Giao dịch bitcoin trông đợi khung pháp lý
Ngân hàng - Tín dụng - Ngày đăng : 10:05, 22/01/2018
(BKTO) - Năm 2017 khép lại với những dấu ấn về “cơn sốt” bitcoin từng nhiều lần làm chao đảo giới đầu cơ tài chính trên toàn cầu. Giao dịch bitcoin đã và đang tiếp tục có xu hướng gia tăng tại Việt Nam, thậm chí biến tướng sang nhiều hình thức khác. Đã đến lúc, Việt Nam cần có các quy định pháp luật để quản lý hoạt động này.
“Cơn sốt” bitcoin
“Cơn sốt” tiền ảo trên toàn cầu mà chủ chốt là đồng bitcoin đã trở nên sôi động trong năm 2017 khi đồng tiền này nhiều lần đạt đỉnh. Điển hình là vào cuối tháng 8, bitcoin đã có lúc lập mức giá kỷ lục hơn 5.000 USD/bitcoin. Chưa hết, dịp cuối năm 2017, đồng tiền ảo này lại tiếp tục “hot” khi đạt đỉnh gần 20.000 USD/bitcoin so với mức gần 1.000 USD thời điểm đầu năm. Mức tăng giá hơn 1.000% trong năm 2017 đã khiến bitcoin trở thành hiện tượng trên thị trường tài chính, thu hút sự quan tâm của giới đầu cơ quốc tế.
Tại Việt Nam, “cơn sốt” bitcoin cũng đã từng làm “nóng” bầu không khí nghị trường. Trả lời chất vất của đại biểu liên quan đến các giao dịch bitcoin tại Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIV, Thống đốc Lê Minh Hưng đã nêu quan điểm của Ngân hàng Nhà nước (NHNN): Bitcoin không phải là đồng tiền pháp định và phương tiện thanh toán hợp pháp trên lãnh thổ Việt Nam.
Trong năm qua, giao dịch bitcoin có xu hướng gia tăng, diễn biến phức tạp.
Vì vậy, tất cả những giao dịch sử dụng bitcoin làm phương tiện thanh toán là không đúng với pháp luật hiện hành. Trước đó, trong các thông cáo báo chí và phát ngôn trực tiếp, NHNN cũng đã khẳng định điều này và cảnh báo thêm: Việc sở hữu, mua bán, sử dụng các loại tiền ảo như là một loại tài sản tiềm ẩn rất nhiều rủi ro cho người dân và không được pháp luật bảo vệ.
Dù chưa được NHNN công nhận và chưa có hành lang pháp lý để hoạt động nhưng giao dịch bitcoin đã và đang trở nên nhộn nhịp trên thị trường, lôi kéo giới đầu cơ. Tính toán sơ bộ cho thấy, nếu năm 2016, có 30.000 người tham gia thị trường bitcoin thì đến năm 2017, con số này đã tăng lên gấp đôi. Cũng trong năm qua, giao dịch bitcoin có xu hướng gia tăng, diễn biến phức tạp không chỉ ở những thành phố lớn như TP.HCM, Hà Nội… mà còn lan rộng sang các tỉnh, thành khác.
Ngoài việc bỏ tiền ra đầu cơ bitcoin, hiện tại, nhiều người còn mua máy đào để tìm kiếm lợi nhuận. Theo Cục Hải quan TP.HCM, tính đến trung tuần tháng 12/2017, đã có 7.005 máy đào tiền ảo được làm thủ tục nhập khẩu hải quan. Đây là con số kỷ lục bởi đến cuối tháng 10/2017, số máy được nhập về TP.HCM chỉ khoảng 1.400 máy, trong đó có 1.310 máy bitcoin. Điều đáng nói nữa là giao dịch bitcoin nói riêng và các đồng tiền kỹ thuật số nói chung đang bị biến tướng sang nhiều hình thức khác nhằm lừa đảo, chiếm đoạt tài sản của những người thiếu hiểu biết nhưng muốn nhanh chóng làm giàu.
Sớm có cơ chế “quản” bitcoin
Rõ ràng, hoạt động mua bán bitcoin ngầm có thể tiềm ẩn sự gia tăng các giao dịch phi pháp như rửa tiền, các hình thức lừa đảo đa cấp và kèm theo những rủi ro nếu Nhà nước không có công cụ để quản lý. Do vậy, mặc dù đồng tình với quan điểm của NHNN khi không thừa nhận bitcoin là phương tiện thanh toán nhưng chuyên gia tài chính - ngân hàng Nguyễn Thị Mùi cho rằng, với việc tiềm ẩn những rủi ro và quyền lợi của nhà đầu tư không được bảo vệ, hoạt động giao dịch, đầu tư bitcoin cũng cần được xem xét để có định hướng quản lý phù hợp.
Cùng quan điểm trên, TS. Cấn Văn Lực - Cố vấn cấp cao Chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng Thương mại cổ phần Đầu tư và Phát triển - nhận định: Khảo sát tại 10 nước thì 6 nước có xu hướng quản lý bitcoin theo hệ thống bài bản; 4 nước còn lại, trong đó có Việt Nam khá thận trọng với bitcoin. Vấn đề đặt ra đối với Việt Nam là quản lý hoạt động này như thế nào?
Tại cuộc họp Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng diễn ra cuối năm 2017, các thành viên Tổ tư vấn cũng kiến nghị, Chính phủ sớm có cơ chế quản lý bitcoin.
Trước yêu cầu trên, vừa qua, Văn phòng Chính phủ đã có văn bản truyền đạt chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ về việc giao cho các Bộ, ngành nhanh chóng rà soát, đề xuất phương án quản lý kinh tế trên một số lĩnh vực ngay trong tháng 01/2018. Đáng lưu ý, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Tư pháp chủ trì, phối hợp với NHNN khẩn trương nghiên cứu, đề xuất việc hoàn thiện khuôn khổ pháp lý để quản lý tiền điện tử như bitcoin.
Trước đó, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 1255/QĐ-TTg ngày 21/8/2017 ban hành Đề án hoàn thiện khung pháp lý quản lý, xử lý với các loại tài sản ảo, tiền điện tử và tiền ảo; trong đó, giao nhiệm vụ cho từng Bộ, ngành phải hoàn thành vào năm 2018 và 2019. Cụ thể, NHNN sẽ rà soát, nghiên cứu và đề nghị sửa đổi, bổ sung, ban hành mới văn bản quy phạm pháp luật về tiền điện tử; Bộ Tư pháp lập đề nghị xây dựng văn bản quy phạm pháp luật về tài sản ảo, tiền ảo; Bộ Tài chính chủ trì nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, bổ sung, ban hành mới văn bản quy phạm pháp luật về thuế đối với tài sản ảo, tiền ảo; Bộ Công an chủ trì nghiên cứu, đề xuất biện pháp phòng, chống, xử lý các vi phạm hình sự liên quan đến tài sản ảo, tiền ảo.
Theo Bộ luật hình sự sửa đổi, bổ sung, từ ngày 01/01/2018, hành vi phát hành, cung ứng, sử dụng bitcoin và các loại tiền ảo khác có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Do vậy, giới chuyên gia kỳ vọng rằng, với việc thực hiện quy định này và các chỉ đạo của Chính phủ, Việt Nam sẽ sớm có cơ chế để quản lý, ứng xử với bitcoin sao cho phù hợp với xu thế chung của toàn cầu mà vẫn bảo đảm an ninh tiền tệ và sự ổn định của thị trường tài chính.
THÀNH ĐỨC
Theo Báo Kiểm toán số 03 ra ngày 18-01-2018