Đảm bảo tiến độ, chất lượng Dự thảo Đề án Chiến lược xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền
Chính trị - Ngày đăng : 09:50, 20/04/2022
(BKTO) - Thời gian hoàn thiện Dự thảo Đề án “Chiến lược xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045” (Đề án) không còn nhiều, do đó, Ban Chỉ đạo xây dựng Đề án cần thể hiện tinh thần trách nhiệm cao nhất, đặt quyết tâm cao để hoàn thành Dự thảo Đề án bảo đảm chất lượng và tiến độ.
Đây là đề nghị của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, TrưởngBan Chỉ đạo xây dựng Đề án tại Phiên họp thứ hai của Ban Chỉ đạo vào chiều 18/4.
Quang cảnh Phiên họp.Ảnh: TTXVN |
Tại Phiên họp, các thành viên Ban Chỉ đạo và lãnh đạo các Bộ, ngành, các chuyên gia, nhà khoa học, thành viên Tổ Biên tập đã cho ý kiến về Dự thảo Đề án quan trọng này.
Phát biểu tại Phiên họp, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao tinh thần trách nhiệm của các thành viên Ban Chỉ đạo trong việc thực hiện các kế hoạch đã đề ra. Theo đó, Ban Chỉ đạo đã chỉ đạo triển khai nghiên cứu 27 chuyên đề để làm cơ sở xây dựng Dự thảo Đề án; tổ chức 3 hội thảo cấp quốc gia với sự tham gia của rất nhiều chuyên gia, nhà khoa học, cán bộ làm công tác quản lý; đã nêu ra rất nhiều ý kiến trách nhiệm, tâm huyết, có cơ sở lý luận, căn cứ khoa học và phù hợp với thực tiễn của Việt Nam.
Sau khi lắng nghe ý kiến của các thành viên Ban Chỉ đạo, các chuyên gia, nhà khoa học, Chủ tịch nước đánh giá đã có sự thống nhất cao trong nhận thức vềsự cần thiết, tầm quan trọng và tính chiến lược của Đề án cả về lý luận, thực tiễn và những quan điểm đổi mới về phát triển bền vững đất nước; có cơ sở pháp lý và cơ sở chính trị để khẳng định những vấn đề đặt ra trong quá trình xây dựng Đề án.
Chủ tịch nước cũng nêu rõ, Ban Chỉ đạo thống nhất đánh giá Dự thảo lần thứ nhất của Đề án được xây dựng bám sát các quan điểm, chủ trương của Đảng, Nhà nước; các nguyên tắc, đặc trưng, mục tiêu của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam được nêu trong Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (Bổ sung, phát triển năm 2011), Hiến pháp năm 2013, các Nghị quyết của Trung ương và Văn kiện Đại hội XIII của Đảng.
Qua đó thể hiện được tầm nhìn chiến lược trong phát triển đất nước theo định hướng dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh; tiếp tục khẳng định việc bảo vệ quyền con người, quyền công dân và phát huy tính dân chủ của nhân dân.
Theo đó, bố cục chính của Dự thảoĐề án đã nêu được sự cần thiết, mục đích, nhiệm vụ của Đề án; những vấn đề lý luận cơ bản về Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam; đánh giá tổng quát thực trạng, quan điểm, mục tiêu và phương hướng nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm vềxây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045.
Nêu một số vấn đề cần tiếp tục chỉnh sửa trong Dự thảo Đề án, Chủ tịch nước yêu cầu dành dung lượng thoả đáng cho những vấn đề được xác định là trụ cột của chiến lược; trong đó có quyền làm chủ của nhân dân; xây dựng pháp luật nghiêm minh, tạo điều kiện cho phát triển... Đối với các vấn đề chưa rõ hoặc cần nghiên cứu, thảo luận thêm thì tiếp tục lấy ý kiến rộng rãi để tạo sự thống nhất cao.
Chủ tịch nước cũng nhấn mạnh, do thời gian hoàn thiện Dự thảo Đề án không còn nhiều, Ban Chỉ đạo cần thể hiện tinh thần trách nhiệm cao nhất trước Ban Chấp hành Trung ương và Bộ Chính trị; đặt quyết tâm cao để hoàn thành Dự thảo Đề án bảo đảm chất lượng và tiến độ.
Cùng với đó là quan tâm chỉ đạo các cơ quan liên quan, tập trung lực lượng tham gia hoàn thiện Dự thảo Đề án; tạo điều kiện tối đa cho các chuyên gia, Tổ Biên tập thực hiện tốt nhiệm vụ được phân công…/.
DIỆU THIỆN