Để Kiểm toán nhà nước phát huy hơn nữa vai trò phòng, chống tham nhũng

Hoạt động của Ngành - Ngày đăng : 14:36, 26/05/2022

(BKTO) - Thực tiễn cho thấy thông qua hoạt động kiểm toán, KTNN đã góp phần quan trọng vào việc hạn chế các hành vi lợi dụng, lách luật, dẫn đến tham nhũng, lãng phí. Tuy vậy, để KTNN có thể phát huy tốt hơn nữa vai trò này, pháp luật về phòng, chống tham nhũng (PCTN) cũng như cơ chế, chính sách đối với kiểm toán viên cần tiếp tục được đổi mới, hoàn thiện.



KTNN đã góp phần quan trọng vào việc hạn chế các hành vi tiêu cực, tham nhũng. Ảnh tư liệu

Kiểm toán góp phần hạn chếcác hành vi tiêu cực,tham nhũng

Quán triệt quan điểm của Đảng đối với công tác PCTN, lãng phí trong hoạt động kiểm toán, KTNN đã tham mưu cho Quốc hội ban hành Luật KTNN năm 2015 và Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật KTNN để nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động kiểm toán phù hợp với yêu cầu quản lý kinh tế - xã hội của đất nước. Bên cạnh đó, KTNN đã chủ động ban hành, sửa đổi kịp thời các quy định, quy trình kiểm toán và kiểm soát chất lượng kiểm toán; siết chặt kỷ luật, kỷ cương để quản lý chặt chẽ hoạt động kiểm toán. Các quy định, quy trình này và Luật KTNN, Luật PCTN 2018, Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2013 là điều kiện đảm bảo để KTNN phát huy vai trò PCTN, lãng phí.

Giai đoạn 2016-2020, qua kiểm toán, KTNN phát hiện những hiện tượng, dấu hiệu tham ô, lãng phí, không tuân thủ pháp luật trong quản lý kinh tế, tài chính, sử dụng kém hiệu quả các nguồn lực của quốc gia; kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền kịp thời ngăn chặn và xử lý hành vi tham nhũng, tiêu cực. Đồng thời, KTNN đã kiến nghị sửa đổi, bổ sung, thay thế, hủy bỏ văn bản quy phạm pháp luật, văn bản quản lý sai quy định hoặc không phù hợp với quy định chung của Nhà nước và thực tiễn, góp phần hạn chế các hành vi lợi dụng, lách luật, dẫn đến tham nhũng, lãng phí. Các kết luận kiểm toán đều được KTNN công khai, minh bạch làm cơ sở cho hoạt động kiểm tra, giám sát về công tác PCTN, lãng phí cho các cơ quan hữu quan.

Công tác PCTN, lãng phí thông qua hoạt động kiểm toán đã rèn luyện bản lĩnh cho kiểm toán viên nhà nước trước các cám dỗ về lợi ích kinh tế. Nhiệm vụ này đòi hỏi kiểm toán viên luôn đề cao đạo đức, năng lực chuyên môn, bản lĩnh chính trị vững vàng trong thực thi công vụ, đồng thời tránh xa các hành vi tiêu cực.

Phòng, chống tham nhũngcòn nhiều thách thức

Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác PCTN, lãng phí qua hoạt động KTNN vẫn còn gặp nhiều thách thức. Cụ thể, nhiều sai phạm trong lĩnh vực đầu tư, thuế chưa có đủ căn cứ, cơ sở để khẳng định là hành vi tham nhũng, lãng phí. Một số đơn vị chưa thực hiện nghiêm, triệt để các kiến nghị kiểm toán. Việc kiểm toán các vụ việc tham nhũng, lãng phí chưa có quy định, hướng dẫn thực hiện. Hơn nữa, hành vi tham nhũng, tiêu cực rất đa dạng, phức tạp và biến tướng ngày càng tinh vi, khó phát hiện. Lợi ích mà tham nhũng hướng đến không chỉ diễn ra trong khu vực công mà còn trong khu vực tư, có sự móc nối, câu kết chặt chẽ giữa người trong khu vực nhà nước với DN...

Nguyên nhân của tham nhũng là do một bộ phận cán bộ, đảng viên tha hóa, biến chất, chạy theo lối sống vật chất, có mục tiêu và động cơ tham nhũng, từ đó lợi dụng, lạm dụng quyền hạn để trục lợi. Mặt khác, hiện nay, mức lương của cán bộ, công chức, viên chức còn thấp so với mức lương tối thiểu khu vực sản xuất, tư nhân. Hệ thống lương công vụ vẫn nặng tính bình quân, cào bằng, nặng tính bằng cấp, chưa phù hợp với năng lực làm việc. Điều này khiến cán bộ, công chức không đủ sống, từ đó dễ dẫn đến việc hình thành hành vi tiêu cực, tham nhũng. Cùng với đó, sự hạn chế, bất cập trong hệ thống pháp luật, chính sách, chế độ, những yếu kém nhất định trong công tác quản lý nhà nước trên một số lĩnh vực cũng chính là nguyên nhân khiến tham nhũng, lãng phí vẫn rất phức tạp.

Đẩy mạnh kiểm toán lĩnh vực ngân sách,hoàn thiện cơ chế, chính sách

Để nâng cao hiệu lực, hiệu quả PCTN, lãng phí qua hoạt động kiểm toán, trước hết, KTNN cần đẩy mạnh kiểm toán báo cáo quyết toán ngân sách các cấp; nâng cao hiệu lực kiểm toán dự toán NSNN để giúp Quốc hội, các Bộ, ngành, địa phương quyết định dự toán NSNN, phân bổ ngân sách trung ương, quyết định đầu tư các công trình, dự án quan trọng quốc gia và phê chuẩn quyết toán NSNN. Đồng thời, KTNN tập trung kiểm toán đánh giá hiệu lực, hiệu quả cơ chế, chính sách; chú trọng phát hiện các kẽ hở trong cơ chế, chính sách, pháp luật, những điểm nghẽn, rào cản ảnh hưởng đến động lực phát triển kinh tế nhanh và bền vững để kiến nghị với Đảng, Nhà nước hoàn thiện đồng bộ hệ thống pháp luật, bảo đảm chặt chẽ, tăng cường kỷ luật, kỷ cương.

Thứ hai, đổi mới chế độ tiền lương và các chính sách đối với công chức; thực hiện nghiêm quy định về chuyển đổi vị trí công tác đối với công chức, đặc biệt là công chức liên quan đến các lĩnh vực nhạy cảm, dễ xảy ra tham nhũng; công chức làm việc tại các cơ quan PCTN.

Thứ ba, tiếp tục kiến nghị sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện chính sách, pháp luật về PCTN, lãng phí; hoàn thiện các quy định về tố cáo và giải quyết tố cáo hành vi tham nhũng trong hoạt động KTNN.

Thứ tư, đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ và có chế độ khen thưởng, bảo vệ cán bộ, công chức làm công tác PCTN trong hoạt động KTNN. Xây dựng và nâng cao năng lực của cơ quan chuyên trách PCTN độc lập để xử lý các vụ án tham nhũng tại KTNN.

Thứ năm, xử lý kiên quyết, kịp thời, nghiêm minh và không có vùng cấm đối với các hành vi tham nhũng trong hoạt động KTNN.
         
Giai đoạn 2016-2020, KTNN đã kiến nghị sửa đổi, bổ sung, thay thế, hủy bỏ 869 văn bản quy phạm pháp luật; cung cấp 498 hồ sơ, báo cáo kiểm toán và các tài liệu liên quan cho các cơ quan của Quốc hội, Ủy ban Kiểm tra T.Ư, cơ quan điều tra và các cơ quan có thẩm quyền để phục vụ công tác điều tra, kiểm tra, giám sát.
TS. LÊ ĐỨC LUẬN
Vụ Trưởng Vụ Chế độ và Kiểm soát chất lượng kiểm toán, KTNN