Nghiêm túc chấn chỉnh những yếu kém trong quản lý văn hóa
Xã hội - Ngày đăng : 13:45, 22/01/2018
(BKTO) - Trong báo cáo công tác của ngành văn hóa, thể thao và du lịch (VH-TT&DL) năm 2017, bên cạnh những điểm sáng, nhiều hạn chế cũng được chỉ ra. Những hạn chế này cần được khắc phục, với tinh thần “kiên quyết chấn chỉnh ngay từ dịp đầu xuân năm mới” theo chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam.
Nhiều tín hiệu tích cực
Tại Hội nghị Tổng kết công tác VH-TT&DL năm 2017 và triển khai nhiệm vụ năm 2018, Thứ trưởng Bộ VH-TT&DL Đặng Thị Bích Liên đã điểm lại những thành tích nổi bật trong năm qua. Cụ thể, du lịch đã có những bước tăng trưởng vượt bậc, đóng góp vào sự tăng trưởng chung của đất nước. Năm 2017, du lịch Việt Nam đón 12,9 triệu lượt khách quốc tế, tăng hơn 2,9 triệu lượt khách, tổng thu từ khách du lịch đạt hơn 510.900 tỷ đồng. Các chỉ tiêu về lượng khách du lịch và tổng thu từ khách du lịch đều tăng trưởng vượt mức kế hoạch đề ra, ngành du lịch liên tục ghi dấn ấn trên bản đồ điểm đến du lịch thế giới.
Cùng với thành công của du lịch, năm 2017, VH-TT cũng đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Trong lĩnh vực văn hóa, công tác bảo vệ và phát huy giá trị di sản đạt được kết quả quan trọng, góp phần hình thành sản phẩm văn hóa, du lịch hấp dẫn, thúc đẩy phát triển du lịch của địa phương và đất nước.
Năm 2017, Nghệ thuật Bài Chòi đã được UNESCO ghi danh tại Danh sách di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, Hát Xoan Phú Thọ đã được UNESCO đưa ra khỏi danh sách Di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp và ghi danh tại Danh sách di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, nâng tổng số di sản được ghi danh là 26 di sản. Lễ hội, từ chỗ là điểm “nóng”, nay đã giảm nhiệt. Tình trạng đổi tiền lẻ, sử dụng linh vật ngoại lai và các hành vi vi phạm thuần phong mỹ tục đã giảm rõ rệt…
Các đội tuyển, vận động viên Việt Nam tham dự và giành nhiều thành tích cao tại giải đấu khu vực và thế giới.
Tập trung khắc phục những điểm yếu
Bên cạnh những kết quả đạt được, báo cáo tổng kết năm 2017 của ngành VH-TT&DL đã chỉ ra nhiều khó khăn, hạn chế tồn tại từ năm này qua năm khác mà chưa được khắc phục. Đồng thời, nhiều vấn đề gây sự quan tâm của dư luận xã hội vừa qua cũng được nhắc đến, như: tình trạng lãng phí trong khai thác bảo tàng; bỏ hoang, sử dụng sai mục đích của các thiết chế văn hóa cơ sở…
Theo Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, những hạn chế này cần được lãnh đạo Bộ VH-TT&DL thẳng thắn nhìn nhận. Việt Nam là một đất nước pháp quyền nên mọi việc phải được giải quyết theo pháp luật; những hành vi vi phạm phải được xử lý nghiêm túc, rõ ràng, dứt khoát…
Tinh thần chỉ đạo của lãnh đạo Chính phủ đã thể hiện sự thẳng thắn, thượng tôn pháp luật cao độ. Tinh thần đó cần phải được lan tỏa, tạo sự chuyển biến trong cách nghĩ, cách làm của cán bộ ngành VH-TT&DL.
Bởi, trên thực tế, nhiều vụ việc vẫn chưa được cán bộ của ngành VH-TT&DL chỉ đạo, xử lý phù hợp, dẫn đến trở thành điểm “nóng”, gây bức xúc trong nhân dân. Điển hình là những chuyện lình xình liên quan đến cấp phép bài hát, cuộc thi sắc đẹp; hay vụ cổ phần hóa (CPH) Hãng Phim truyện Việt Nam mà cơ quan thanh tra đang vào cuộc làm rõ. Từ những ồn ào diễn ra sau quá trình CPH Hãng phim này, dư luận xã hội đều nghi ngại về mục đích thực sự của CPH là gì? Việc CPH đã đảm bảo tính minh bạch, đúng quy định pháp luật và có gây thất thoát tài sản hay không? Hay, DN trong lĩnh vực văn hóa nhưng có biểu hiện thiếu văn hóa, lỗi do đâu?...
Những băn khoăn đó sẽ được cơ quan thanh tra làm rõ. Chỉ có điều, sự việc đã ít nhiều gây ảnh hưởng xấu trong xã hội, giảm lòng tin của nhân dân vào cơ quan quản lý nhà nước. Bởi vậy, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đề nghị, ngành VH-TT&DL cần nhận thức rõ điểm yếu để tập trung khắc phục. “Công tác văn hóa là lâu dài, liên tục nhưng cần được thực hiện với quyết tâm cao hơn, làm sao để đẩy lùi những hạn chế, bất cập, phát huy các giá trị tốt đẹp” - Phó Thủ tướng lưu ý.
NGUYỄN LỘC
Theo Báo Kiểm toán số 03 ra ngày 18-01-2018