Cần bổ sung quy định về chuyển đổi số trong Dự thảo Luật sửa đổi Luật Sở hữu trí tuệ

Chính trị - Ngày đăng : 19:35, 26/04/2022

(BKTO) - Chuyển đổi số đang trở thành xu thế toàn cầu và cũng là xu hướng tất yếu tại Việt Nam, nhất là trong thực hiện các thủ tục hành chính, thủ tục phục vụ trực tiếp hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, đáp ứng yêu cầu của hội nhập kinh tế quốc tế như về sở hữu công nghiệp. Do đó, cần bổ sung vào Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ các quy định liên quan đến nội dung chuyển đổi số.


Đây là đề xuất của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) trong văn bản gửi đến Ủy ban Pháp luật của Quốc hội góp ý cho Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ.
                
   

VCCI cho rằng cầnbổ sung quy định về chuyển đổi số trong Dự thảo Luật sửa đổi,bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ -Ảnh minh họa:hochiminhcity.gov.vn

   

Cụ thể, VCCI kiến nghị cần bổ sung quy định về thực hiện trực tuyến một số thủ tục như đăng ký, xác lập quyền sở hữu công nghiệp, bởi hiện tại, Dự thảo Luật chỉ mới quy định nộp hồ sơ đăng ký quyền tác giả, quyền liên quan qua Cổng Dịch vụ công Quốc gia. Bên cạnh đó, cần bổ sung quy định về việc tra cứu khả năng bảo hộ trực tuyến; tra cứu cơ sở dữ liệu về nhãn hiệu hàng hoá, kiểu dáng công nghiệp.

Một vấn đề nữa được VCCI góp ý choDự thảo Luật là hiện nay pháp luật về sở hữu trí tuệ của Việt Nam đã ghi nhận và bảo hộ nhiều loại tài sản trí tuệ như: quyền tác giả và quyền liên quan đối với tác phẩm, phần mềm, hệ thống thông tin hay sở hữu công nghiệp đối với bí mật kinh doanh. Tuy nhiên, một số vấn đề chưa được làm rõ gây nhiều khó khăn trên thực tiễn triển khai.

Cụ thể như, về khái niệm bí mật kinh doanh trong Luật Sở hữu trí tuệ vẫn còn rất chung chung và khó hiểu. Luật Sở hữu trí tuệ chỉ quy định bí mật kinh doanh là thông tin thu được từ hoạt động đầu tư tài chính, trí tuệ, chưa được bộc lộ và có khả năng sử dụng trong kinh doanh. Chính việc quy định tương đối chung chung, chưa rõ ràng về bí mật kinh doanh khiến việc áp dụng quy định này trong từng trường hợp phụ thuộc phần lớnvào hiểu biết của cơ quan quản lý nhà nước.

Bên cạnh đó, Luật Sở hữu trí tuệ cũng chưa xác định khái niệm “tài sản trí tuệ”, nên hiện có sự lúng túng trong việc xác định hợp đồng có đối tượng là tài sản trí tuệ. Nếu như trong nhiều lĩnh vực kinh tế khác, giá trị tài sản lớn nhất đối với doanh nghiệp là nhà máy, thiết bị, công trình… thì trong kinh tế số, tài sản có giá trị nhất lại là phần mềm, dữ liệu, hệ thống thông tin… Đây đều là các đối tượng tài sản được bảo hộ theo pháp luật về sở hữu trí tuệ.

VCCI cho rằng, bảo hộ tài sản trí tuệ để phát triển kinh tế số (công nhận các loại tài sản số, bảo vệ tài sản số trong các hợp đồng dân sự, bảo vệ tài sản số bằng pháp luật hình sự, bảo hộ quyền sở hữu tài sản của cá nhân, bảo đảm giao kết hợp đồng…) là giải pháp quan trọng để thúc đẩy đầu tư của doanh nghiệp vào các lĩnh vực công nghiệp, nông nghiệp công nghệ cao, có giá trị gia tăng lớn hay thu hút được các dự án đầu tư nước ngoài chất lượng tốt.

Do đó, VCCI kiến nghịban soạn thảocần xem xét bổ sung vào Dự thảo Luật các quy định ghi nhận, bảo hộ các loại tài sản trí tuệ trên môi trường số, theo hướng bảo vệ quyền tài sản cá nhân, quyền sở hữu cá nhân với dữ liệu, bảo đảm và thúc đẩy các giao kết hợp đồng.

Song song với đó, để nâng cao năng lực bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ trong môi trường số, cần bổ sung các quy định về việc phối hợp chặt chẽ giữa các ngành trong việc xây dựng quy định về thực thi sở hữu trí tuệ trong môi trường số theo hướng đáp ứng yêu cầu của các cam kết quốc tế và phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của Việt Nam.

Điều này sẽ tạo nên một hệ thống quy định thực thi về sở hữu trí tuệ trên môi trường số một cách thống nhất; trong đó có những quy định cụ thể nhằm xác định những hành vi bị coi là xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ trong môi trường số, chủ thể xâm phạm cũng như cơ quan có thẩm quyền xử lý vi phạm.../.

DIỆU THIỆN