BIDV - Tự hào hành trình 65 năm xây dựng và phát triển

Kinh tế - Ngày đăng : 16:21, 28/04/2022

(BKTO) - Trải qua chặng đường 65 năm xây dựng và trưởng thành, Ngân hàng Thương mại cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) đã không ngừng lớn mạnh, có nhiều đóng góp to lớn vào công cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, sự nghiệp đổi mới, hội nhập và phát triển đất nước.


                
   

Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân trao tặng Huân chương Độc lập
   hạng Ba cho đại diện lãnh đạo BIDV. Ảnh:sbv.gov.vn

   

Ngày 27/4, BIDV long trọng tổ chức Lễ đón nhận các phần thưởng cao quý của Nhà nước CHXHCN Việt Nam, Nhà nước CHDCND Lào, Quốc vương Campuchia và kỷ niệm 65 năm ngày thành lập (26/4/1957- 26/4/2022).

Vững vàng vị thế, đóng góp lớn cho ngân sách nhà nước

Sau 65 năm hoạt động với hơn 27 năm kinh doanh thương mại, đến nay, BIDV đã trở thành một định chế tài chính đa sở hữu, hoạt động đa quốc gia, kinh doanh đa năng, đa lĩnh vực, vận hành công khai, minh bạch theo chuẩn mực, thông lệ quản trị quốc tế...

Từ một ngân hàng thuở ban đầu với quy mô khiêm tốn là 11 chi nhánh và 200 cán bộ, đến nay, BIDV có hệ sinh thái ngân hàng - bảo hiểm - chứng khoán - đầu tư tài chính, mạng lưới rộng khắp với 1.085 chi nhánh, phòng giao dịch trong và ngoài nước, 10 công ty con và các hiện diện thương mại tại Lào, Campuchia, Myanmar, Nga, Đài Loan (Trung Quốc); hơn 27.000 cán bộ được đào tạo bài bản, dạn dày kinh nghiệm.

Box 1: Trong 65 năm xây dựng và trưởng thành, BIDV đã nhiều lần được thay đổi tên gọi cho phù hợp với nhiệm vụ trong từng giai đoạn phát triển của đất nước: Ngân hàng Kiến thiết Việt Nam (1957-1981), Ngân hàng Đầu tư và Xây dựng Việt Nam (1981-1990), Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (1990-2012), Ngân hàng Thương mại cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam (từ ngày 01/5/2012).

BIDV hiện đang phục vụ hơn 15 triệu khách hàng; hợp tác, giao dịch với hơn 2.300 định chế tài chính ở 177 quốc gia và vùng lãnh thổ trên toàn cầu...

Quy mô tổng tài sản của BIDV đạt trên 1,76 triệu tỷ đồng, đứng đầu hệ thống ngân hàng thương mại. Với vốn điều lệ đạt 50.585 tỷ đồng, BIDV là ngân hàng thương mại cổ phần có vốn điều lệ lớn nhất tại Việt Nam. Vốn nhà nước được bảo toàn và không ngừng phát triển.

Kết thúc năm 2021, huy động vốn của BIDV đạt trên 1,5 triệu tỷ đồng, dư nợ tín dụng trên 1,36 triệu tỷ đồng. Giá trị vốn hóa của BIDV hiện đạt hơn 242.300 tỷ đồng (tương đương 10,5 tỷ USD), đứng thứ tư toàn thị trường.

Trong 5 năm trở lại đây, BIDV đóng góp ngân sách trên 28.000 tỷ đồng, thuộc nhóm DN nộp ngân sách lớn nhất Việt Nam...

Bên cạnh các hoạt động kinh doanh, trong suốt chiều dài lịch sử phát triển, BIDV đã triển khai công tác an sinh xã hội trên nhiều lĩnh vực, góp phần tích cực vào công cuộc giảm nghèo bền vững, các chương trình mục tiêu quốc gia về giáo dục, y tế…

Tổng kinh phí thực hiện an sinh xã hội của BIDV trong giai đoạn 2007-2022 đạt hơn 4.300 tỷ đồng.

Đặc biệt, hơn 2 năm qua, trong bối cảnh nền kinh tế - xã hội chịu ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, BIDV đã triển khai nhiều giải pháp nhằm bảo đảm hoạt động thông suốt để cung cấp các dịch vụ tài chính ngân hàng cho nền kinh tế; tích cực hỗ trợ DN, người dân khắc phục khó khăn, duy trì phát triển sản xuất kinh doanh, ổn định đời sống...
                
   

Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đặt mục tiêu cho BIDV phấn đấu lọt Top 100 ngân hàng lớn nhất châu Á Thái Bình Dương. Ảnh:sbv.gov.vn

   

Phát biểu tại buổi Lễ, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái và Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng đều ghi nhận, đánh giá cao những nỗ lực to lớn, thành tựu đáng tự hào mà các thế hệ BIDV đã cùng nhau xây đắp.

“Đây là thành quả của sự cố gắng bền bỉ, tinh thần lao động tâm huyết và trách nhiệm của các thế hệ cán bộ lãnh đạo và toàn thể cán bộ, người lao động BIDV, đồng thời cũng thể hiện sự lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát của lãnh đạo Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam qua các thời kỳ, sự ủng hộ, hỗ trợ, gắn bó chặt chẽ và đồng hành của các khách hàng, đối tác, cộng đồng DN và người dân đối với BIDV” - Phó Thủ tướng Lê Minh Khái khẳng định.

Phấn đấu lọt Top 100 ngân hàng lớn nhất châu Á Thái Bình Dương

Đặt ra mục tiêu trọng tâm cho BIDV trong giai đoạn tới, Phó Thủ tướng nhấn mạnh: Từ nay đến năm 2030, BIDV phải phấn đấu trở thành ngân hàng nằm trong Top 20 ngân hàng hàng đầu Đông Nam Á, Top 100 ngân hàng lớn nhất châu Á Thái Bình Dương. Đây vừa là nhiệm vụ chính trị đặc biệt quan trọng vừa là niềm vinh dự, tự hào của BIDV.
         
65 năm qua, hệ thống BIDV đã được Đảng và Nhà nước Việt Nam trao tặng danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới, Huân chương Hồ Chí Minh, Huân chương Độc lập, Huân chương Lao động các hạng.
   Đảng và Nhà nước CHDCND Lào tặng Huân chương Độc lập, Huân chương Lao động, Huân chương Hữu nghị. Quốc vương Campuchia tặng Huân chương Hoàng gia, Huân chương Công trạng...
   Bên cạnh đó, BIDV còn được các tổ chức uy tín trong nước và quốc tế ghi nhận, vinh danh với nhiều giải thưởng.
   Nhân dịp này, BIDV tiếp tục vinh dự được trao tặng Huân chương Lao động hạng Ba của Nhà nước CHXHCN Việt Nam, Huân chương Phát triển hạng Nhì của Nhà nước CHDCND Lào, Huân chương Sahametrei hạng Moha Sena của Quốc vương Campuchia.

Hiện thực hóa mục tiêu này, theo Phó Thủ tướng, BIDV cần lưu ý các giải pháp sau:

Tập trung quán triệt sâu sắc và triển khai thực hiện hiệu quả các định hướng, nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu đối với lĩnh vực ngân hàng theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030 và các kế hoạch 5 năm giai đoạn 2021-2025.

Tiếp tục giữ vững vị thế là một trong những ngân hàng thương mại cổ phần lớn nhất Việt Nam, không ngừng đổi mới, hoàn thiện, hướng tới phát triển hiệu quả, ổn định và bền vững.

Nâng cao năng lực tài chính, chất lượng tín dụng, quản trị và khả năng cạnh tranh trong nước, khu vực và quốc tế.

Đi đầu về ứng dụng công nghệ thông tin và ngân hàng số trong hoạt động kinh doanh và quản trị điều hành. Đẩy mạnh chuyển đổi số, phát triển mạnh các dịch vụ ngân hàng hiện đại, thiết lập các kênh kinh doanh và dịch vụ mới, đồng thời chú trọng công tác bảo đảm an ninh mạng và an toàn hệ thống.

Nâng cao năng lực quản trị điều hành, minh bạch, hiệu quả theo chuẩn mực quốc tế, áp dụng hệ thống tiêu chuẩn Basel trong hoạt động ngân hàng và bảo đảm phù hợp với thực tiễn Việt Nam.

Bám sát các chủ trương, chỉ đạo của Chính phủ, tập trung ưu tiên vốn tín dụng cho các ngành, lĩnh vực then chốt của nền kinh tế nhằm góp phần thúc đẩy cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh.

Chú trọng công tác xây dựng bộ máy và đào tạo nguồn nhân lực. Phát triển nhanh, vững chắc đội ngũ cán bộ quản lý, điều hành và nghiệp vụ có chất lượng cao.
                
   

Thống đốc Nguyễn Thị Hồng giao nhiệm vụ cho BIDV. Ảnh:sbv.gov.vn

   

Giao nhiệm vụ cho BIDV, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng yêu cầu trong thời gian tới, BIDV cần thực hiện Chiến lược phát triển kinh doanh giai đoạn 2021-2025, đồng hành cùng hệ thống ngân hàng hoàn thành Chiến lược ngành ngân hàng Việt Nam đến năm 2025, định hướng năm 2030; tăng cường năng lực quản trị hệ thống hướng đến thông lệ và nâng cao chất lượng tín dụng; đổi mới và ứng dụng công nghệ cao trong hoạt động ngân hàng; nâng cao năng lực tài chính.../.
THÀNH ĐỨC