Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội: Lịch sử là môn học bắt buộc ở cấp Trung học phổ thông
Chính trị - Ngày đăng : 09:20, 26/05/2022
(BKTO) – Trên cơ sở tổng hợp ý kiến cử tri và tham vấn các chuyên gia, nhà khoa học… Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định môn học Lịch sử cấp trung học phổ thông (THPT) trong Chương trình giáo dục phổ thông 2018 là môn học bắt buộc với khối lượng kiến thức phù hợp.
Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội vừa có báo cáo gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đối với môn Lịch sử cấp THPT.
Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội đề nghị quy định môn học Lịch sử cấpTHPT là môn học bắt buộc. Ảnh minh họa: nhandan.vn |
Theo đó, trong quá trình triển khai thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018, nhiều ý kiến cử tri, Nhân dân và dư luận băn khoăn đối với quy định môn học Lịch sử cấp THPT là môn học lựa chọn, không phải là môn học bắt buộc; đồng thời cho rằng quy định này sẽ ảnh hưởng tới mục tiêu giáo dục lòng yêu nước, truyền thống lịch sử dân tộc cho học sinh.
Trên cơ sở tổng hợp ý kiến cử tri trước Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã giao Ủy ban Văn hóa, Giáo dục tiếp tục giám sát việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông, trong đó có nội dung liên quan đến môn học Lịch sử ở cấp THPT, báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, cho ý kiến.
Theo báo cáo của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, chương trình môn học Lịch sử là nội dung bắt buộc trong toàn bộ giai đoạn giáo dục cơ bản (cấp tiểu học và trung học cơ sở) và là môn lựa chọn trong giai đoạn giáo dục định hướng nghề nghiệp (THPT), được thiết kế theo hướng chuyên sâu.
Theo đó, ở cấp THPT (từ lớp 10 đến lớp 12), ngoài các môn học và hoạt động giáo dục bắt buộc, học sinh được chọn 5 môn học từ 3 nhóm môn (Nhóm môn khoa học xã hội: Lịch sử, Địa lí, Giáo dục kinh tế và pháp luật; Nhóm môn khoa học tự nhiên: Vật lí, Hoá học, Sinh học; Nhóm môn công nghệ và nghệ thuật: Công nghệ, Tin học, Nghệ thuật: âm nhạc, mỹ thuật), trong đó, mỗi nhóm chọn ít nhất 1 môn học và các chuyên đề học tập lựa chọn.
Theo Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, khi môn Lịch sử cấp THPT là môn học lựa chọn sẽ có 3 khả năng xảy ra, trong đó có khả năng học sinh không lựa chọn môn Lịch sử.
"Khi môn Lịch sử cấp THPT là môn học lựa chọn, nếu học sinh không lựa chọn môn Lịch sử thì không học thêm tiết nào. Kiến thức phổ thông dừng lại ở kiến thức chương trình tiểu học, trung học cơ sở và tích hợp ở một số môn học khác. Thời lượng học ít hơn Chương trình giáo dục phổ thông 2006 là 140 tiết” - Báo cáo nêu.
Về mặt nội dung, cấu trúc chương trình môn Lịch sử trong Chương trình giáo dục phổ thông 2018 có sự thay đổi căn bản, thể hiện rõ mục tiêu định hướng nghề nghiệp có nhiều điểm mới so với trước đây.
Tuy nhiên, kết quả tổng hợp kiến nghị của cử tri, Nhân dân, các chuyên gia, nhà khoa học, nhà giáo cho thấy, đa số các ý kiến không đồng tình đối với việc đưa môn Lịch sử cấp THPT thành môn lựa chọn.
“Nếu học sinh không lựa chọn môn lịch sử ở cấp THPT (thực tiễn cho thấy, số lượng này có thể lên tới 50% học sinh), các em sẽ không được tiếp cận với những kiến thức rất quan trọng, có ý nghĩa giáo dục đối với lứa tuổi này” - Ủy ban Văn hóa, Giáo dục lưu ý.
Bên cạnh đó, ở nhiều nước trên thế giới, môn Lịch sử trong chương trình THPT luôn là môn học bắt buộc.
“Vì vậy cần tiếp thu ý kiến đông đảo của cử tri, các tầng lớp Nhân dân theo hướng quy định môn Lịch sử là môn học bắt buộc đối với cấp THPT trong Chương trình giáo dục phổ thông 2018 với khối lượng kiến thức phù hợp; thiết kế bao gồm khối lượng kiến thức lịch sử (phần bắt buộc) và khối lượng kiến thức định hướng nghề nghiệp (phần lựa chọn)” - Ủy ban Văn hóa, Giáo dục đưa ra quan điểm.
Đồng thời, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần tiếp tục đổi mới phương pháp dạy học và cách thức thi, kiểm tra, đánh giá kết quả giáo dục đối với môn học Lịch sử; đồng thời truyền cảm hứng cho học sinh yêu thích môn Lịch sử./.
Đ. KHOA