Nhiều quốc gia đẩy mạnh các biện pháp phục hồi sản xuất, chống lạm phát

Chính trị - Ngày đăng : 20:50, 25/05/2022

(BKTO)- Chính phủ nhiều quốc gia trên thế giới đã liên tiếp có những chính sách tài khóa nhằm tạo thuận lợi cho phục hồi hoạt động sản xuất kinh doanh và chống lạm phát đang ngày một tăng cao.


New Zealand tăng lãi suất cơ bản lên mức cao nhất kể từ năm 2016
                
   

RBNZ đang cố gắng kiềm chế lạm phát đang ở mức cao nhất trong 30 năm qua - Nguồn: Reuters

   

Ngân hàng Dự trữ New Zealand (Ngân hàng Trung ương - RBNZ) đã quyết định tăng lãi suất cơ bản thêm 0,5 điểm phần trăm, lên 2%, mức cao nhất kể từ năm 2016.

Trong thông báo phát hành ngày 25/5, RBNZ cho biết cơ quan này đang cố gắng kiềm chế lạm phát, hiện ở mức cao nhất của 30 năm qua. Trước đó, vào tháng 4/2022, RBNZ cũng đã tiến hành tăng lãi suất cơ bản lên mức 1,5% và báo hiệu sẽ còn tiếp tục có những đợt tăng lãi suất khác trong vòng 3 năm tới.

Thông báo của RBNZ nêu rõ lạm phát có thể đạt đỉnh 7% trong quý II/2022, cao hơn nhiều so với mục tiêu 1-3%. Vì vậy, RBNZ nhận thấy vẫn còn dư địa để thắt chặt tiền tệ ở tốc độ phù hợp, nhằm duy trì sự ổn định giá cả và hỗ trợ tối đa phát triển việc làm bền vững. Các chuyên gia dự đoán, đến cuối năm nay lãi suất cơ bản của New Zealand sẽ chạm ngưỡng 3,4% và đạt tỷ lệ cao nhất 3,9% vào tháng 6/2023.

Giống như các nền kinh tế lớn khác trên toàn cầu, New Zealand đã sử dụng một lượng lớn các biện pháp kích thích tài chính và tiền tệ, để hỗ trợ người dân vượt qua đại dịch và giúp nền kinh tế phục hồi mạnh mẽ. Điều này cùng với các cuộc khủng hoảng toàn cầu như cuộc xung đột Nga - Ukraine và gián đoạn chuỗi cung ứng, đã đẩy lạm phát của nước này lên mức cao kỷ lục 6,9%, trong khi tỷ lệ thất nghiệp giảm xuống còn 3,2% - mức thấp nhất kể từ khi thực hiện thống kê.

Năm 2021, RBNZ đã trở thành ngân hàng trung ương tiên phong toàn cầu trong đổi chiều chính sách, loại bỏ dần các biện pháp kích thích bất thường thời kỳ đại dịch, nhằm cố gắng kiềm chế lạm phát đang gia tăng. RBNZ cho biết sẽ "kiên quyết trong cam kết của mình" để giữ lạm phát ở phạm vi mục tiêu an toàn. Việc tăng lãi suất kịp thời sẽ làm giảm nguy cơ lạm phát trở thành vĩnh viễn.

Sharon Zollner, nhà kinh tế trưởng của Ngân hàng ANZ, cho biết việc tăng lãi suất có thể khiến các hộ gia đình lo lắng, nhưng bà tin rằng cuối cùng thì tăng trưởng tiền lương sẽ bắt kịp lạm phát.

Nhà kinh tế Ben Udy của Công ty nghiên cứu thị trường Capital Economics cho biết RBNZ có vẻ khá cứng rắn trong tuyên bố của mình. Nhưng ông dự báo các đợt suy thoái giá nhà ở sắp tới sẽ buộc cơ quan này phải đảo ngược hướng đi và cắt giảm lãi suất vào năm 2023.

Động thái của RBNZ đã có tác động ngay lập tức đến thị trường tài chính, thể hiện qua việc đồng đô la New Zealand (NZD) tăng giá so với USD và hiện được giao dịch ở mức 1 NZD đổi ngang với 64,8 xu Mỹ.

Argentina nới lỏng kiểm soát ngoại tệ đối với các công ty dầu khí
                
   

Mỏ khí đá phiến Vaca Muerta - Nguồn: sưu tầm.

   

Ngày 24/5 vừa qua, Bộ trưởng Kinh tế Argentina Martin Guzman cho biết chính phủ nước này đã quyết định nới lỏng cơ chế kiểm soát ngoại tệ đối với các công ty dầu khí có sản lượng tăng so với năm 2021 nhằm khuyến khích các hoạt động đầu tư và thúc đẩy sản xuất trong bối cảnh thị trường hối đoái Argentina có nhiều hạn chế.

Theo sắc lệnh do Tổng thống Alberto Fernandez ký, thông qua một cơ chế đặc biệt các công ty dầu mỏ sẽ được tiếp cận nguồn ngoại tệ tương đương với 20% mức tăng sản lượng khai thác đã đạt được trong năm 2022 so với một năm trước đó. Trong khi đó, nguồn ngoại tệ được tiếp cận đối với các công ty khí đốt sẽ tương đương với 30% sản lượng tăng bơm vào các đường ống so với năm 2021.

Bộ trưởng Guzman cho rằng, biện pháp này sẽ giúp giải quyết những hạn chế và rào cản trong lĩnh vực dầu khí, cho phép các công ty tiếp cận với nguồn ngoại tệ cần thiết để mua sắm các trang thiết bị đặc biệt phục vụ cho các hoạt động gia tăng sản xuất trong lĩnh vực này.

Chính phủ Argentina hy vọng với những điều chỉnh trên, sản lượng dầu thô của nước này sẽ tăng khoảng 71,2% và sản lượng khí đốt sẽ tăng khoảng 30% vào năm 2026, đồng thời sẽ giúp nước này thu được khoảng 18 tỷ USD/năm từ các hoạt động xuất khẩu.

Trong những năm gần đây, Argentina đang tìm cách thúc đẩy khai thác dầu khí ở khu vực mỏ Vaca Muerta ở tỉnh miền Nam Neuquen, nơi được coi là có trữ lượng khí đá phiến lớn thứ hai và trữ lượng dầu khí đá phiến sét lớn thứ tư thế giới song chưa thể phát triển như kỳ vọng do đòi hỏi nguồn đầu tư quá cao.

Với diện tích khoảng 30.000 km2, Vaca Muerta có trữ lượng ước tính 22,5 tỷ thùng dầu quy đổi, cho phép Argentina đứng trong tốp đầu thế giới về trữ lượng nguồn dầu khí phi truyền thống này.

Từ năm 2013 đã có gần 20 công ty tham gia các hoạt động khai thác và sản xuất tại khu vực này, trong đó có các tập đoàn xuyên quốc gia như Chevron, Shell, Total y Statoil cùng với công ty nhà nước Argentina là YPF.

ECB có thể chấm dứt kỷ nguyên lãi suất âm vào tháng 9 tới
                
   

Trụ sởECB tạithành phố Frankfurt (Đức) - Nguồn:Neweurope

   

Đây là tuyên bố của Chủ tịchNgân hàng Trung ương châu Âu (ECB)- bà Christine Lagarde, đưa ra ngày 23/5 trong bối cảnh Khu vực Đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) đang đối mặt với tình trạng lạm phát phi mã.

Trong bài viết của mình, bà Lagarde nêu rõ: "ECB có thể chấm dứt lãi suất âm vào cuối quý III/2022". Theo bà, vào đầu quý tới, ngân hàng sẽ kết thúc chương trình kích thích mua trái phiếu, tạo đà cho quyết định nâng lãi suất cơ bản tại cuộc họp ban điều hành, dự kiến diễn ra trong tháng 7.

Nếu được thực hiện, đây sẽ là lần tăng lãi suất đầu tiên của ECB trong hơn một thập niên qua và sẽ nâng từ các mức lãi suất thấp kỷ lục hiện nay, trong đó có lãi suất tiền gửi hiện ở mức -0,5%,

Chủ tịch ECB Lagarde nhấn mạnh mọi quyết định tăng lãi suất đều sẽ tùy thuộc vào diễn biến của lạm phát. Nếu tỷ lệ lạm phát được dự báo ổn định quanh mục tiêu 2% của ECB, việc tăng lãi suất tiếp theo sẽ là phù hợp.

Dự kiến trong các cuộc họp quan trọng lần lượt vào ngày 09/6 và 21/7 tới, các nhà hoạch định chính sách của ECB sẽ đưa ra quyết định về các vấn đề này. Hiện Chủ tịch Lagarde đang chịu áp lực tăng lãi suất sớm hơn do tỷ lệ lạm phát tại Eurozone tăng mạnh trong thời gian gần đây.

Trong tháng 4 vừa qua, giá tiêu dùng tại các nước Eurozone tăng vọt 7,5% - mức cao nhất từ trước tới nay và cao hơn nhiều mục tiêu 2% của ECB. Nguyên nhân là do biến động trên thị trường năng lượng và lương thực thế giới, buộc các ngân hàng trung ương điều chỉnh lãi suất cơ bản.
NAM SƠN