Đưa sinh vật cảnh trở thành ngành kinh tế sinh thái, góp phần phát triển kinh tế - xã hội

Chính trị - Ngày đăng : 09:35, 08/05/2022

(BKTO) - Ngày 06/5, tại Hà Nội, Đại hội đại biểu Hội Sinh vật cảnh Việt Nam khóa VII, nhiệm kỳ 2022-2026 đã được tổ chức thành công tốt đẹp. Nhân dịp này, TS. Nguyễn Hữu Vạn - Chủ tịch Hội Sinh vật cảnh Việt Nam khóa VII đã có những chia sẻ với Báo Kiểm toán về hoạt động của Hội trong nhiệm kỳ vừa qua, cũng như những định hướng, giải pháp để đưa sinh vật cảnh trở thành ngành kinh tế mũi nhọn trong thời gian tới.



                
   

TS. Nguyễn Hữu Vạn - nguyên Tổng Kiểm toán nhà nước được Đại hội tín nhiệm bầu giữ chức Chủ tịch Hội Sinh vật cảnh Việt Nam khóa VII.
   Ảnh: N.LỘC

   

Thưa ông, xin ông có thể cho biết những hoạt động nổi bật của Hội Sinh vật cảnh trong nhiệm kỳ vừa qua?

Trước hết, hoạt động của Hội nhiệm kỳ vừa qua diễn ra trong bối cảnh đầy khó khăn, thách thức. Đầu nhiệm kỳ chịu ảnh hưởng của hậu khủng hoảng kinh tế thế giới với nền kinh tế đất nước và sản xuất nông nghiệp, sinh vật cảnh. Hai năm cuối nhiệm kỳ, cả nước vừa khắc phục những thiệt hại nặng nề của nhiều cơn bão, lũ lớn, vừa phải gồng mình hứng chịu sự tàn phá khốc liệt và dai dẳng của đại dịch Covid-19.

Nhiều thời điểm thực hiện giãn cách xã hội, ưu tiên “chống dịch như chống giặc”, hoạt động sinh vật cảnh cũng chịu tác động lớn; nhiều sự kiện bị hoãn, hủy, sản phẩm tồn đọng, thiếu điều kiện chăm sóc; đời sống vật chất, tinh thần, việc làm, thu nhập của hội viên rất khó khăn...

Trong bối cảnh đó, Ban Thường vụ Hội đã triển khai các giải pháp phù hợp để duy trì hoạt động của Hội; cùng hội viên triển khai linh hoạt các hoạt động, từng bước tháo gỡ khó khăn trong sản xuất. Đặc biệt, Hội đã tích cực vận động các tổ chức, cơ sở đào tạo, DN trở thành hội thành viên, đơn vị liên kết của Hội.

Đến cuối năm 2021 đã có trên 250.000 hội viên cá nhân. Hội viên tổ chức, ngoài 08 đơn vị trực thuộc Hội, ở các địa phương đã có 90,48% tỉnh, thành phố, 52,4% huyện, thị, 36% số xã, phường, thị trấn có tổ chức Hội; 262 đơn vị trực thuộc cấp tỉnh, huyện; trên 3.490 chi hội cơ sở; trên 400 Câu lạc bộ chuyên ngành; hơn 4.600 DN, hợp tác xã; hơn 11.000 nhà vườn…
                
   

Vượt qua khó khăn, nhiều cá nhân, cấp hội đã được ghi nhận, đánh giá cao về thành tích đạt được. Ảnh: N.LỘC

   

Dù gặp nhiều khó khăn, Hội vẫn tổ chức thành công một số sự kiện có quy mô lớn. Năm 2018, Hội phối hợp với Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch tổ chức thành công Triển lãm Sinh vật cảnh toàn quốc. Tháng 11/2019, Hội chủ trì, tổ chức thành công Festival Bonsai & Suiseki châu Á - Thái Bình Dương lần thứ 15.

Thông qua hoạt động triển lãm, trưng bày, Hội đã có cơ hội gặp gỡ, giao lưu, trao đổi kinh nghiệm, khẳng định vị thế của Hội, tiềm năng sinh vật cảnh của Việt Nam với khu vực Đông Nam Á, châu Á - Thái Bình Dương và thế giới.

Nhờ những cố gắng, thành tích hoạt động trên mọi lĩnh vực, Hội đã được lãnh đạo Đảng, Nhà nước ghi nhận đánh giá cao, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các Bộ, ngành Trung ương tặng nhiều bằng khen và phần thưởng cao quý khác.

Ông có thể chia sẻ thêm về việc thực hiện mục tiêu đưa sinh vật cảnh trở thành ngành kinh tế đã và đang được Hội triển khai trong toàn hệ thống?

Sản phẩm sinh vật cảnh có mặt khắp mọi nơi, từ thành thị đến nông thôn, từ không gian rộng lớn của các công trình văn hóa, khuôn viên, đến từng gia đình, nơi công sở. Các hoạt động sản xuất, kinh doanh sinh vật cảnh không còn đơn thuần là thú chơi, nặng ý nghĩa văn hóa, tinh thần, mà còn mang lại hiệu quả kinh tế cao, đóng góp ngày càng lớn về giá trị kinh tế, dần trở thành ngành kinh tế sinh thái, góp phần phát triển kinh tế - xã hội.

Để thực hiện đưa sinh vật cảnh thành ngành kinh tế sinh thái, nhiều chính sách về nông nghiệp được ban hành, trong đó có những quy định hướng đến phát triển sinh vật cảnh trở thành ngành kinh tế; từng bước gắn hoạt động sinh vật cảnh với phong trào xây dựng nông thôn mới...

Triển khai thực hiện các chính sách phát triển ngành nghề nông nghiệp, nông thôn và sinh vật cảnh, Hội đã chủ động đề xuất, tiến hành ký kết, triển khai thực hiện có hiệu quả “Chương trình phối hợp hoạt động” với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trọng tâm là xây dựng ngành kinh tế sinh vật cảnh.

Hội cũng chủ động chỉ đạo, hướng dẫn các tổ chức Hội đề xuất nội dung, tham gia các hoạt động nhằm khẳng định vị thế, phát triển sinh vật cảnh, triển khai một số đề án phát triển hoa cảnh, cây cảnh, bảo tồn, phát triển nghề, làng nghề truyền thống, xây dựng nông thôn mới, chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp...

Trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, nhiều địa phương đã xác định mũi nhọn, trọng điểm là khai thác tiềm năng, thế mạnh sinh vật cảnh, phát triển nghề và làng nghề truyền thống gắn với du lịch, dịch vụ. Sinh vật cảnh không chỉ làm đẹp, xanh, sạch môi trường, mà đã thực sự mang lại những lợi ích to lớn về kinh tế.

Đến năm 2021, cả nước có trên 45.000 ha hoa, cây cảnh, thu nhập bình quân trên 500 triệu đồng/ha/năm; giá trị sản lượng đạt 23.400 tỷ đồng/năm; giá trị xuất khẩu gần 80 triệu USD/năm. Nhiều mô hình sản xuất hoa, cây cảnh đạt từ 1,5 đến trên 3,0 tỷ đồng/ha/năm.

Trong thời gian tới, Hội sẽ có những định hướng, nhiệm vụ trọng tâm nào để thúc đẩy việc thực hiện mục tiêu đưa sinh vật cảnh trở thành ngành kinh tế, thưa ông?

Thời gian tới, Hội sẽ thường xuyên chỉ đạo, làm tốt nhiệm vụ tuyên truyền, vận động các tổ chức Hội, hội viên, vừa phát triển tổ chức rộng lớn, vừa chú trọng nâng cao chất lượng, hình thức hoạt động phù hợp, hiệu quả, tạo phong trào sinh vật cảnh phát triển toàn diện, bền vững, lành mạnh. Đây là yêu cầu cơ bản để tiến đến phát triển sinh vật cảnh lan tỏa trên phạm vi toàn quốc.

Đồng thời, Hội sẽ bám sát triển khai, thực hiện các cơ chế, chính sách của Nhà nước về phát triển nông nghiệp, nông thôn, kinh tế sinh vật cảnh. Chủ động, tích cực phối hợp thực hiện Chương trình phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Đề xuất, phối hợp xây dựng nội dung, đề án hoạt động, chương trình hợp tác với các Bộ, ngành, cơ sở đào tạo, đơn vị liên kết nhằm phục vụ mục tiêu phát triển toàn diện phong trào sinh vật cảnh, đưa sinh vật cảnh trở thành ngành kinh tế.
                
   

Sinh vật cảnh hướng đến trở thành ngành kinh tế, mang lại giá trị kinh tế cao. Ảnh: N.LỘC

   

Bên cạnh đó, Hội sẽ tích cực mở rộng hoạt động liên kết, hợp tác với các tổ chức, cơ sở, DN, hội viên liên kết. Tạo điều kiện thuận lợi cho các Hội thành viên, đơn vị trực thuộc thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế sinh vật cảnh; xây dựng, nhân rộng các mô hình sản xuất, kinh doanh, nhà vườn, làng nghề sinh vật cảnh.

Trong đó, Hội sẽ chú trọng xây dựng, phát triển đội ngũ nghệ nhân, doanh nhân, nhà vườn tiêu biểu. Hợp tác, tranh thủ đội ngũ các nhà khoa học tham gia các hoạt động của Hội với tư cách chuyên gia, tư vấn, xây dựng chiến lược, tăng cường ứng dụng, chuyển giao khoa học, kỹ thuật, xây dựng các mô hình sản xuất, kinh doanh sinh vật cảnh hiệu quả.

Tập trung, huy động các tiềm năng, nguồn lực của các cá nhân, tổ chức thành viên của Hội để thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế sinh vật cảnh – ngành kinh tế sinh thái, đặc hữu, có giá trị cao. Hình thành, phát triển các vùng chuyên canh sản xuất, kinh doanh hoa cảnh, cây cảnh cho giá trị kinh tế cao.

Hình thành một số cơ sở, thiết chế văn hoá – kinh tế sinh vật cảnh như các mô hình sản xuất, kinh doanh, nhà vườn, làng nghề sinh vật cảnh gắn với du lịch, dịch vụ. Phát triển các cơ sở dịch vụ sinh vật cảnh cung cấp giống, phân bón, thuốc trừ sâu, bệnh; các dịch vụ đi kèm sản phẩm sinh vật cảnh. Đồng thời, phát triển sinh vật cảnh hữu cơ, sinh vật cảnh phát triển bền vững gắn với bảo vệ môi trường sinh thái.

Xin trân trọng cảm ơn ông!
NGUYỄN LỘC (thực hiện)