Tăng học phí, đồng thuận chủ trương, nhưng cần tính toán toán phù hợp

Kinh tế - Ngày đăng : 23:06, 22/05/2022

(BKTO) - Chuẩn bị kế hoạch tài chính cho năm học mới, nhiều cơ sở giáo dục đại học, địa phương đã công bố dự kiến mức tăng học phí. Đồng tình với chủ trương chung, song người dân và giới chuyên gia giáo dục cũng cho rằng việc tăng học phí đồng loạt, ở mức cao sẽ gây khó khăn cho người dân, sau những ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh Covid-19 chưa được khắc phục.


                
   

Cần tính toán toán mức tăng học phí, tránh tạo gánh nặng cho người dân. Ảnh minh họa: N.LỘC

   

Nhiều trường dự kiến tăng học phí

Hà Nội vừa chuẩn bị dự thảo nghị quyết về việc quy định mức thu học phí với các trường mầm non, phổ thông công lập tại Hà Nội từ năm học 2022-2023 đến năm học 2025-2026 để trình HĐND Thành phố xem xét, thông qua trước năm học mới.

Theo đó, ngoài bậc tiểu học được miễn học phí, mức học phí dự kiến cho các bậc học còn lại tăng khoảng gấp đôi so với năm ngoái. Mức học phí dự kiến đối với cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông công lập chưa bảo đảm chi thường xuyên năm học 2022-2023 ở vùng 1 (các quận và các phường trên địa bàn thị xã Sơn Tây) và vùng 2 (địa bàn thị trấn thuộc các huyện) là 300.000 đồng/học sinh/tháng; vùng 3 (các xã thuộc thị xã Sơn Tây và các xã thuộc huyện, trừ các xã miền núi) là 100.000-200.000 đồng/học sinh/tháng; vùng 4 (xã miền núi) là 50.000-100.000 đồng/học sinh/tháng. Phân theo từng cấp, trừ bậc trung học phổ thông vùng 1 và 2 có mức học phí tăng từ 217.000 đồng (năm học 2021-2022) lên 300.000 đồng/học sinh/tháng, học phí các bậc còn lại đều tăng khoảng gấp đôi so với năm ngoái.

Từ năm học 2022-2023, học phí các trường công lập tại TP.HCM dự kiến tăng so với các năm học trước. Theo đó, ngoài bậc tiểu học không thu học phí theo quy định, các bậc học còn lại từ mầm non đến trung học phổ thông đều dự kiến áp dụng mức thu mới, tăng cao so với mức thu hiện nay, từ 70.000 đồng đến 240.000 đồng/tháng, tùy cấp học và nhóm địa bàn. Trong đó, riêng bậc trung học cơ sở tăng gấp 5 lần so với hiện nay.
                
   

Nhiều trường, nhiều địa phương dự kiến mức tăng học phí cao từ năm học 2022-2023. Ảnh minh họa

   

Ngoài hai thành phố lớn nhất nước đã công bố mức dự kiến tăng học phí ngay từ năm học tới, nhiều địa phương trên cả nước cũng dự kiến tăng học phí, song chưa công bố mức tăng.

Trong khi đó, ở bậc đại học, mức học phí dự kiến của nhiều trường đại học tăng cao so với năm học trước. Đặc biệt tại các trường công lập bắt đầu triển khai cơ chế tự chủ, mức học phí tăng mạnh.

Ở nhóm trường khối ngành kinh tế, mức học phí dự kiến trong năm học 2022-2023 của trường Đại học Kinh tế - Đại học Quốc gia Hà Nội là 42 triệu đồng, năm học 2023-2024 là 44 triệu đồng, năm học 2024-2025 là 46 triệu đồng và năm học 2025-2026 lên 48 triệu đồng. Các mức này đều tăng so với mức thu hiện hành.

Riêng nhóm ngành y dược, một số trường có mức tăng hơn 40% so với mức hiện hành, như trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch, mức học phí dự kiến cho năm học 2022-2023 của trường từ 41 triệu đồng đến gần 44,5 triệu đồng.

Nguyên nhân được lý giải là do mức trần học phí đối với cơ sở giáo dục đại học công lập theo quy định mới sẽ có các mức khác nhau tùy thuộc vào từng khối ngành đào tạo của từng năm học theo các mức độ tự chủ.

Theo đại diện lãnh đạo Vụ Trung học cơ sở, Bộ Giáo dục và Đào tạo, việc tăng học phí được các trường, các địa phương thực hiện theo Nghị định số 81/2021/NĐ-CP quy định về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập; giá dịch vụ trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo đã có hiệu lực thi hành từ năm 2021.

Theo quy định, việc tăng học phí được áp dụng ngay từ năm học 2021-2022, khi Nghị định số 81/2021/NĐ-CP có hiệu lực. Song tại thời điểm đó, dịch bệnh đang diễn biến phức tạp và gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến mọi lĩnh vực của đời sống, học sinh chủ yếu học trực tuyến nên để chia sẻ, giảm bớt gánh nặng với người dân, Chính phủ đã đồng ý chủ trương không tăng học phí trong năm học này. Đến nay, với việc dịch bệnh đã được kiểm soát, việc tăng học phí là phù hợp theo đúng chủ trương của Chính phủ.

Cần có phương án hỗ trợ, giảm bớt gánh nặng cho phụ huynh

Việc tăng học phí đồng loạt trong thời điểm này được dự báo sẽ gây thêm gánh nặng tài chính và khó khăn cho người dân, sau những ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh chưa được khắc phục.

Đồng tình với chủ trương tăng học phí, song nhiều phụ huynh khi được hỏi cho rằng, mức học phí này là gánh nặng của nhiều bậc cha mẹ có thu nhập thấp, nhất là những hộ gia đình nhập cư, tạm trú không thuộc diện miễn, giảm học phí theo quy định.

“Vài trăm nghìn đồng một tháng không phải quá lớn, nhưng với gia đình có nhiều con đang học như chúng tôi, cộng với bản thân không có công việc ổn định thì điều này cũng là một gánh nặng lớn” - chị Nguyễn Thị Nguyệt - trú tại phường Đại Kim, quận Hoàng Mai (TP. Hà Nội) cho biết.

Còn theo nhiều gia đình có con em chuẩn bị thi đại học năm nay, việc các trường tăng học phí cũng phần nào ảnh hưởng đến việc lựa chọn trường thi phù hợp với điều kiện kinh tế của gia đình, tránh gây áp lực lớn trong quá trình theo học.

Đại diện lãnh đạo một trường trung học cơ sở trên địa bàn quận Cầu Giấy (TP. Hà Nội) cho biết, việc tăng học phí cũng là một hình thức chia sẻ của phụ huynh với nhà trường, giúp trường có thêm nguồn thu để trang trải cho các hoạt động dạy và học. Bởi, với mức thu học phí như hiện tại là quá thấp và không đủ để nhà trường mở rộng, nâng cao chất lượng các hoạt động tổ chức giáo dục cho học sinh.

Tuy nhiên, đại diện nhà trường cũng cho rằng tại một số nơi đưa ra mức tăng cao nhiều lần so với trước sẽ gây khó khăn nhất định cho nhiều gia đình. Do đó, bên cạnh những chính sách hỗ trợ từ phía Nhà nước, các trường cần chủ động tìm kiếm nguồn hỗ trợ hợp pháp khác, cũng như cần có cơ chế đặc biệt để hỗ trợ cho các trường hợp khó khăn trên thực tế, song không thuộc đối tượng được Nhà nước hỗ trợ.

TS. Văn Đình Ưng (Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam) cho rằng, việc tăng học phí là phù hợp, trong bối cảnh các cơ sở giáo dục ngày càng chịu nhiều áp lực về nguồn chi để đầu tư cơ sở vật chất, nâng cao chất lượng đào tạo. Tuy nhiên, tại thời điểm này, khi dịch bệnh vẫn đang ảnh hưởng đến cuộc sống, nguồn thu nhập của người dân, thì việc đưa ra mức tăng phù hợp là điều người dân mong đợi lúc này. “Giờ là lúc cần đến sự thông cảm, chia sẻ của các bên, Nhà nước, nhà trường và người dân, vì đây là khó khăn chung do dịch bệnh mang lại” – ông Ưng nói, đồng thời lưu ý việc tăng học phí cần được đánh giá tác động thận trọng và có giải pháp tổ chức thực hiện hiệu quả, tránh việc học phí tăng dẫn đến hiệu ứng làm tăng nhiều khoản khác, tạo sức ép lớn lên vai phụ huynh.

Do vậy, việc tăng mức học phí và việc sử dụng nguồn thu học phí để đáp ứng yêu cầu đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo, đảm bảo đúng mục đích, hiệu quả là cần thiết; tuy nhiên, trong bối cảnh người dân đang phải chịu những tác động từ dịch bệnh, các địa phương, các trường cũng cần xem xét kỹ lưỡng để đưa ra mức đề xuất tăng cho phù hợp với điều kiện thực tiễn, tránh gây thêm gánh nặng cho người dân.
NGUYỄN LỘC