Rào cản về tư duy kìm hãm doanh nghiệp nhỏ và vừa tiếp cận công nghệ
Đối nội - Ngày đăng : 10:20, 03/04/2022
(BKTO) - Việc áp dụng công nghệ nhiều hơn sẽ thúc đẩy năng suất và giúp các DN đứng vững trở lại sau giai đoạn khủng hoảng kéo dài. Tuy nhiên, nhiều DN nhỏ và vừa (SME) vẫn đang gặp khó khăn trong việc thay đổi tư duy và tiếp cận các công cụ kỹ thuật số.
Vì sao doanh nghiệp nhỏ vẫn e ngại áp dụng công nghệ?
Thực tế cho thấy, các DN, nhất là SME có nền tảng kỹ thuật số vững chắc sẽ chống chọi với đại dịch tốt hơn và vượt trội hơn các đồng nghiệp của họ trong hầu hết các lĩnh vực.
Nghiên cứu vừa được công bố gần đây của Xero (nền tảng phần mềm kế toán dựa trên đám mây dành cho các SME) được thực hiện với 4.200 DN đã chỉ ra rằngnhững SME ưu tiên công nghệ dành nhiều thời gian hơn (gần như gấp đôi) cho việc lập kế hoạch và quản lý rủi ro so với nhóm trì hoãn.
Việc tăng cường đầu tư vào những ý tưởng công nghệ mới mang lại nhiều lợi ích cho các SME. Trong đó, quan trọng hơn cả, thành quả thu được là nhóm SME ưu tiên công nghệ có doanh thu cao hơn 120% và năng suất cao hơn 106% so với nhóm trì hoãn. Rõ ràng, công nghệ giúp các SME hưởng lợi với mức lợi nhuận và mục đích lớn hơn.
Tuy nhiên, theo nghiên cứu của Xero, vẫn có một bộ phận không nhỏ SME trên toàn thế giới giảm thiểu việc sử dụng công nghệ kỹ thuật số và quay về điều hành DN theo cách thủ công. Kết quả nghiên cứu cho thấy,chỉ 21% SME thường xuyên đầu tư vào công nghệ để cải thiện hiệu quả kinh doanh, trong khi đó có tới 31% SME trì hoãn và đi sau trên con đường áp dụng công nghệ.
Nguyên nhân của thực trạng trên chính là các rào cản về tư duy và nhận thức mà SME đang phải đối mặt, bao gồm: Tư duy chỉ muốn giữ nguyên như cũ bất chấp việc thay đổi mang lại điều tốt; tăng chi phí do phải đầu tư thời gian, công sức và tiền bạc vào công nghệ trong khi cách làm cũ vẫn ổn; tiếp nhận công nghệ mới quá nhiều rắc rối; công nghệ cũ vẫn tốt.
Thêm nữa, không ít SME bế tắc do chi phí trả trước; chỉ thấy lỗ chứ không thấy lãi; sợ quyết định sai; thấy toàn rủi ro; cảm thấy không tự tin khi quyết định đầu tư vào công nghệ; không biết lựa chọn công nghệ nào là phù hợp; không chọn lọc được thông tin và chưa biết bắt đầu từ đâu.
Từ 12 rào cản trên, các chuyên gia của Xero nhận thấy có 3 nhóm tư duy nổi bật kìm hãm SME tiếp cận công nghệ: Suy nghĩ 1 - Những gì đang có đã đủ tốt, vì vậy, DN chỉ muốn gắn bó với nó; Suy nghĩ 2 - Tất cả những gì có thể thấy là rủi ro và tổn thất ngắn hạn; Suy nghĩ 3 - Quá khó để so sánh, hiểu và lựa chọn công nghệ phù hợp giữa một thị trường quá rộng lớn và sôi động.
Doanh nghiệp càng nhỏ càng không muốn thay đổi
Kết quả nghiên cứu của Xero cũng cho thấy, quy mô kinh doanh đóng vai trò quan trọng trong tư duy của chủ DN. Theo đó, cùng là DN nhỏ và vừa nhưng SME chỉ có 1 thành viên (chủ sở hữu cũng chính là nhân viên) có suy nghĩ về công nghệ rất khác với SME có từ 2 đến 19 nhân viên và SME có từ 20 đến 49 nhân viên.
Trong số 12 rào cản mà Xero đã xác định, 5 rào cản nổi bật được các SME có 1 thành viên lựa chọn nhiều nhất, bao gồm: Không muốn thay đổi những gì đang làm, ngay cả khi nhận ra rằng công nghệ mới sẽ mang lại lợi ích lớn; cố gắng để gắn bó với các giải pháp cũ; chủ DN không đồng ý với quan điểm phải thay đổi công nghệ để phát triển; gắn bó với các giải pháp hiện tại an toàn hơn việc thực hiện bất kỳ thay đổi nào.
Ngoài ra, so với các SME có nhiều nhân viên, nhóm chỉ có 1 nhân viên cảm thấy bối rối hơn khi so sánh các lựa chọn công nghệ khác nhau (39%). Nhóm DN siêu nhỏ này cũng không cảm thấy tự tin về việc thay đổi trong mọi lĩnh vực và ít tin tưởng vào các tiêu chí của chính mình để ra quyết định đảm bảo công bằng và hiệu quả. Nếu những người ra quyết định kinh doanh không biết lựa chọn nào là đúng, họ sẽ không chọn bất cứ công nghệ nào.
Thực tế, sự mơ hồ, không biết chọn công nghệ phù hợp đang là rào cản lớn đối với tất cả các SME. Điều này xuất phát từ sự thiếu tự tin trong việc hiểu biết công nghệ mới. Hơn nữa, DN càng đưa ra nhiều phương án, họ càng khó xác định đâu là lựa chọn phù hợp. Trong khi đó, thông tin trên thị trường thì luôn tràn ngập và được cập nhật thường xuyên khiến chủ DN không xử lý kịp và bỏ qua khi nó quá phức tạp với họ.
Các chiến lược khả thi để thay đổi tư duy
Dựa trên các hành vi và tâm lý mà DN đã chia sẻ với hàng loạt các rào cản trên, Xero đã đưa ra các chiến lược khả thi nhằm thay đổi tư duy.
Trước tiên, các SME cần được khuyến khích làm từng bước nhỏ thay vì phải thực hiện bước nhảy vọt. Mỗi thay đổi nhỏ sẽ mang lại lợi ích nhỏ nhưng nó tạo nên sự khác biệt và DN từ từ tiến xa hơn, thu về lợi ích to lớn hơn. Các SME nên chia nhỏ quy trình áp dụng công nghệ thành từng bước đơn giản, rõ ràng để dễ dàng phân tích sự không chắc chắn và xác định rủi ro.
Các nhà hoạch định chính sách, hiệp hội có thể thực hiện nhiều nghiên cứu điển hình liên quan đến các nhóm DN cùng lĩnh vực hoặc cùng chí hướng và chỉ ra mối liên hệ rõ ràng giữa hành động và kết quả. Ngoài ra, chúng ta có thể tự tạo cộng đồng để các SME chia sẻ kinh nghiệm, tạo thêm động lực cho việc tự tin áp dụng công nghệ.
Một cách nữa để thu hút sự quan tâm của SME với công nghệ là đo lường lợi ích của việc có và không áp dụng công nghệ. Điều này giúp DN có được cái nhìn minh bạch về lợi ích, những thách thức có thể xảy ra và tìm cách để vượt qua chúng. Càng nhiều lợi ích của công nghệ được chỉ ra, cộng hưởng với kinh nghiệm kinh doanh vốn có của chủ DN thì họ càng có nhiều khả năng thực hiện bước đầu tiên.
Bên cạnh đó, để thu hẹp và đơn giản hóa các lựa chọn, giúp DN cảm thấy tự tin hơn khi đưa ra quyết định về công nghệ, ngay từ bước khởi đầu, các tổ chức, hiệp hội cần giới hạn số lượng phương án cung cấp cho SME, sử dụng so sánh trực tiếp giữa các tùy chọn, đơn giản hóa ngôn ngữ công nghệ, tập trung vào các quy trình và kết quả hơn là thống kê và tính năng... từ đó DN dễ dàng tiếp nhận và xử lý thông tin.
Mặc dù các nhà hoạch định chính sách và các nhà lãnh đạo công nghệ có thể làm rất nhiều điều nhưng để thực sự thay đổi thì chỉ SME mới có thể làm được. Vì vậy, bản thân DN cần thay đổi cách tiếp cận và chủ động thực hiện từng bước hướng tới việc áp dụng công nghệ.
Theo đó, chủ DN cần xác định tiêu chí nào được đánh giá cao nhất trong công nghệ mới cho DN của mình. Tiếp theo, DN nghiên cứu các lựa chọn công nghệ, liệt kê chúng và cho điểm theo từng tiêu chí. Việc đánh giá theo tiêu chí sẽ giúp DN dễ dàng hơn khi so sánh giữa các tùy chọn khác nhau mà không có thành kiến từ trước làm ảnh hưởng đến quy trình.
Bước tiếp theo, DN cần phân tích chi phí - lợi ích của từng công nghệ thông qua việc liệt kê các lợi ích và ấn định thời gian hoặc giá trị tiền tệ cho mỗi lợi ích. Việc tính toán chi tiết sẽ giúp DN tập trung vào những lợi ích có thể có của một công nghệ mới và đưa ra quyết định sáng suốt hơn dựa trên lợi ích thực tế thu được.
Các DN cũng cần dành thời gian để học hỏi từ những DN khác. Thậm chí, mỗi tháng, DN cần dành thời gian nhất định để khám phá, trao đổi kinh nghiệm về những giải pháp mà các DN cùng lĩnh vực đang áp dụng, từ đó học hỏi nhiều hơn từ những gì DN khác đã trải qua./.
THÙY LÊ