Những lưu ý trong tổ chức kiểm toán hoạt động chi ngân sách

Hoạt động của Ngành - Ngày đăng : 20:51, 24/05/2022

(BKTO) - Thời gian qua, với chức năng được luật định, KTNN đã tăng cường kiểm toán hoạt động quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công nhằm đánh giá và xác nhận tính đúng đắn, trung thực của các thông tin tài chính công, tài sản công, trong đó có hoạt động chi tiêu ngân sách. Với đặc thù riêng, khác biệt so với các nội dung, lĩnh vực kiểm toán khác, kiểm toán hoạt động chi ngân sách - một nội dung quan trọng trong kiểm toán ngân sách địa phương cần được tiếp tục nghiên cứu, chú trọng.


                
   

Cần linh hoạt trong cách tiếp cận kiểm toán hoạt động chi tiêu ngân sách.
   Ảnh minh họa. N.LỘC

   

Nhiều phát hiện quan trọng qua kiểm toán hoạt động chi tiêu ngân sách

Những năm qua, kiểm toán ngân sách địa phương (thông qua kiểm toán hoạt động, kiểm toán chuyên đề), trong đó có chi tiêu ngân sách luôn là nội dung kiểm toán trọng tâm trong kế hoạch kiểm toán hằng năm của KTNN. Thông qua hoạt động kiểm toán, KTNN đã có nhiều phát hiện, kiến nghị quan trọng, góp phần tăng thu, giảm chi cho NSNN; giúp các đơn vị được kiểm toán từng bước khắc phục việc lập, giao dự toán ngân sách hàng năm chưa sát thực tế, bố trí vốn đầu tư có trọng tâm, trọng điểm hơn; hoàn thiện cơ chế quản lý tài chính, tài sản công thông qua việc kiến nghị sửa đổi các cơ chế, chính sách bất cập.

Theo đại diện Phòng Ngân sách địa phương, Vụ Chế độ và Kiểm soát chất lượng kiểm toán (KTNN), qua công tác kiểm soát cho thấy, phát hiện của các đoàn kiểm toán qua kiểm toán chi ngân sách khá đa dạng, trong đó nổi lên là các vấn đề: thu hồi kinh phí thừa hết nhiệm vụ chi; giảm dự toán, thanh toán năm sau; hoàn trả ngân sách tạm ứng thực hiện các dự án từ các năm trước không đủ điều kiện để chuyển nguồn; thu nộp ngân sách các khoản phải nộp nhưng chưa nộp; thanh toán không đúng; sai khối lượng đặt hàng…

Bên cạnh những kết quả đạt được, các ý kiến cũng cho rằng, hoạt động kiểm toán chi tiêu ngân sách trong lĩnh vực ngân sách địa phương cần tiếp tục được chú trọng để đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới, với những đòi hỏi ngày càng cao của lãnh đạo Quốc hội, Chính phủ.

Theo các kiểm toán viên, nhiều nội dung kiểm toán thời gian qua mới tập trung đánh giá tính tuân thủ dự toán, định mức về ngân sách mà chưa thực sự xem xét đến mối quan hệ giữa kết quả đầu ra, đầu vào; chưa đánh giá được sự ảnh hưởng của các nguồn lực khác đến chi tiêu từ nguồn vốn NSNN tại các Bộ, ngành như: Luật NSNN, thông tin liên quan…

Khẳng định mục tiêu và trọng tâm của công tác kiểm toán chi ngân sách địa phương đã cơ bản được đặt ra và áp dụng theo quy trình kiểm toán NSNN và hệ thống chuẩn mực, hướng dẫn có liên quan, một số chuyên gia trong lĩnh vực kiểm toán cho rằng, việc thiếu quy trình kiểm toán chi NSNN riêng cho từng loại hình đơn vị cũng khiến cho hoạt động kiểm toán chưa đạt được kết quả như mong muốn.

Linh hoạt trong cách tiếp cận kiểm toán hoạt động chi tiêu ngân sách

Có thể thấy, trước yêu cầu từ tình hình mới đòi hỏi KTNN phải không ngừng đổi mới hoạt động kiểm toán nói chung, kiểm toán trong lĩnh vực ngân sách nói riêng. Từ kinh nghiệm thực tiễn, các đơn vị kiểm toán cũng đưa ra lưu ý để nâng cao hiệu quả kiểm toán hoạt động chi tiêu ngân sách.
                
   

Những lưu ý, kinh nghiệm kiểm toán về kiểm toán chi ngân sách cần được các đoàn kiểm toán, kiểm toán viên quan tâm. Ảnh minh họa: N.LỘC

   

Theo lãnh đạo Vụ Tổng hợp, hiện nay, KTNN đang đẩy mạnh áp dụng phương pháp tiếp cận kiểm toán dựa trên đánh giá rủi ro và xác định trọng yếu. Do đó, các đơn vị kiểm toán, đoàn kiểm toán cần phát huy tính chủ động, linh hoạt, sáng tạo trong việc áp dụng các phương pháp kiểm toán, cách thức thực hiện kiểm toán.

Theo đó, đơn vị kiểm toán có thể tiếp cận theo các vấn đề có rủi ro, các nội dung trọng yếu khi thực hiện kiểm toán đối với lĩnh vực chi NSNN, tập trung vào các vấn đề như: đánh giá tính hiệu quả, hiệu lực của các khoản chi sự nghiệp khoa học và công nghệ; chi kinh phí sự nghiệp môi trường, chi hỗ trợ thiên tai… Đánh giá việc thực hiện cơ chế tiết kiệm chi NSNN (cắt giảm nhiệm vụ chi, thực hành tiết kiệm trong mua sắm tài sản, đấu thầu, đặt hàng dịch vụ công…).

Bên cạnh đó, đơn vị kiểm toán cũng cần tiếp cận kiểm toán theo các vấn đề được dư luận xã hội quan tâm hoặc tiếp cận theo các cơ chế, chính sách quan trọng của Nhà nước như: chính sách giải quyết việc làm cho người lao động; chính sách về người có công; chính sách xóa đói giảm nghèo…

Còn theo đại diện KTNN khu vực IV, đối với lĩnh vực chi thường xuyên, tổng hợp chi ngân sách, đoàn kiểm toán, kiểm toán viên cần tập trung đánh giá công tác phân bổ và giao dự toán chi thường xuyên trên cơ sở so sánh giữa các chỉ tiêu được cấp thẩm quyền phê duyệt với số liệu tính toán phân bổ dự toán kinh phí giao tự chủ cho các đơn vị sử dụng ngân sách (theo các quy định của Nghị định 130/2005/NĐ-CP, 117/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định chế độ tự chủ, tự chịu trách nhiệm về sử dụng biên chế và kinh phí quản lý hành chính đối với các cơ quan nhà nước; Nghị định số 43/2006/NĐ-CP của Chính phủ quy định quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, biên chế và tài chính đối với đơn vị sự nghiệp công lập).

Bên cạnh đó, kiểm toán viên cần lưu ý việc phân bổ giao dự toán nguồn cải cách tiền lương từ ngân sách để chi tăng lương, tinh giản biên chế, chi thu nhập tăng thêm theo Nghị quyết HĐND các tỉnh, thành phố; việc quản lý, sử dụng nguồn bổ sung có mục tiêu từ ngân sách cấp trên, trên cơ sở đó xác định số kinh phí thực tế đã thực hiện so với số kinh phí đã bổ sung, số kinh phí còn thừa không sử dụng để thu hồi về cho ngân sách cấp trên,...

Để đảm bảo cao nhất kết quả, hiệu quả của cuộc kiểm toán đòi hỏi các đơn vị kiểm toán cần bám sát các lưu ý, kinh nghiệm kiểm toán được chia sẻ, lưu ý những nội dung mang tính trọng yếu; bám sát phương pháp tiếp cận kiểm toán dựa trên đánh giá rủi ro, bên cạnh các giải pháp về nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, điều kiện làm việc.../.
NGUYỄN LỘC