Hiện đại hóa thể chế - chìa khóa để Việt Nam phát triển thành công

Kinh tế - Ngày đăng : 22:06, 19/05/2022

(BKTO) – Nâng cao tính thích ứng, hiện đại hóa thể chế là chìa khóa giúp Việt Nam phát triển thành công, hiện thực hóa khát vọng trở thành quốc gia thu nhập cao vào năm 2045.


                
   

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

   

Thể chế đã có nhiều cải cách nhưng vẫn chưa theo kịp tốc độ phát triển

Báo cáo “Để Việt Nam tươi sắc đào xuân? Cải cách thể chế hướng tới thực thi hiệu quả” của Ngân hàng Thế giới (WB) đánh giá: Từ một trong những nền kinh tế đóng cửa, Việt Nam đã chuyển đổi thành một trong những nền kinh tế mở cửa nhất thế giới thập kỷ 1990 và 2000. Đó là thành tựu đáng ghi nhận.

Minh chứng cho sự chuyển đổi thành công ấy chính là việc Chính phủ đã thiết lập được nền tảng thể chế vững chắc thông qua thành lập Ban Chỉ đạo Quốc gia về Hội nhập kinh tế quốc tế.

Những quy trình và thủ tục hành chính phức tạp đã được hợp lý hóa nhờ hình thành cơ chế đặc thù cho các nhà đầu tư chiến lược và phân cấp quy trình phê duyệt cho các địa phương bên cạnh cơ chế một cửa trong thủ tục hải quan.

Các lực lượng thị trường được tăng cường bằng cách hạ thấp rào cản gia nhập và giảm thuế quan thông qua các hiệp định thương mại song phương và đa phương. Nhà nước theo dõi chặt chẽ việc tuân thủ các quy định của các DN xuất khẩu và nhà đầu tư nước ngoài.

Tuy vậy, theo WB, mô hình tăng trưởng truyền thống của Việt Nam đang phải đối mặt với những thách thức lớn do đại dịch Covid-19, toàn cầu hóa chững lại và nguy cơ quốc gia ngày càng dễ tổn thương đối với những cú sốc bên ngoài, đặc biệt với rủi ro khí hậu.

Điểm đáng lưu ý được bà Carolyn Turk - Giám đốc Quốc gia WB tại Việt Nam - chỉ ra là: “GDP theo đầu người của Việt Nam đã tăng gấp 5 lần sau 3 thập kỷ qua, trong khi thể chế của quốc gia chưa thích ứng với tốc độ thay đổi đó kể từ thời kỳ đổi mới vào cuối thập kỷ 1980”.

Nêu dẫn chứng mới chỉ có 7 trong số 111 quy hoạch (quốc gia, ngành, vùng và tỉnh) được phê duyệt kể từ khi ban hành Luật Quy hoạch vào cuối năm 2017 đến nay, ông Jacques Morisset - Chuyên gia Kinh tế trưởng WB - nhận định: “Thể chế có thể sẽ trở thành trở ngại lớn để Việt Nam hiện thực hóa khát vọng trở thành quốc gia thu nhập cao vào năm 2045”.

Bà Trần Thị Lan Hương - Chuyên gia Quản trị cao cấp tại WB - cho biết: Việt Nam đã triển khai thực thi những ưu tiên phát triển với kết quả chưa được đồng đều trong 35 năm qua.

Cụ thể, Việt Nam đã đạt kết quả vượt kỳ vọng trong lĩnh vực mở cửa thương mại và hòa nhập xã hội nhưng chưa đạt kết quả như mong muốn về đẩy mạnh tăng trưởng xanh và nâng cấp hạ tầng cơ bản của quốc gia.

“Nguyên nhân của thực trạng trên là do thể chế chưa phải lúc nào cũng sẵn sàng cho những nhiệm vụ, ưu tiên phát triển phức tạp, mang tính liên ngành và hỗ trợ cho quá trình chuyển đổi trở thành xã hội thu nhập cao” - WB lý giải.

Đồng tình với những nhận định trong báo cáo của WB, ông Mai Tiến Dũng- Nguyên Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ - cho rằng, Việt Nam đã xây dựng khá đầy đủ hệ thống pháp luật, trong đó, cải cách thể chế là một trong những ưu tiên quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội.

Mặc dù vậy, thể chế của Việt Nam vẫn còn một số thiếu sót, hạn chế, ví dụ như sự chồng chéo, lấn sân trong công tác quản lý, việc thực thi còn yếu, thiếu trách nhiệm giải trình…

5 cải cách thể chế quan trọng

Những hạn chế, thiếu sót nêu trên cho thấy con đường từ thu nhập trung bình lên ngưỡng thu nhập cao vẫn còn nhiều khó khăn.

Để khắc phục những thiếu sót về mặt thể chế, hiện thực hóa khát vọng trở thành quốc gia thu nhập cao vào năm 2045, Việt Nam cần tiếp tục cải cách với quy mô và tốc độ như từng được triển khai trong thời kỳ đổi mới của thập kỷ 1980 và thời kỳ triển khai mở cửa thương mại trong hai thập kỷ qua.

“Hiện đại hóa thể chế là chìa khóa để Việt Nam phát triển thành công trong tương lai” - các chuyên gia của WB khuyến nghị.
                
   

Ảnh: WB

   

Nhấn mạnh thêm ý nghĩa của công cuộc cải cách thể chế đồng bộ, bà Carolyn Turk - Giám đốc Quốc gia WB tại Việt Nam - cho rằng: “Việc làm này có thể giúp quốc gia tránh bẫy thu nhập trung bình qua nâng cao hiệu quả ứng phó với những thách thức mới, phức tạp phát sinh trong nước và trên toàn cầu.”

Theo WB, Việt Nam cần cải thiện kết quả thực thi trên cơ sở triển khai 5 cải cách thể chế quan trọng sau: Tạo nền tảng thể chế vững chắc cho từng ưu tiên phát triển nhằm biến những ưu tiên phát triển đó thành hành động cụ thể.

Hài hòa các quy trình, thủ tục hành chính để nâng cao hiệu quả của chính quyền các cấp. Sử dụng các công cụ thị trường để tạo động lực cho các bên liên quan trong khu vực nhà nước và tư nhân.

Thực thi hiệu lực các quy định và quy tắc nhằm nâng cao động lực, lòng tin và công bằng. Áp dụng các quy trình có sự tham gia của các bên liên quan để đảm bảo nâng cao minh bạch và trách nhiệm giải trình.

Việc triển khai một cách có hệ thống 5 cải cách thể chế nêu trên sẽ giúp Việt Nam tạo nền tảng cho tầm nhìn phát triển kinh tế, tăng cường năng lực để triển khai những chiến lược của quốc gia.

Công cuộc cải cách sẽ mang lại cho Việt Nam kết quả cao hơn trong một số lĩnh vực quan trọng, đặc biệt là tăng trưởng xanh, chuyển đổi số, tài chính toàn diện, an sinh xã hội và nâng cấp hạ tầng, qua đó giúp quốc gia hoàn thành các mục tiêu phát triển.

Nhận định về các khuyến nghị trong Báo cáo của WB, nguyên Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho rằng, các nền tảng cải cách mà Báo cáo đề ra có giá trị cho tiến trình cải cách ở Việt Nam.

Trong đó, việc đề cao kỷ luật, kỷ cương, chú trọng công tác kiểm tra, giám sát cùng những kinh nghiệm quý báu giúp Việt Nam khắc phục các thiếu sót về thể chế, đảm bảo thực thi hiệu quả pháp luật./.
THÀNH ĐỨC
         
Ngoài việc đưa ra 5 cải cách thể chế quan trọng, nhóm nghiên cứu của WB đã đưa ra 6 ưu tiên phát triển được định hình lại bởi cuộc khủng hoảng do ảnh hưởng của Covid-19:
   Thích ứng với quá trình toàn cầu hóa chậm hơn bằng cách tập trung vào nâng cao giá trị gia tăng của hàng xuất khẩu và đẩy mạnh thương mại dịch vụ.
   Đẩy nhanh số hóa nền kinh tế.
   Chuyển từ “tăng trưởng bằng mọi giá” sang “xây dựng nền kinh tế xanh và bền vững”.
   Đẩy mạnh cơ sở hạ tầng bằng cách cải thiện chất lượng chi tiêu công và tăng cường các giải pháp của khu vực tư nhân.
   Cân bằng sự ổn định của ngành ngân hàng với việc mở rộng tài chính toàn diện và phát triển thị trường vốn về chiều sâu.
   Chuyển từ nỗ lực giảm nghèo từng phần sang một chương trình bảo trợ xã hội trên toàn quốc.