Ngành du lịch chuyển đổi số để phục hồi và phát triển bền vững
Kinh tế - Ngày đăng : 21:51, 19/05/2022
(BKTO) - Sau hơn 2 tháng mở cửa hoàn toàn, ngành du lịch đã đón nhận nhiều tín hiệu vui từ sự tăng trưởng lượng du khách trong nước và quốc tế. Tuy nhiên, để nhanh chóng phục hồi và phát triển một cách bền vững ngành du lịch cần đẩy mạnh chuyển đổi số.
Đây là chủ đề được tập trung trao đổi, thảo luận tại Diễn đàn “Luồng xanh” cho du lịch cất cánh - Chuyển đổi số: Động lực phát triển bền vững” do Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp thuộc Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với một số đơn vị tổ chức vào ngày 18/5.
Quang cảnh Diễnđàn.Ảnh: D.THIỆN |
Chuyển đổi số là yêu cầu cấp thiết
Ông Hoàng Quang Phòng - Phó Chủ tịch VCCI cho biết, những năm gần đây, việc ứng dụng công nghệ thông tin, tiến hành chuyển đổi sốtrong ngành du lịch đã được một số DN lữ hành, DN kinh doanh dịch vụ lưu trú… triển khai, song chưa có sự đồng nhất, vẫn đơn lẻ theo kiểu “mạnh ai người đó làm”.
Tuy nhiên, đại dịch Covid-19 kéo dài suốt hơn 2 năm qua như là một “phép thử” để buộc tất cả các đơn vị trong ngành du lịch phải lựa chọn chuyển đổi số hay là không tồn tại nữa. Theo đó, thị trường đã ghi nhận các DN liên tục tìm kiếm các giải pháp thích ứng để tồn tại thông qua chuyển đổi số.
Chẳng hạn, tại các điểm đến, các DN lữ hànhđang đẩy mạnh ứng dụng hệ thống thuyết minh tự động, mã QR giới thiệu hiện vật… để mang tới những trải nghiệm thú vị và thuận tiện cho du khách.
Đặc biệt, hiện không chỉ các DN lớn mà nhiều DN nhỏ và vừa cũng áp dụng chuyển đổi số thông qua việcthuê nền tảng để tăng sức cạnh tranh khi trở lại “cuộc đua” trong bối cảnh ngành du lịch đã mở cửa hoàn toàn.
“Dịch Covid-19 khiến toàn ngành du lịch gặp những khó khăn chưa từng có, nhưng nhìn ở một góc độ khác, đây cũng là cơ hội để các DN và ngành du lịch chuyển đổi, bắt kịp xu hướng không thể đảo ngược của thế giới - xu hướng chuyển đổi số. Để chuyển đổi số thành công, có thể DN sẽ phải mất vài năm nhưng không thể chậm hơn nữa” - ông Phòng nhấn mạnh.
Từ góc độ DN, ông Phạm Đình Huỳnh - Chủ tịch HĐQT Đại Nam Sơn Group cũng cho rằng chuyển đổi số đang trở thành yêu cầu tất yếu, bắt buộc đối với các DN ngành du lịch cũng như cộng đồng DN nói chung.
Chia sẻ thực tế từ đơn vị, ông Huỳnh cho biết, trong bối cảnh đại dịch Covid-19, nhờ sử dụng các công nghệ số, công nghệ hình ảnh, đơn vị vẫn triển khai được các dự án khảo sát điểm đến một cách bình thường.
“Trước đây, theo cách truyền thống, chúng tôi phải mất từ 15 ngày đến vài tháng để khảo sát toàn bộ một điểm đến. Hiện nay, ngay tại văn phòng, trong 1 tuần chúng tôi có thể thẩm định được từ 2 - 3 dự án khảo sát điểm đến” - ông Huỳnh nhấn mạnh.
Cần hình thành các nền tảng số dùng chung
Ông Nguyễn Lê Phúc - Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Du lịch, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch khẳng định, chuyển đổi số đang là một trong những nội dung nhận được sự quan tâm hàng đầu trong ngành du lịch, bởi sẽ mang lại cơ hội cho Ngànhphát triển một cáchbền vững hơn.
Cũng theo ông Phúc, hiện nay, Tổng cục Du lịch đã tập trung xây dựng hệ sinh thái du lịch thông minh để tạo “sân chơi” chung cho các địa phương, DN tham gia, thúc đẩy quá trình chuyển đổi số trong lĩnh vực du lịch.
Theo đó, để hỗ trợ các địa phương điểm đến thực hiện chuyển đổi số năm 2021, Tổng cục Du lịch đã triển khai hỗ trợ tỉnh Hà Giang, Thanh Hóa xây dựng điểm đến thông minh. “Mới đây, Tổng cục Du lịch đã hỗ trợ khu di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám tại Hà Nội xây dựng hệ thống bánvé điện tử hiện đại để nâng cao năng lực quản lý cũng như cải thiện chất lượng đón và phục vụ khách tham quan” - ông Phúc chia sẻ.
Tuy nhiên, lãnh đạo Tổng cục Du lịch cũng cho rằng, chuyển đổi số là một quá trình khó khăn, đòi hỏi sự đổi mới về tư duy nhận thức của cả các cấp quản lý nhà nước và cộng đồng DN, cũng như sự phối hợp chặt chẽ trong hành động giữa các bên để quá trình chuyển đổi số trong toàn ngành du lịch hiệu quả, thành công.
Đưa khuyến nghị cụ thể, theo ông Phúc, trước hết cần tiếp tục hoàn thiện các đề án, chương trình chuyển đổi số trong ngành du lịch trình Chính phủ phê duyệt; đề xuất điều chỉnh phù hợp các quy định pháp luật liên quan đến thương mại điện tử, các mô hình kinh doanh trực tuyến, các hoạt động giao dịch trên môi trường số trong lĩnh vực du lịch.
Song song với đó, cần tập trung phát triển một số nền tảng số căn bản của ngành du lịch bao gồm: trục liên thông hệ thống thông tin từ Trung ương đến cơ sở phục vụ công tác quản lý nhà nước; hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về du lịch; sàn thương mại điện tử kết nối DN cung ứng dịch vụ và khách du lịch; hệ thống các kênh truyền thông quảng bá du lịch Việt Nam trên nền tảng số.
Ở góc độ DN, ông Nguyễn Đức Thành - Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Công nghệ VietSens cho rằng, các DN du lịch phần lớn có quy mô nhỏ và vừa, nguồn lực hạn chế. Do vậy, để hỗ trợ DN chuyển đổi số, các sản phẩm công nghệ của ngành du lịch cần được thiết kế theo hướng hình thành nền tảng số dùng chung, giúp các DN có cơ hội khai thác thông tin, tiếp cận thị trường, nâng cao hiệu quả quản trị kinh doanh.
Ông Bùi Văn Mạnh - Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Ninh Bình chia sẻ thêm, sự kết nối liên thông giữa các cơ quan quản lý nhà nước về du lịch từ trung ương đến địa phương và DN du lịch là yêu cầu bắt buộc để phát triển đồng bộ hệ sinh thái du lịch thông minh. “Chuyển đổi số không chỉ là về mặt công nghệ, mà còn cần chuyển đổi cả cách quản lý, phương thức tiếp cận, quảng bá du lịch...” - ông Mạnh nói./.
DIỆU THIỆN