Hệ thống Chuẩn mực KTNN: Bước tiến mới trong hoạt động kiểm toán Việt Nam

Hoạt động của Ngành - Ngày đăng : 06:30, 25/08/2016

(BKTO) - 39 Chuẩn mực KTNN (CMKTNN) đã được Tổng Kiểm toán Nhà nước ký ban hành theo Quyết định 02/2016/QĐ-KTNN ngày 15/7. Hệ thống Chuẩn mực này về cơ bản đã đảm bảo các yêu cầu đầy đủ, toàn diện, rõ ràng, dễ hiểu, dễ thực hiện và là một bước tiến mới trong hoạt động kiểm toán của KTNN.


Sau nhiều năm nghiên cứu, KTNN đã ban hành 39 CMKTNN.Ảnh: PV

Hiến pháp 2013 và Luật KTNN 2015 chế định: Chức năng của KTNN là kiểm tra, đánh giá, xác nhận, kết luận và kiến nghị đối với việc quản lý sử dụng tài chính công, tài sản công. Trong nhà nước pháp quyền của dân, do dân và vì dân, để thực hiện thành công chức năng của mình, KTNN phải thực sự chuyên nghiệp, hoạt động độc lập và chỉ tuân thủ luật pháp; đồng thời phải tuân thủ các quy trình, phương pháp kiểm toán, các quy tắc ứng xử theo những Chuẩn mực.

Hệ thống CMKTNN thực chất là kim chỉ nam dẫn đường cho mọi hoạt động kiểm toán. CMKTNN là những quy định và hướng dẫn về yêu cầu, nguyên tắc, thủ tục kiểm toán và xử lý các mối quan hệ phát sinh trong hoạt động kiểm toán mà KTNN phải tuân thủ khi tiến hành hoạt động kiểm toán. Đồng thời, đó còn là cơ sở để kiểm tra, đánh giá chất lượng kiểm toán và kiểm soát đạo đức nghề nghiệp, đạo đức hành nghề của kiểm toán viên nhà nước. Luật KTNN 2015 cũng đã chế định: Tổng Kiểm toán Nhà nước xây dựng và ban hành Hệ thống CMKTNN (Điều 6).

Nhận thức rõ vai trò quan trọng của Hệ thống Chuẩn mực kiểm toán trong hoạt động kiểm toán và trách nhiệm của KTNN theo Luật định, ngay từ những ngày đầu thành lập và hoạt động, KTNN Việt Nam luôn chú trọng và chủ động trong việc nghiên cứu, biên soạn và công bố các CMKTNN. Ngày 15/7/2016, Tổng Kiểm toán Nhà nước đã ký quyết định ban hành Hệ thống CMKTNN theo Quyết định số 02/2016/QĐ-KTNN bao gồm 39 Chuẩn mực và Danh mục thuật ngữ sử dụng trong Hệ thống CMKTNN.

Hệ thống Chuẩn mực trên được xây dựng trên cơ sở kế thừa và phát triển các CMKTNN đã có từ những năm 1999-2000, đúc rút từ những hiểu biết và kết quả qua kiểm nghiệm thực tế hơn 20 năm hoạt động của KTNN Việt Nam; đồng thời tiếp thu có chọn lọc những nội dung của các Chuẩn mực kiểm toán của Tổ chức quốc tế các cơ quan Kiểm toán tối cao (INTOSAI). Hệ thống CMKTNN mới ban hành có đầy đủ từ các chuẩn mực quy định các nguyên tắc cơ bản của hoạt động kiểm toán nói chung đến các loại hình kiểm toán, các chuẩn mực về quy trình, thủ tục, nội dung, phạm vi phương pháp kiểm toán cũng như các chuẩn mực quy định và hướng dẫn xử lý các mối quan hệ phát sinh trong hoạt động kiểm toán. Hệ thống CMKTNN đã đề cập đầy đủ cả 3 loại hình kiểm toán: kiểm toán tài chính, kiểm toán tuân thủ và kiểm toán hoạt động và có riêng một chuẩn mực về đạo đức nghề nghiệp và kiểm soát chất lượng kiểm toán. Việc xây dựng và ban hành Hệ thống CMKTNN đã tuân thủ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, Luật và các quy định của Việt Nam trong lĩnh vực KTNN.

Có thể nhận thấy, Hệ thống CMKTNN ban hành năm 2016 về cơ bản là khá đầy đủ, toàn diện, bao trùm các yêu cầu, các khâu và các công việc của hoạt động kiểm toán, rõ ràng, dễ hiểu và dễ thực hiện; đã tiệm cận dần và từng bước hài hòa với các Chuẩn mực kiểm toán quốc tế do INTOSAI ban hành trong thời gian gần đây. Tất nhiên, Hệ thống CMKTNN sẽ tiếp tục hoàn thiện và phát triển ở mức độ cao hơn. Việt Nam sẽ học hỏi kinh nghiệm, tiếp thu và kế thừa các kiến thức nghề nghiệp của các SAI đi trước, nhất là các kỹ năng nghề nghiệp đã được đúc kết thành các Chuẩn mực. Có thể nói, các hướng dẫn của INTOSAI là thực sự rất cần thiết đối với KTNN Việt Nam. Với tư cách là thành viên của INTOSAI từ tháng 7/1996, KTNN Việt Nam sẽ hòa nhập vào sự phát triển chung của các SAI trên thế giới. Đây cũng là cơ hội, điều kiện thuận lợi để Việt Nam chuẩn hóa và nâng cao chất lượng các hoạt động, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu và nội dung quan trọng nhất trong Chiến lược phát triển KTNN đến năm 2020. Việc hoàn thiện và tiếp tục phát triển Hệ thống CMKTNN theo chuẩn quốc tế sẽ nâng cao tính độc lập, tính hiệu lực và hiệu quả trong hoạt động kiểm toán của KTNN. Trên cơ sở đó, năng lực chuyên môn, tính chuyên nghiệp, vị thế, uy tín và giá trị của KTNN Việt Nam sẽ ngày càng được nâng cao trong một Nhà nước pháp quyền vì một nền tài chính quốc gia lành mạnh, minh bạch, bền vững.

Hy vọng rằng, Hệ thống CMKTNN ban hành lần này sớm đi vào cuộc sống, góp phần nâng cao chất lượng kiểm toán, xây dựng KTNN ngày càng phát triển, xứng đáng với kỳ vọng của nhân dân.

PGS.TS ĐẶNG VĂN THANH