Siết chặt quản lý, nâng cao chất lượng xuất khẩu lao động
Xã hội - Ngày đăng : 08:35, 30/01/2018
(BKTO) - Năm 2017, xuất khẩu lao động (XKLĐ) tiếp tục đạt kỷ lục và là 1 trong 10 thành tựu nổi bật của ngành lao động - thương binh và xã hội (LĐ-TB&XH). Cùng với nỗ lực gia tăng số lượng lao động đi làm việc ở nước ngoài, cơ quan quản lý nhà nước cũng đã tích cực chấn chỉnh hoạt động XKLĐ của DN.
Xuất khẩu lao động vượt mức đề ra 4 năm liền
Báo cáo của Bộ LĐ-TB&XH tại Hội nghị Tổng kết công tác Lao động - Người có công và Xã hội năm 2017 nêu rõ: Trong năm qua, có 134.751 lao động Việt Nam được đưa đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, vượt 28,3% so với kế hoạch năm và bằng 106,7% so với tổng số lao động đi xuất khẩu trong năm 2016. Đây là năm thứ tư liên tiếp số người đi làm việc ở nước ngoài vượt mức 100.000 lao động/năm.
Năm qua, một số thị trường XKLĐ chính tiếp tục có nhu cầu tuyển dụng cao như: Đài Loan, Nhật Bản. Riêng thị trường Nhật Bản, nhu cầu tiếp nhận lao động Việt Nam ngày càng tăng, đa dạng về ngành nghề. Một số thị trường có nhu cầu tuyển dụng các nhóm ngành nghề mới như: điều dưỡng, hộ lý và lao động trong các lĩnh vực nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, lao động có tay nghề, kỹ thuật cao. Đây là cơ hội cho người lao động Việt Nam khi lựa chọn phương án đi làm việc ở nước ngoài.
Bên cạnh đó, nhiều DN hoạt động trong lĩnh vực XKLĐ đã và đang từng bước chủ động tìm kiếm, phát triển thị trường lao động ngoài nước.
Đồng thời, họ cũng quan tâm đầu tư bài bản vào công tác đào tạo nguồn, rèn luyện tay nghề, ngoại ngữ trước khi xuất cảnh, cũng như tác phong, kỷ luật và ý thức chấp hành pháp luật cho lao động khi làm việc ở nước ngoài. Các DN đã chú trọng đầu tư nhiều hơn vào việc nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, nhân viên trực tiếp làm công tác XKLĐ. Đây là những tín hiệu tích cực trong việc giữ vững, phát triển thị trường truyền thống và mở rộng, phát triển thị trường lao động ngoài nước mới.
Cải tổ công tác xuất khẩu lao động
Bên cạnh những kết quả đạt được, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Doãn Mậu Diệp cũng thẳng thắn thừa nhận những hạn chế trong lĩnh vực XKLĐ. Đó là, người lao động còn yếu về ngoại ngữ, tay nghề chưa phù hợp yêu cầu của thị trường, chưa quen tác phong làm việc công nghiệp. Đáng lưu ý, hàng loạt sai phạm của DN liên quan đến việc đưa người Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài đã gây bức xúc trong dư luận, xâm hại quyền lợi của người lao động và ảnh hưởng xấu đến lĩnh vực XKLĐ.
Điển hình như tình trạng cạnh tranh không lành mạnh, giành hợp đồng cung ứng lao động giữa các DN cả trong và ngoài nước dẫn đến giảm quyền lợi, tăng chi phí đóng góp của người lao động; DN được cấp phép hoạt động nhưng không trực tiếp khai thác, tìm kiếm hợp đồng cung ứng lao động…
Trước thực trạng trên, cơ quan quản lý nhà nước đã vào cuộc quyết liệt, mạnh mẽ nhằm chấn chỉnh kịp thời. Năm qua, đã có 50 DN bị xử phạt; trong đó, 46 DN bị rút giấy phép hoạt động - mức xử phạt vi phạm hành chính cao nhất từ trước đến nay.
Năm 2018, Việt Nam phấn đấu đưa 110.000 lao động ra nước ngoài làm việc. Đây cũng chính là mục tiêu được Bộ LĐ-TB&XH đặt ra đến năm 2020, với 100.000-120.000 lao động đi làm việc ở nước ngoài/năm, trong đó có khoảng 80% lao động được đào tạo.
Để hoàn thành mục tiêu này và nâng cao chất lượng XKLĐ, tới đây, Bộ LĐ-TB&XH sẽ quyết liệt triển khai các biện pháp cải tổ công tác XKLĐ. Trong đó, nhiệm vụ trọng tâm là tập trung chấn chỉnh hoạt động XKLĐ của DN; nâng cao chất lượng đào tạo tay nghề, ngoại ngữ, ý thức cho người lao động trước khi cung ứng ra nước ngoài; mở rộng đối tượng lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật đi làm việc ở nước ngoài.
Cụ thể, riêng đối với vấn đề quản lý các DN hoạt động trong lĩnh vực này, Bộ sẽ xây dựng những quy định và điều kiện chặt chẽ hơn nữa để những DN đáp ứng đủ và bảo đảm duy trì các điều kiện theo quy định của pháp luật mới được tham gia hoạt động đưa người đi làm việc ở nước ngoài.
Đặc biệt, Luật Người lao động Việt Nam làm việc ở nước ngoài sẽ được sửa đổi theo hướng: DN XKLĐ được cấp giấy phép có thời hạn 3-5 năm, hết thời hạn đó, DN không đáp ứng đủ yêu cầu sẽ không được cấp lại giấy phép. Cùng với đó, Bộ sẽ tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra xử lý nghiêm các DN vi phạm quy định của pháp luật trong lĩnh vực XKLĐ và các DN hoạt động kém hiệu quả.
NGUYỄN LỘC
Theo Báo Kiểm toán số 04 ra ngày 25-01-2018