Nâng cao chất lượng kiểm toán hoạt động bảo vệ môi trường tại các khu công nghiệp và khu kinh tế
Hoạt động của Ngành - Ngày đăng : 14:05, 05/05/2022
(BKTO) - Việc xây dựng tài liệu hướng dẫn kiểm toán môi trường tại các khu công nghiệp (KCN) và khu kinh tế (KKT) là một yêu cầu cấp thiết nhằm nâng cao chất lượng hoạt động kiểm toán, phù hợp với thông lệ quốc tế và bối cảnh Việt Nam, từ đó tăng cường công tác bảo vệ môi trường (BVMT) tại các KCN, KKT hiệu quả hơn.
Ban chủ nhiệm Đề tài trình bày kết quả nghiên cứu. Ảnh: Nguyễn Ly |
Chiều 04/5, Hội đồng khoa học KTNN đã tổ chức nghiệm thu Đề tài nghiên cứu khoa học cấp cơ sở “Hoàn thiện công tác kiểm toán hoạt động bảo vệ môi trường tại các KCN và KKT” do CN. Đỗ Anh Duy và ThS. Lê Hoài Phương đồng chủ nhiệm. TS. Vũ Thanh Hải - Vụ trưởng Vụ Pháp chế - làm Chủ tịch Hội đồng nghiệm thu.
Theo Ban chủ nhiệm Đề tài, báo cáo của Bộ Tài nguyên và Môi trường cho thấy, số nhà máy xử lý nước thải trong KCN mới đạt 87%, thấp hơn so với chỉ tiêu đặt ra năm 2020 là 100%.
Một số ngành công nghiệp như hóa chất, phân bón, khai thác chế biến khoáng sản có lượng nước thải lớn chứa nhiều yếu tố độc hại được thải trực tiếp ra các con sông, ao hồ mà chưa qua xử lý đảm bảo quy chuẩn, làm ô nhiễm nguồn nước.
Phương án xử lý rác thải công nghiệp chưa tốt, xử lý và tiêu hủy không an toàn. Chất thải được tạm giữ tại các cơ sở hoặc bán lại cho các điểm tái chế không đảm bảo yêu cầu, hoặc mang chôn lấp chung với rác sinh hoạt tại bãi rác tập trung.
Khí thải tại các KCN gồm cả bụi và khói thải do đốt nhiên liệu và không có thiết bị xử lý khí thải tại nguồn. Hệ thống công viên tập trung, hồ điều hòa, cây xanh cách ly, chủng loại cây bố trí trong KCN, nhà máy chưa hợp lý, hạn chế tác dụng điều hòa không khí và cảnh quan.
Việc giảm thiểu ảnh hưởng của ô nhiễm môi trường công nghiệp tới sức khỏe người dân và hướng tới phát triển bền vững (PTBV) đòi hỏi phải có những giải pháp đồng bộ từ Trung ương đến địa phương cũng như sự hợp tác của nhiều Bộ, ngành.
Thời gian qua, KTNN đã đóng góp vào công tác BVMT qua các hoạt động hợp tác quốc tế và kiểm toán. Trong đó, cuộc kiểm toán chuyên đề môi trường về “Hoạt động quản lý môi trường tại các KKT và KCN” được xem là cần thiết nhằm giúp Quốc hội và Chính phủ kiểm tra, kiểm soát và giám sát công tác quản lý và BVMT của các cơ quan quản lý chức năng; phát hiện những bất cập, hạn chế trong cơ chế chính sách; đưa ra những kiến nghị, biện pháp khắc phục phù hợp để chấn chỉnh, đảm bảo kỷ luật, kỷ cương, minh bạch hóa, góp phần nâng cao tính kinh tế, hiệu lực, hiệu quả và trách nhiệm giải trình trong công tác quản lý BVMT, hướng tới PTBV.
Vấn đề đang được đặt ra đối với các đơn vị thực hiện kiểm toán môi trường trong KTNN là tìm ra phương pháp tiếp cận, xác định được nội dung, trọng tâm kiểm toán và đánh giá được các tiêu chí kiểm toán dựa trên quy trình kiểm toán môi trường đã được ban hành. Tuy nhiên, thực tế cho thấy kiểm toán môi trường trong những năm gần đây còn gặp nhiều khó khăn.
Cụ thể, hệ thống cơ chế, chính sách cũng như quy định, tiêu chuẩn về BVMT trong KKT, KCN còn chưa đầy đủ và thống nhất; thiếu sự phối hợp giữa các cơ quan quản lý nhà nước có liên quan; chưa có những quy định hoặc hướng dẫn liên quan đến kế toán môi trường. Vì vậy, thông tin phục vụ cho kiểm toán môi trường bị hạn chế…
Hơn nữa, giới hạn về thời gian thực hiện kiểm toán, nhân lực và những khó khăn trong công tác thu thập số liệu (số liệu nằm ở nhiều đơn vị, cơ chế phối hợp không tốt giữa các đơn vị quản lý nhà nước) đòi hỏi kiểm toán viên cần có những bước chuẩn bị kỹ lưỡng ngay từ khâu lập kế hoạch kiểm toán.
Do vậy, việc xây dựng tài liệu hướng dẫn kiểm toán môi trường tại các KCN và KKT là một yêu cầu rất cấp thiết nhằm nâng cao chất lượng hoạt động kiểm toán, từ đó triển khai thực hiện công tác BVMT tại các KCN, KKT hiệu quả hơn.
Hội đồng nghiệm thu đánh giá cao nỗ lực nghiên cứu |
Đánh giá cao nỗ lực nghiên cứu của Ban chủ nhiệm Đề tài, các thành viên trong Hội đồng nghiệm thu cho rằng, kiểm toán môi trường là lĩnh vực mới và khó, yêu cầu kỹ năng chuyên môn nghề nghiệp và tính định hướng vĩ mô rất cao. Đơn vị kiểm toán ngoài những kỹ năng còn cần hiểu biết sâu sắc các vấn đề môi trường, từ chính sách, chiến lược của quốc gia cho đến các điều ước và công ước quốc tế về môi trường mà quốc gia đã tham gia và các vấn đề liên quan đến kỹ thuật trong lĩnh vực môi trường. Do đó, việc lựa chọn Đề tài nghiên cứu là cần thiết trước yêu cầu thực tiễn của KTNN.
Kết quả nghiên cứu cho thấy Đề tài có giá trị cả về mặt khoa học và thực tiễn. Đề tài đã phân tích thực trạng kiểm toán môi trường tại các KCN, KKT của KTNN trong thời gian vừa qua, đúc rút bài học kinh nghiệm và các định hướng, giải pháp. Ngoài ra, Đề tài đưa ra các nội dung không trùng lặp với các nghiên cứu sẵn có, vấn đề mới, có tính thực tiễn.
Bên cạnh nội dung nghiên cứu chính, Đề tài còn bao gồm phụ lục hướng dẫn kiểm toán hoạt động quản lý môi trường tại các KCN, KKT với mục tiêu tổng quát, nội dung kiểm toán, tiêu chí kiểm toán và các thủ tục kiểm toán bao gồm thu thập tài liệu, hướng dẫn kiểm toán và các vấn đề cần lưu ý. Đây là tài liệu rất hữu ích cho KTNN trong việc nghiên cứu, ban hành các quy trình, hướng dẫn về kiểm toán môi trường và là nguồn tài liệu để kiểm toán viên nhà nước nghiên cứu khi kiểm toán môi trường.
Để Đề tài được hoàn thiện hơn, Hội đồng nghiệm thu đề nghị Ban đề tài bổ sung một số vấn đề sau: Phân nhóm các hạn chế, bất cập trong công tác quản lý, BVMT theo từng nhóm như: Công tác ban hành văn bản pháp luật, thanh tra, kiểm tra, báo cáo, cấp phép, vận hành xây dựng các công trình BVMT… để thuận lợi cho công tác theo dõi, đánh giá, so sánh; phân tích các tác động của kết quả, kiến nghị kiểm toán; bổ sung thêm kinh nghiệm quốc tế để làm phong phú cho Đề tài và là tiền đề cho các giải pháp, kiến nghị...
Hội đồng nghiệm thu thống nhất đánh giá Đề tài xếp loại Khá.
THÙY LÊ
Ngoài phần Mở đầu, Mục lục, Kết luận, Tài liệu tham khảo, Đề tài nghiên cứu khoa học cấp cơ sở “Hoàn thiện công tác kiểm toán hoạt động bảo vệ môi trường tại các KCN và KKT” gồm 2 chương: Chương I - Tổng quan về kiểm toán môi trường và thực trạng công tác kiểm toán môi trường tại Việt Nam; Chương II - Hoàn thiện công tác kiểm toán hoạt động bảo vệ môi trường tại các KCN, KKT. |