Tổng Kiểm toán nhà nước: Làm tốt công tác dự báo để chủ động trong điều hành
Chính trị - Ngày đăng : 16:35, 25/05/2022
(BKTO) – Tại phiên thảo luận tổ về tình hình kinh tế - xã hội sáng 25/5, Tổng Kiểm toán nhà nước Trần Sỹ Thanh và một số đại biểu Quốc hội đề nghị cần làm tốt hơn công tác dự báo tình hình để chủ động điều hành trong bối cảnh tình hình thế giới đầy biến động phức tạp như hiện nay.
Đại biểu Quốc hội, Tổng Kiểm toán nhà nước Trần Sỹ Thanh phát biểu thảo luận tại tổ. Ảnh: Đ. KHOA |
Dự báo để ứng phó kịp thời, hiệu quả với những diễn biến phức tạp
Phát biểu tại phiên thảo luận, Tổng Kiểm toán nhà nước Trần Sỹ Thanh thống nhất về đánh giá kết quả cũng như những nhiệm vụ trọng tâm về phát triển kinh tế - xã hội trong thời gian tới. Tuy nhiên, Tổng kiểm toán nhà nước cũng bày tỏ băn khoăn khi báo cáo của Chính phủ còn thiếu phần dự báo.
Theo Tổng Kiểm toán nhà nước, trong làm chính sách, công tác dự báo rất quan trọng, nếu không dự báo tình hình sẽ rất bị động. Hiện nay tình hình thế giới phức tạp, xung đột Nga – Ukraina kéo theo hàng loạt vấn đề về giá cả, giá khí đốt, dầu mỏ, giá phân bón, lương thực. Tuy nhiên, công tác dự báo hiện nay còn yếu, do đó, đề nghị Chính phủ quan tâm và Quốc hội có ý kiến để bổ sung dự báo trong những tháng còn lại của năm 2022 và trong báo cáo tại Kỳ họp tháng 10 cần làm tốt công tác dự báo năm 2023; cần có những dự báo mang tính nguyên tắc trong bối cảnh tình hình thế giới biến đổi nhanh.
Chia sẻ quan điểm của Tổng Kiểm toán nhà nước, đại biểu Phan Đức Hiếu (Đoàn Thái Bình) cho rằng, công tác dự báo chưa bao giờ phức tạp như hiện nay, thậm chí các tổ chức quốc tế có uy tín cũng thường xuyên thay đổi dự báo của mình.
Gần đây Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) dự báo tăng trưởng giảm ở tất cả các khu vực, quốc gia và sẽ ảnh hưởng đến kinh tế Việt Nam. Đối với Việt Nam, IMF dự báo, chiến tranh Nga – Ukraina tác động làm giảm 0,5 điểm tăng trưởng và làm tăng thêm 0,8 điểm phần trăm về lạm phát.
Tuy nhiên, các tổ chức khác nhau dự báo rất khác nhau, như Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) dự báo tăng trưởng của nước ta là 6,5%. Các tổ chức trong nước thì dự báo thận trọng hơn. Như Nhóm nghiên cứu của ngân hàng BIDV thì đưa ra 3 kịch bản: (kịch bản ở mức xấu nhất, kịch bản ở mức trung bình và kịch bản ở mức cao nhất) trong đó kịch bản ở mức cao nhất vẫn dự báo tăng trưởng ở mức 6,5%.
Dự báo về tác động đến công tác điều hành chính sách, theo đại biểu Phan Đức Hiếu, có 3 yếu tố cần chú ý là hiện nay. Thứ nhất là căng thẳng về địa chính trị có thể vượt ra ngoài xung đột Nga – Ukraina và có thể dẫn đến nhiều căng thẳng khác, làm thay đổi quan hệ thương mại.
Thứ hai là những thay đổi của Trung Quốc làm thay đổi trật tự thương mại đặc biệt với các nước, trong đó có nước ta. Tăng trưởng giảm và chính sách phòng, chống dịch của Trung Quốc hiện nay tác động rất lớn đến đến hoạt động thương mại quốc tế, cũng như chuỗi cung ứng trên toàn cầu.
Thứ 3 là xu hướng thắt chặt chính sách tài khóa và tiền tệ ở nhiều nước trên thế giới, trong khi Việt Nam lại nới ra.
Theo đại biểu Phan Đức Hiếu, các tổ chức quốc tế khuyến cáo Việt Nam phải thích ứng linh hoạt trong điều hành kinh tế và phải bám sát diễn biến kinh tế thế giới để có giải pháp phù hợp. Vì vậy bên cạnh sự chủ động của Quốc hội, sự linh hoạt điều hành, bám sát diễn biến của Chính phủ, đại biểu, cần nghiên cứu có thêm biện pháp bổ sung để ứng phó kịp thời, hiệu quả với những diễn biến rất khó dự báo hiện nay.
Nhìn nhận vấn đề từ góc độ điều hành ngân sách, đại biểu Triệu Quang Huy (Đoàn Lạng Sơn) cũng cho rằng, công tác dự báo cần khắc phục những hạn chế để bám sát thực tiễn hơn. Điển hình như thu NSNN quý 4/2021 vượt dự toán lớn. Theo đại biểu, việc dự báo chưa sát sẽ ảnh hưởng đến công tác phân bổ, điều hành NSNN năm 2021 và công tác lập dự toán năm 2022.
Xây dựng quy trình vận hành nền hành chính đáp ứng yêu cầu thực tiễn
Liên quan đến công tác điều hành, Tổng Kiểm toán nhà nước Trần Sỹ Thanh chia sẻ, qua quá trình kiểm toán việc quản lý, sử dụng các nguồn lực phòng, chống dịch Covid-19, điều mà KTNN rất trăn trở là chúng ta chưa có luật vận hành nền hành chính trong trường hợp không phải là trường hợp quốc phòng khẩn cấp. Trong công tác phòng, chống dịch vừa qua, mặc dù Quốc hội đã có Nghị quyết cho phép Chính phủ thực hiện một số việc nhưng trong vận hành nền hành chính hàng ngày như mua sắm, thực hiện quy trình, tiếp nhận… không có một quy trình nào cho trường hợp khẩn cấp.
Các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ sáng 25/5. Ảnh: Đ. KHOA |
Hay khi các Bộ, ngành xây dựng văn bản, cơ chế chính sách, nếu theo Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật thì phải theo một trình tự rất nhiều khâu và có trường hợp cho phép rút gọn. Nhưng thực tế trong bối cảnh chống dịch thì rất khó thực hiện đầy đủ và khi “soi” lại thì sai về quy trình.
“Qua kết quả kiểm toán, KTNN sẽ kiến nghị Chính phủ xây dựng một luật, một quy trình mang tính nguyên tắc để vận hành nền hành chính theo từng cấp độ, trong đó quy định cụ thể cấp độ nào thì ban hành quy trình nào và ai là người ban hành lệnh đó… để nền hành chính vận hành trơn tru và minh bạch” - Tổng Kiểm toán nhà nước nhấn mạnh.
Tổng Kiểm toán nhà nước cũng chia sẻ về những bất cập, khó khăn trong đầu tư mua sắm, thanh toán chi phí phòng, chống Covid-19 và đề nghị cần sớm có giải pháp tháo gỡ tình trạng này, tạo cơ chế thuận lợi cho các cơ quan đơn vị thực hiện, vì mục tiêu cao nhất là chăm sóc sức khỏe của người dân.
Đồng tình quan điểm của Tổng Kiểm toán nhà nước, đại biểu Nguyễn Tân Cương (Đoàn Bình Dương) cũng đề nghị, cần xem xét về cơ chế, quy trình vận hành để đáp ứng từng thời điểm cụ thể, không thể áp một quy trình như nhau để xem xét, đánh giá, nhất là trong bối cảnh dịch bệnh như vừa qua.
Bên cạnh đó, các đại biểu Quốc hội đề nghị, Chính phủ cần báo cáo và đánh giá đầy đủ hơn bức tranh về tình hình hoạt động kinh doanh của DN. Trong đó cần nêu rõ cả những khía cạnh tiêu cực như số DN tạm ngừng kinh doanh tăng, những khó khăn về sản xuất kinh doanh của DN…
Bên cạnh đó, cần có những đánh giá cụ thể hơn về công tác cải cách thể chế và các giải pháp làm thay đổi căn cơ nền kinh tế. “Trong thời gian chống dịch, một số chuyên gia nhận định công tác cải cách thể chế, cải cách môi trường kinh doanh bị chững lại. Vậy thực tế có chững lại hay không thì Chính phủ cần báo cáo rõ, bởi thực tế còn rất nhiều rào cản kinh doanh” - đại biểu Phan Đức Hiếu phát biểu.
Chỉ ra thực trạng giải ngân đầu tư công chưa đạt kế hoạch, số chuyển nguồn sang năm 2022 lớn, các đại biểu cũng cho rằng, Chính phủ, các Bộ, ngành cần đánh giá cụ thể, chỉ rõ nguyên nhân và sớm có giải pháp khắc phục; đánh giá kết quả thực chất của việc ứng dụng công nghệ thông tin trong giải quyết thủ tục hành chính, sự hài lòng và tính thuận tiện trong sử dụng của người dân…
Đ. KHOA