WEF DAVOS 2022: Lịch sử trước ngã rẽ

Chính trị - Ngày đăng : 20:50, 24/05/2022

(BKTO)- Từ ngày 22- 26/5, Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) đã tổ chức trở lại sau 2 năm gián đoạn, trong bối cảnh thế giới đang đứng trước rất nhiều thách thức. Kinh tế toàn cầu đối mặt với nguy cơ suy thoái, với tỷ lệ lạm phát tại các nền kinh tế lớn như Anh, Mỹ và các nước châu Âu lên mức cao nhất trong thập kỷ.


                
   

WEF Davos 2022 đối mặt với rất nhiều thách thức vĩ mô, toàn cầu - Nguồn: Reuters

   
"Lịch sử trước ngã rẽ"

WEF được thành lập năm 1970 nhờ sáng kiến của Giáo sư Klaus Schwab. WEF đã thu hút hầu khắp các quốc gia trên toàn thế giới tham gia với mục tiêu chung để giải quyết những vấn đề cấp thiết mang tính toàn cầu. Hàng năm, WEF tổ chức Hội nghị Thường niên WEF tại Davos (Thụy Sĩ) với sự hội tụ những bộ óc vĩ đại nhất của thế giới đương đại ở nhiều lĩnh vực, như chính trị, kinh tế, khoa học công nghệ, môi trường, quản trị,...

Hội nghị năm nay với sự tham dự của trên 2.500 chính trị gia, lãnh đạo các tập đoàn lớn, đại diện các tổ chức xã hội dân sự cũng như các cơ quan truyền thông, với hơn 400 phiên thảo luận. Sau 2 năm bị gián đoạn, năm nay WEF Davos trở lại với những thách thức chưa từng có trong suốt lịch sử 50 năm tồn tại. Hàng loạt vấn đề cần có lời giải càng sớm càng tốt: chiến sự Ukraine, cách thức chống dịch COVID-19 của Trung Quốc cũng như tìm lối mở cho thời kỳ hậu dịch bệnh, nối lại chuỗi cung ứng, chống suy thoái kèm lạm phát. Cũng chính vì như vậy mà hội nghị lần này có chủ đề “Lịch sử trước ngã rẽ: Chính sách của các chính phủ và chiến lược của doanh nghiệp”.

Giáo sư Schwab khi chủ trì hội nghị năm nay, thừa nhận ông phải đối mặt với những vấn đề chưa từng có trong lịch sử. "Chưa khi nào WEF phải đối mặt cùng lúc với nhiều vấn đề trọng đại như thế đối với nhân loại, khi đại dịch COVID-19 cướp đi sinh mạng của trên 15 triệu người và hiện vẫn chưa chấm dứt, và cuộc chiến tại Ukraine đã phá vỡ sự ổn định địa chính trị trong nhiều thập kỷ qua".

Trong nửa thế kỷ qua, Klaus Schwab đã ca ngợi một thế giới liên kết, nơi mà sự lưu chuyển tự do của hàng hóa, dịch vụ, con người và ý tưởng sẽ dẫn đến sự thịnh vượng và hòa bình chung. Tuy nhiên, 2 năm qua, những biến động của thế giới đã thách thức khát vọng đó. Phương thức sản xuất, cách mà con người tồn tại và phát triển hiện nay đã bộc lộ khuyết điểm, thế giới trở nên chật hẹp và mong manh trước mọi biến cố.

Đại dịch đã thúc đẩy một làn sóng dịch chuyển chính sách đối ngoại theo chủ nghĩa biệt lập, khiến các chuỗi cung ứng trở nên mong manh và tách dần Trung Quốc khỏi phần còn lại của thế giới. Sau đó, khủng hoảng Ukraine làm dấy lên lo ngại về xung đột toàn cầu rộng lớn hơn. Và ngay cả trước đại dịch và chiến tranh, chia rẽ nội bộ đã làm căng thẳng các siêu cường như Mỹ.

Dambisa Moyo - nhà kinh tế người Zambia đánh giá: Trong một thế giới như đang tách rời nhau, Davos là một trong số ít những nơi tập hợp các nhân vật quyền lực từ nhiều lĩnh vực và khu vực địa lý. Đó thực sự là nơi duy nhất để chính sách công, doanh nghiệp và xã hội dân sự xích lại gần nhau.

COVID 19 và bài toán khó về chuỗi cung ứng

Trong 2 năm gián đoạn vừa qua, thế giới đã chứng kiến những sự kiện lớn diễn ra, tạo nghi ngại về mô hình toàn cầu hóa kinh tế và gây sức ép phải điều chỉnh mô hình này. Mô hình toàn cầu hóa kinh tế từ 30 năm qua đã tận dụng thế mạnh riêng của từng vùng, từng nước, đưa chi phí sản xuất xuống mức thấp nhất có thể.

Trong hội nghị gần nhất được tổ chức - Davos 2020, chưa có một phát biểu nào đề cập đến yếu tố dịch tễ, vì cũng ít ai ngờ rằng virus SARS-COV-2 sở hữu sức công phá kinh hoàng như vậy. COVID-19 đã đánh trực diện vào hệ miễn dịch, khâu yếu nhất trong cơ thể người; cũng như chỗ “mềm” nhất trong mối liên hệ toàn cầu. COVID-19 đã đe dọa đánh sập toàn bộ chuỗi cung ứng toàn cầu, chúng không cho con người tiếp xúc, đi lại, kết nối; chúng buộc con người thay đổi phương thức sản xuất từ trực tiếp sang gián tiếp. Chính những yếu tố này sẽ làm thay đổi thế giới - cái mà nhà sáng lập WEF gọi là “ngã rẽ lịch sử”.
                
   

Giáo sư Klaus Schwab, Nhà sáng lập kiêm Chủ tịch điều hành WEF - Nguồn: AFP

   

Theo Giáo sư Klaus Schwab"Thế giới đang ở một bước ngoặt lịch sử. Thương mại quốc tế hiện nay có xu hướng quay lại co cụm trong từng khối lớn và coi các khối khác là đối thủ".

Truyền thông quốc tế cũng cho rằng nhiều quốc gia đều đang tìm cách củng cố quyền tự chủ chiến lược của riêng mình, không còn ủng hộ tự do thương mại một cách vô điều kiện như trước. Một số tập đoàn đa quốc gia cũng thừa nhận không muốn quay lại với chủ nghĩa biệt lập như trước kia, nhưng cũng không còn hào hứng với tự do thương mại.

“Các chuyển động của WEF là vô cùng quan trọng với các quốc gia có lý tưởng hùng cường. Việc bố trí lại chuỗi cung ứng, trung tâm sản xuất là cơ hội để các nước đang phát triển có thể thay đổi vận mệnh." - Chủ tịch WEFKlaus Schwab nhấn mạnh.
NAM SƠN
(Tổng hợp)