Nâng cao năng lực ứng phó với hành vi tiêu cực trong hoạt động kiểm toán

Hoạt động của Ngành - Ngày đăng : 19:05, 10/05/2022

(BKTO) - Chiều 10/5, tại Hà Nội, Hội đồng khoa học KTNN đã nghiệm thu Đề tài nghiên cứu khoa học cấp Cơ sở: "Nâng cao năng lực ứng phó với hành vi tiêu cực trong hoạt động kiểm toán của KTNN". Giám đốc Trường Đào tạo và Bồi dưỡng Nghiệp vụ Kiểm toán - ThS. Trần Kim Lộc - làm Chủ tịch Hội đồng.


                
   

ThS. Nguyễn Anh Phương (người đứng) đại diện Ban Đề tài trình bày kết quả nghiên cứu. Ảnh: HỒNG NHUNG

   

Đề tài do ThS. Nguyễn Anh Phương - Trường Đào tạo và Bồi dưỡng Nghiệp vụ Kiểm toán và CN. Nguyễn Thành Trung - KTNN khu vực XI - đồng chủ nhiệm.

Theo Ban Đề tài, mỗi nghề nghiệp thường có một chuẩn mực đạo đức riêng biệt. Đối với KTNN, Bộ quy tắc đạo đức nghề nghiệp được Tổng Kiểm toán nhà nước ban hành tại Quyết định số 02/2016/QĐ-KTNN ngày 15/7/2016 - Chuẩn mực kiểm toán số 30, trong đó nêu rõ hành vi đạo đức của kiểm toán viên nhà nước (KTVNN) là một trong những điều kiện quan trọng để đảm bảo uy tín của KTNN.

Đạo đức nghề nghiệp của KTVNN là một trong những điều kiện quan trọng để KTNN hoạt động đúng chức năng, nhiệm vụ "đánh giá, xác nhận, kết luận và kiến nghị đối với việc quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công", góp phần đưa KTNN trở thành công cụ hữu hiệu của Đảng, Nhà nước trong kiểm tra tài chính công, tài sản công và thực hiện phòng, chống tham nhũng tích cực, trách nhiệm.

Bất kỳ vi phạm về tư cách đạo đức nghề nghiệp trong thực thi công vụ hay bất kỳ một thái độ cư xử chưa thỏa đáng trong cuộc sống cá nhân của KTVNN cũng ảnh hưởng tiêu cực đến tính liêm chính, chất lượng và hiệu lực của hoạt động kiểm toán; ảnh hưởng đến uy tín về năng lực và độ tin cậy của KTNN. Vì vậy, việc tuân thủ và áp dụng những quy định về đạo đức đối với các KTVNN sẽ làm tăng uy tín và độ tin cậy của KTVNN và KTNN, quyết định đến sự tồn tại và phát triển của KTNN.

Qua thực tiễn gần 30 năm thành lập và phát triển của KTNN, đa phần các kiểm toán viên luôn có tinh thần, trách nhiệm, ý thức giữ vững đạo đức, phẩm chất của người KTVNN, có lối sống lành mạnh, tận tụy trong công việc, luôn đấu tranh với những tư tưởng, hành vi tiêu cực, góp phần xây dựng KTVNN "nghệ tinh, tâm sáng" để nâng cao vị thế của KTNN.

Tuy nhiên, thực tiễn hoạt động kiểm toán cũng đòi hỏi KTVNN phải chủ động và phát huy hết khả năng trong công việc được giao; tích cực rèn luyện, nêu cao ý thức, tinh thần trách nhiệm hơn nữa trong quá trình thực thi nhiệm vụ...

Vì vậy, việc lựa chọn Đề tài không những có ý nghĩa về mặt lý luận mà còn có giá trị thực tiễn, góp phần nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động kiểm toán của KTNN, góp phần xác định các giải pháp nhằm thực hiện thành công Chiến lược phát triển KTNN đến năm 2030.

Đồng thời, việc nghiên cứu Đề tài cũng sẽ góp phần quan trọng vào sự phát triển ổn định, bền vững, minh bạch nền tài chính quốc gia, nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn lực đất nước và phòng, chống tham nhũng, lãng phí; nâng cao trách nhiệm giải trình, công khai, minh bạch, bảo vệ pháp luật, sự liêm chính, giữ vững niềm tin của nhân dân đối với Đảng và Nhà nước.

Đề tài được kết cấu thành 2 chương: Chương 1: Tổng quan về đạo đức nghề nghiệp và hành vi tiêu cực trong hoạt động kiểm toán, kết quả đạt được của công tác ứng phó với hành vi tiêu cực trong hoạt động kiểm toán của KTNN; Chương 2: Giải pháp nâng cao năng lực ứng phó với hành vi tiêu cực trong hoạt động kiểm toán.
                
   

TS. Vũ Thanh Hải - Vụ trưởng Vụ Pháp chế, KTNN (người đứng) - góp ý cho Ban Đề tài. Ảnh: HỒNG NHUNG

   

Tại buổi nghiệm thu, các thành viên Hội đồng đánh giá Đề tài có tính mới và thật sự cần thiết trong giai đoạn hiện nay, đặc biệt có ý nghĩa lý luận, khoa học và thực tiễn cao. Trong đó, Đề tài đã đưa ra được các giải pháp nâng cao năng lực ứng phó với hành vi tiêu cực trong hoạt động kiểm toán.

Đây có thể coi là thành công của Đề tài, có giá trị tham khảo quan trọng trong xây dựng chiến lược, lộ trình đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng ứng phó, bản lĩnh và đạo đức nghề nghiệp của KTVNN trong quá trình thực hiện kiểm toán.

Với mong muốn Đề tài hoàn thiện hơn, các thành viên Hội đồng nghiệm thu đề nghị Ban Đề tài rà soát lại phạm vi nghiên cứu về thời gian để đảm bảo tính thống nhất; làm rõ nội hàm 2 khái niệm "hành vi tiêu cực trong hoạt động kiểm toán" và "năng lực ứng phó với hành vi tiêu cực trong hoạt động kiểm toán" để xác định rõ hơn đối tượng, phạm vi nghiên cứu; bổ sung các Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI, XII) quy định về trách nhiệm nêu gương của đảng viên.

Bên cạnh đó, làm rõ công tác ban hành các quy định của KTNN liên quan đến ứng phó với hành vi tiêu cực trong hoạt động kiểm toán có khó khăn gì để phù hợp với giải pháp ở Chương 2; nghiên cứu kinh nghiệm của một số Bộ, ngành có tính chất hoạt động tương tự như KTNN để tăng tính khả thi của các giải pháp; bổ sung bài học cho KTNN Việt Nam từ các kinh nghiệm quốc tế…
                
   

Chủ tịch Hội đồng nghiệm thu Trần Kim Lộc (người đứng) đánh giá cao giá trị lý luận và thực tiễn của Đề tài. Ảnh: HỒNG NHUNG

   

Kết luận buổi nghiệm thu, Chủ tịch Hội đồng Trần Kim Lộc đánh giá Đề tài được nghiên cứu công phu, nghiêm túc, có giá trị lý luận và thực tiễn cao. Chủ tịch Hội đồng đề nghị Ban Đề tài tiếp thu tối đa các ý kiến góp ý để chỉnh sửa, hoàn thiện; trong đó lưu ý rà soát các đánh giá thực trạng cho đầy đủ và toàn diện hơn; bổ sung hướng xử lý các hành vi tiêu cực; các giải pháp cần gắn chặt với thực trạng và bài học rút ra.

Đề tài được Hội đồng nghiệm thu xếp loại Khá./.

HỒNG NHUNG