hương cho biết, xét về lý thuyết, mức lương tối thiểu được điều chỉnh dựa trên mức sống tối thiểu của NLĐ, chỉ số giá tiêu dùng, tốc độ tăng trưởng kinh tế, khả năng chi trả của DN. Như vậy, để tăng lương và mức tăng là bao nhiêu thì cần phải căn cứ vào các yếu tố đó để đánh giá. “Sau những ảnh hưởng của dịch bệnh, khi kinh tế dần phục hồi thì cần phải tính đến việc tăng lương tối thiểu vùng. Song mức tăng là bao nhiêu thì cần có sự thống nhất, đảm bảo hài hòa ở mức cả hai bên đều chấp nhận được” - bà Hương góp ý.
Mức lương tối thiểu vùng theo quy định hiện nay là 4,42 triệu đồng đối với vùng I; vùng II là 3,92 triệu; vùng III là 3,42 triệu và vùng IV là 3,07 triệu đồng. Qua các khảo sát của Viện Công nhân và Công đoàn, đời sống của NLĐ đang phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, đặc biệt qua giai đoạn bị ảnh hưởng của dịch Covid-19 và khi mọi thứ đều tăng giá, còn lương vẫn chưa được điều chỉnh. |
NGUYỄN LỘC