Cần hoàn thiện khuôn khổ pháp lý cho thị trường trái phiếu doanh nghiệp

Kinh tế - Ngày đăng : 20:36, 20/05/2022

(BKTO) - Để phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp (DN) lành mạnh, bền vững, cần tiếp tục hoàn thiện khuôn khổ hành lang pháp lý, trong đó có các quy định về nâng chuẩn nhà đầu tư chuyên nghiệp, quy định về xếp hạng tín nhiệm tổ chức phát hành trái phiếu.


Đây là chủ đề được thảo luận tại Diễn đàn “Phát triển thị trường trái phiếu DN hiệu quả và bền vững” do Tạp chí Diễn đàn DN thuộc Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức chiều 19/5.
                
   

Quang cảnh Diễnđàn.Ảnh: D.THIỆN

   

Thị trường trái phiếu doanh nghiệp còn tiềm ẩn nhiều rủi ro

Ông Hoàng Quang Phòng - Phó Chủ tịch VCCI cho biết, trong 5 năm trở lại đây, thị trường trái phiếu DN có tốc độ tăng trưởng bình quân khoảng 46%/năm. Tính đến cuối năm 2021, huy động vốn qua thị trường trái phiếu DN đạt gần 1,2 triệu tỷ đồng, chiếm khoảng 12% tổng dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế.

Mặc dù có tốc độ tăng trưởng hàng năm cao, nhưng quy mô thị trường trái phiếu DN Việt Nam mới chỉ chiếm khoảng 15% GDP, thấp hơn nhiều so với các quốc gia khác trong khu vực như Malaysia (56% GDP), Singapore (38% GDP), Thái Lan (25% GDP). Điều này cho thấy thị trường trái phiếu DN Việt Nam vẫn còn nhiều tiềm năng, dư địa để phát triển.

Đồng quan điểm trên, TS. Cấn Văn Lực - Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia cho biết thêm, sự phát triển của thị trường trái phiếu DN còn được hỗ trợ bởi một số “lực đẩy”. Chẳng hạn như, triển vọng kinh tế vĩ mô của Việt Nam được đánh giá khá tốt, với mục tiêu tăng trưởng phấn đấu đạt từ 6,5% - 7% trong giai đoạn 2021-2030.

Bên cạnh đó, Việt Nam hiện có nhu cầu rất lớn về đầu tư cơ sở hạ tầng nên cần có nguồn vốn trung và dài hạn rất lớn. Ước tính, từ nay đến năm 2030, mỗi năm Việt Nam cần huy động khoảng 700 nghìn tỷ đồng đến 1 triệu tỷ đồng vốn trung, dài hạn.

Tuy nhiên, theo ông Lực, khả năng cung cấp vốn trung, dài hạn của hệ thống ngân hàng thương mại còn rất hạn chế. Do đó, kênh huy động vốn qua thị trường trái phiếu DN là rất quan trọng, vấn đề là điều tiết thị trường trái phiếu DN như thế nào để phát triển lành mạnh, bền vữnghơn.

Ông Lực cho biết, hiện nay,sự phát triển của thị trường trái phiếu DN còn tiềm ẩn nhiều rủi ro khi trái phiếu DN phát hành riêng lẻ vẫn chiếm đa số (khoảng 94,5%). Mặc khác, nhà đầu tư cũng gặp nhiều rủi ro khi nhiều tài sản đảm bảo có sự thay đổi giá trị nhanh (như cổ phiếu, quyền tài sản phát sinh từ hợp đồng…), hay tài sản đảm bảo khó xác định giá trị (như bất động sản hình thành trong tương lai, cổ phiếu chưa niêm yết…).

Ngoài ra, năng lực, uy tín của nhiều DN phát hành chưa đảm bảo; nhiều DN còn “lách luật” vi phạm quy định, phát hành báo cáo tài chính, bản cáo bạch chưa công khai, minh bạch; phần lớn nhà đầu tư năng lực còn yếu, khá nhiều nhà đầu tư cá nhân (chiếm đến 30% trong tổng số nhà đầu tư thứ cấp) tự đầu tư, chưa ủy thác qua các quỹ đầu tư…

Đồng thời, các quy định pháp luật về phát hành trái phiếu DN tuy đang dần được hoàn thiện, nhưng chưa thực sự chặt chẽ, trong khi thị trường phát triển rất nhanh, các chủ thể tham gia vào thị trường ngày càng tinh vi; thị trường thiếu vắng các tổ chức xếp hạng tín nhiệm, dẫn đến thiếu cơ sở đánh giá năng lựccủa tổ chức phát hành hay mức độrủi ro củatrái phiếuphát hành.

Cần có các quy định về xếp hạng tín nhiệm

Từ thực tế trên, khuyến nghị giải pháp để thúc đẩy thị trường trái phiếu DN phát triển bền vững và nâng cao tính minh bạch, lành mạnh của thị trường, TS. Nguyễn Trí Hiếu - chuyên gia tài chính - ngân hàng cho rằng, cần tiếp tụchoàn thiện khuôn khổ hành lang pháp lý, trong đó có sửa đổi Nghị định 153/2020/NĐ-CP về phát hành trái phiếu DN riêng lẻ, Nghị định 156/2020/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán; rà soát tiến tới sửa đổi, bổ sungLuật Chứng khoán năm 2019,trong đó có các quy định về nâng chuẩn nhà đầu tư chuyên nghiệp…

Bên cạnh đó, theo ông Phan Đức Hiếu - Uỷ viên Thường trực Ủy Ban kinh tế của Quốc hội, trong bối cảnh thị trường trái phiếu DN đang phát triển khá nhanh như hiện nay, việc tăng cường giám sát để bảo đảm các chủ thể tham gia vào thị trường tuân thủ đúng quy địnhpháp luật là điều phải làm, nhưng nếu đặt thêm các chính sách, biện pháp can thiệp vào thị trường thì cũng phải tính đến việc thị trường có thể bị ảnh hưởng nặng, nên cần hết sức cân nhắc.

Bên cạnh đó, hiện nay, theo thống kê của Hiệp hội Thị trường trái phiếu Việt Nam, khi phát hành trái phiếu ở thị trường sơ cấp thì số nhà đầu tư cá nhân tham gia chỉ có 8,6%, sau đó tất cả các trái phiếu ở thị trường sơ cấp lại được bán cho các nhà đầu tư cá nhân ở thị trường thứ cấp. Do đó, các biện pháp can thiệp vào thị trường nên tập trung nhiều ở thị trường thứ cấp, ở đó chủ yếu là các nhà đầu tư chuyên nghiệp.

Ông Đậu Anh Tuấn - Phó Tổng Thư ký, Trưởng Ban Pháp chế VCCI chia sẻ thêm, hiện nay, thị trường trái phiếu DN Việt Nam còn rất thiếu thông tin, bởi nhiều nhà đầu tư mua trái phiếu DN mà không biết tình hình tài chính của DN, tổ chức phát hành như thế nào.

Trong khi đó, thông thường, ở các nước trên thế giới, trong hệ thống khuôn khổ pháp luật về thị trường trái phiếu DN sẽ có các quy định bắt buộc về việc tổ chức, DN phát hành trái phiếu phải được xếp hạng tín nhiệm thông qua các công ty xếp hạng, định giá chuyên nghiệp, qua đó, nhà đầu tư có thể đánh giá được mức độ rủi ro của trái phiếu phát hành.

“Việt Nam cần có các quy định về xếp hạng tín nhiệm tổ chức phát hành,nhằm giúp nhà đầu tư dễ dàng xác định được năng lực, uy tín củatổ chức, DN phát hành, cũng nhưmức độ rủi ro của trái phiếu phát hành” - ông Tuấn khuyến nghị./.
DIỆU THIỆN