Sản xuất công nghiệp tăng mạnh sau khi dịch Covid-19 được kiểm soát
Kinh tế - Ngày đăng : 16:06, 04/05/2022
(BKTO) - Sản xuất công nghiệp tháng 4/2022 ước tính tăng 2% so với tháng trước và tăng 9,4% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 4 tháng đầu năm, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp tăng 7,5% so với cùng kỳ năm trước.
Sản xuất công nghiệp tăng mạnh sau khi dịch Covid-19 được kiểm soát. Ảnh minh họa: nhandan.vn |
Theo lý giải của Tổng cục Thống kê, chỉ số được cải thiện, tăng mạnh so với cùng kỳ năm trước là do dịch Covid-19 đã được kiểm soát, các DN đã chủ động hơn về lao động và kế hoạch sản xuất kinh doanh, khắc phục khó khăn để phục hồi, mở rộng sản xuất.
Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) tháng 4/2022 ước tính tăng 2% so với tháng trước. Trong đó, một số địa phương có quy mô công nghiệp lớn như: Hưng Yên tăng 11,2%; Hải Dương tăng 9,5%; Long An tăng 9%; Bình Dương tăng 7,3%; Bắc Giang tăng 5,5%; Hà Nội và Thái Nguyên cùng tăng 5%; Quảng Ninh tăng 3,7%; Hải Phòng tăng 2,4%; TP.HCM tăng 2%...
IIP tháng 4/2022 tăng 9,4%, so với cùng kỳ năm trước, trong đó, ngành chế biến, chế tạo tăng 11,3% (cao hơn tốc độ tăng 5,8% và 9,6% của cùng kỳ năm 2018 và 2019, những năm chưa có dịch Covid-19); sản xuất và phân phối điện tăng 2,8%; ngành khai khoáng tăng 2,3%; cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 0,4%.
Tính chung 4 tháng đầu năm, IIP ước tính tăng 7,5% so với cùng kỳ năm trước, trong đó, ngành chế biến, chế tạo tăng 8,3%, đóng góp 6,5 điểm phần trăm vào mức tăng chung. Ngành sản xuất và phân phối điện tăng 6,6%, đóng góp 0,6 điểm phần trăm.
Còn ngành khai khoáng tăng 2,6%, đóng góp 0,4 điểm phần trăm. Ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 1,1%, đóng góp 0,02 điểm phần trăm trong mức tăng chung.
Đáng chú ý, chỉ số sản xuất 4 tháng đầu năm 2022 của một số ngành trọng điểm cấp II tăng cao so với cùng kỳ năm trước và có mức tăng cao hơn cùng kỳ năm 2019.
Đơn cử, sản xuất trang phục tăng 20,1%; sản xuất thiết bị điện tăng 19,1%; sản xuất máy móc, thiết bị chưa được phân vào đâu tăng 13,2%; sản xuất sản phẩm từ kim loại đúc sẵn tăng 12,8%, sản xuất da và các sản phẩm liên quan tăng 12,8%; sản xuất thuốc, hóa dược và dược liệu tăng 11,1%...
Tuy nhiên, một số ngành lại có chỉ số IIP giảm, như: sản xuất sản phẩm từ cao su và plastic giảm 12,9%; sửa chữa, bảo dưỡng và lắp đặt máy móc, thiết bị giảm 11,5%; sản xuất than cốc, sản phẩm dầu mỏ tinh chế giảm 8,3%...
Số lao động đang làm việc trong các DN công nghiệp tại thời điểm 01/4/2022 tăng 1,3% so với cùng thời điểm tháng trước và tăng 3,9% so với cùng thời điểm năm trước. Trong đó, lao động khu vực DNNN tăng 0,2% và giảm 3,9%; DN ngoài Nhà nước tăng 1,1% và giảm 2,4%; DN FDI tăng 1,5% và tăng 5,3%. |
QUỲNH ANH