Còn một số bất cập tại Dự thảo Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi)
Chính trị - Ngày đăng : 21:50, 21/05/2022
(BKTO) - Bộ Công Thương đang xây dựng Dự thảo Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) (Dự thảo). Góp ý cho Dự thảo này, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng một số quy định tại Dự thảo vẫn còn bất cập.
VCCI cho rằng Dự thảoLuật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) còn một số quyđịnh bất cập -Ảnh minh họa: TTXVN |
Cụ thể, về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng dễ bị tổn thương, tại Điều 6 Dự thảo quy định: “Có cơ chế, chính sách chống kỳ thị, phân biệt đối xử, lợi dụng người tiêu dùng dễ bị tổn thương trong việc thu thập, lưu trữ, sử dụng thông tin”.
Theo VCCI, chính sách chống phân biệt đối xử, kỳ thị, lợi dụng người tiêu dùng dễ bị tổn thương cần được quy định trong tất cả các hoạt động của cá nhân, tổ chức kinh doanh. Việc này không chỉ bảo đảm quyền lợi của người tiêu dùng, mà còn tạo thuận lợi cho hoạt động của cá nhân, tổ chức kinh doanh.
Tuy nhiên, quy định như tại Dự thảo (chỉ giới hạn bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng dễ bị tổn thương trong việc thu thập, lưu trữ, sử dụng thông tin) có thể dẫn tới cách hiểu chưa đầy đủ và tạo ra lỗ hổng trong việcáp dụng quy định này. Do đó, đề nghị cơ quan soạn thảo chỉnhsửa,bổ sung quy định trênđể bảo đảm tính khả thi khi áp dụng trên thực tế.
Bên cạnh đó, đối với các quy định về thông tin của người tiêu dùng (quy định tại Điều 8, 9, 10, 11 Dự thảo), VCCI cho rằng, trong giao dịch thương mại trên nền tảng trực tuyến, thông tin của người tiêu dùng là một trong những nội dung bắt buộc để thực hiện được giao dịch (cơ bản là các thông tin về: họ tên, địa chỉ, số điện thoại, thẻ ngân hàng hoặc các tài khoản cho phép thanh toán trực tuyến).
Do đó, Dự thảo quy định “tổ chức, cá nhân kinh doanh khi thu thập thông tin cá nhân của người tiêu dùng phải thông báo trước bằng hình thức phù hợp và phải được người đó đồng ý” là không phù hợp với các giao dịch trực tuyến. Vì vậy, đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc điều chỉnh lại quy định trên.
Ngoài ra, tại Điều 11 Dự thảo quy định về bảo đảm an toàn, an ninh thông tin người tiêu dùng còn khá chung chung. Dự thảo quy định các yêu cầu như “phải có cơ chế tiếp nhận và giải quyết khiếu nại của người tiêu dùng”, “báo cho cơ quan chức năng trong vòng 24 giờ sau khi phát hiện sự cố và thực hiện các biện pháp cần thiết”… là không rõ trình tự, thủ tục, đối tượng báo cáo, cho nênsẽ khó bảo đảm tính khả thi. Do đó, đề nghị cơ quan soạn thảo dẫn chiếu đến các quy định khác hướng dẫn thực hiện hoặc ủy quyền quy định chi tiết các nội dung này.
Đối với quyền của người tiêu dùng quy định tại Điều 14 Dự thảo còn có một số nội dung chưa bảo đảm tính hợp lý, khả thi.
Cụ thể, tại khoản 6 Điều 14 quy định người tiêu dùng có quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại khi sản phẩm, dịch vụ không phù hợp tiêu chuẩn, chất lượng, số lượng, công dụng… mà tổ chức, cá nhân kinh doanh đã đăng ký, công bố, niêm yết. Trong khi đó, tại khoản 4 Điều 14 quy định nội dung gần tương tự cho phép người tiêu dùng “góp ý kiến với tổ chức,cá nhân kinh doanh về giá cả, chất lượng… của sản phẩm, dịch vụ”.
Như vậy, không rõ trong trường hợp nào tổ chức, cá nhân kinh doanh có thể trao đổi với người tiêu dùng, trước khi trở thành một bên bị khiếu nại trong vụ việc dân sự?
Do đó, VCCI kiến nghị, để nâng cao việc áp dụng phương thức giải quyết tranh chấp bằngthương lượng và giảm thiểu khiếu nại, khiếu kiện không cần thiết, đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc quy định theo hướng: tổ chức, cá nhân kinh doanh có quyền thương lượng với người tiêu dùng lựa chọn cách giải quyết trong trường hợp có cách hiểu không thống nhất hoặc hiểu sai về các vấn đề liên quan đến tiêu chuẩn, chất lượng, công dụng… của sản phẩm, dịch vụ./.
DIỆU THIỆN