6 năm thi hành Luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước: Chưa đủ sức răn đe với cán bộ thực thi sai công vụ
Đối nội - Ngày đăng : 17:15, 14/01/2016
(BKTO) - Qua 6 năm thi hành Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước (gọi tắt là TNBTCNN), Nhà nước phải bỏ ra khoản tiền bồi thường cho người bị thiệt hại trên 111 tỷ đồng. Tuy nhiên, số tiền cán bộ, công chức làm sai chỉ phải hoàn trả 676 triệu đồng. Những quy định của Luật được cho là chưa đủ sức răn đe đối với cán bộ thực thi sai công vụ, đồng thời gây thiệt hại lớn cho ngân sách.
Các cơ quan tố tụng tổ chức buổixin lỗi công khai ông Huỳnh Văn Nén (tỉnh Bình Thuận). Ảnh: TK
Trên 111 tỷ đồng bồi thường cho người bị oan sai
Đây là con số được Bộ Tư pháp đưa ra tại Hội nghị tổng kết 6 năm thực hiện Luật TNBTCNN tổ chức mới đây tại Hà Nội. Theo đó, tính từ 01/01/2010 (thời điểm Luật có hiệu lực) đến 31/12/2015 các cơ quan có trách nhiệm đã thụ lý giải quyết 258 vụ việc yêu cầu bồi thường thiệt hại, trong đó đã giải quyết được 204 vụ việc (đạt 79%) với tổng số tiền bồi thường trên 111,149 tỷ đồng. Những con số này được cho là vẫn chưa phản ánh đúng tình hình thực thi pháp luật cũng như tình trạng oan sai hiện nay. Ngoài ra, Tòa án nhân dân các cấp đã thụ lý 51 vụ án dân sự về bồi thường Nhà nước. Đây là các vụ việc người bị thiệt hại không đồng ý với quyết định giải quyết bồi thường của cơ quan có trách nhiệm bồi thường Nhà nước và khởi kiện yêu cầu Tòa án giải quyết bồi thường. Đến nay đã giải quyết xong 39 vụ việc, với số tiền trên 32,5 tỷ đồng; còn 12 vụ việc đang giải quyết.
Nhiều ý kiến cho rằng, dù Luật TNBTCNN đã đi vào cuộc sống nhưng quy trình thủ tục thực hiện bồi thường Nhà nước vẫn còn rườm rà, vòng vèo từ khi có phán quyết của Tòa án cho đến khi người bị oan sai nhận được tiền. Mặt khác, Luật TNBTCNN yêu cầu người bị hại phải chứng minh được thiệt hại xảy ra để xác định mức bồi thường. Vì vậy, hầu hết các vụ việc đều quá thời hạn theo Luật định (30 ngày). Điển hình như trường hợp ông Lương Ngọc Phi (Thái Bình) được Tòa phán quyết nhận bồi thường gần 23 tỷ đồng, nhưng nhiều năm qua vẫn chưa được giải quyết.
Để khắc phục những bất cập này, nhiều ý kiến cho rằng cần sớm sửa đổi, bổ sung Luật TNBTCNN theo hướng thống nhất một cơ quan giải quyết bồi thường, thay vì quy định cơ quan có trách nhiệm bồi thường là cơ quan trực tiếp quản lý người thi hành công vụ gây ra thiệt hại theo Luật hiện hành, dẫn đến TNBTCNN bị phân tán ở cơ quan Nhà nước các cấp. Trách nhiệm chứng minh thiệt hại cần chuyển sang cho Nhà nước để giảm bớt gánh nặng cho người dân. Ngoài ra, cần sớm thành lập Quỹ Bồi thường Nhà nước từ việc trích một phần tiền xử lý vi phạm hành chính và từ NSNN, để chủ động nguồn kinh phí bồi thường. Các cơ quan Tài chính, Kiểm toán Nhà nước sẽ thực hiện giám sát Quỹ theo quy định của pháp luật... Có như vậy, việc chi trả tiền bồi thường cho người bị thiệt hại mới nhanh chóng, kịp thời, đồng thời tạo sự khách quan, minh bạch, tránh lạm dụng trong quản lý Quỹ.
Cần có chế tài đủ mạnh đối với người thi hành sai công vụ
Một con số đáng chú ý là trong 6 năm qua chỉ có 22 vụ việc được xem xét trách nhiệm hoàn trả của cán bộ thực thi sai công vụ, với tổng số tiền gần 677 triệu đồng, chỉ chiếm một phần rất nhỏ so với số tiền ngân sách đã phải bỏ ra. Quy định hiện nay của Luật TNBTCNN về những cán bộ, công chức để xảy ra sai phạm dẫn đến phải bồi thường đã có nhưng theo Bộ Tư pháp, những chế tài này chưa đủ mạnh để nâng cao hiệu quả trách nhiệm thi hành công vụ. Mặt khác, việc xem xét trách nhiệm hoàn trả của người thi hành công vụ để xảy ra sai phạm chưa thực sự được các cơ quan, đơn vị nghiêm túc thực hiện...
Lý giải thêm về bất cập này, Phó Cục trưởng Cục Bồi thường nhà nước (Bộ Tư pháp) Nguyễn Thị Tố Hằng, cho rằng, việc hoàn trả tiền bồi thường thấp xuất phát từ quy định của pháp luật là chính. Theo bà Hằng, mức hoàn trả kinh phí được quy định tại Nghị định số 16/2010/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật TNBTCNN nêu rõ: Nếu xác định người thi hành công vụ có lỗi vô ý thì mức hoàn trả tối đa là 3 tháng lương, còn trường hợp có lỗi cố ý nhưng chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự, mức hoàn trả tối đa là 36 tháng lương. Kể cả mức bồi hoàn tối đa cũng chưa bù đắp được hậu quả do cán bộ thực thi sai phạm gây ra và không đủ sức răn đe.
Theo ông Hoàng Thái Sơn - Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Tài chính), việc quy định lỗi cố ý hay vô ý trong Luật cũng không rõ ràng, nên hầu hết các hành vi vi phạm đều được quy vào trường hợp vô ý(!?) Nhiều vụ việc gây hậu quả rất lớn, nhưng lại kết luận lỗi vô ý, dẫn đến trách nhiệm bồi hoàn chưa tương xứng, trong khi đó NSNN phải bỏ ra số tiền lớn để chi trả cho sai sót của các cán bộ thực thi công vụ. Ngay cả những vụ việc gây sự quan tâm của dư luận như trường hợp các ông Lương Ngọc Phi (Thái Bình), Nguyễn Thanh Chấn (Bắc Giang), Huỳnh Văn Nén (Bình Thuận), rất có thể NSNN sẽ phải chi trả toàn bộ số tiền bồi thường, nếu không chứng minh được lỗi cố ý của người thi hành công vụ. Từ trước đến nay cũng chưa có vụ án nào được Tòa án kết luận người thi hành công vụ cố ý làm sai!
Trao đổi về vấn đề sửa Luật TNBTCNN nhằm tháo gỡ những vướng mắc nêu trên, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Khánh Ngọc cho rằng, Luật mới cũng sẽ bổ sung chặt chẽ hơn với trường hợp lỗi dù vô ý, hay cố ý, tránh “đánh bùn sang ao”, cán bộ gây lỗi, nhưng đổ thừa do vô ý để trốn tránh bồi thường. Cụ thể, với trường hợp lỗi vô ý, ngoài trách nhiệm bồi hoàn, cán bộ đó sẽ bị xác định là có năng lực chuyên môn yếu kém, phải tạm dừng công tác để đào tạo, nâng cao năng lực, nghiệp vụ... Hiện, Luật sửa đổi, bổ sung Luật TNBTCNN đang được triển khai xây dựng, dự kiến sẽ được trình Quốc hội vào tháng 10/2016.
NGUYỄN LỘC