Sách giáo khoa mới tăng giá: Người dân thêm lo, đại biểu Quốc hội đề nghị tăng giám sát
Kinh tế - Ngày đăng : 15:51, 26/05/2022
(BKTO) - Sách giáo khoa (SGK) mới tăng giá, trong khi chưa thể sử dụng lại sách cũ do biến động thay sách gây thêm gánh nặng chi phí cho người dân… là những băn khoăn của nhiều phụ huynh, chuyên gia, trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 đã và đang gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến thu nhập của mỗi gia đình. Đây cũng là vấn đề cử tri, đại biểu Quốc hội quan tâm và đề nghị tăng cường giám sát.
Giá SGK tăng, gây thêm gánh nặng cho người dân. Ảnh tư liệu |
Giá sách đều tăng
Nhà xuất bản (NXB) Giáo dục Việt Nam (Bộ Giáo dục và Đào tạo – GD&ĐT) mới đây công bố giá SGK mới của lớp 3, 7, 10 ở hai bộ "Kết nối tri thức với cuộc sống" và "Chân trời sáng tạo", áp dụng từ năm học 2022-2023. So với sách hiện hành, giá các bộ sách này cao hơn từ 2-3 lần.
Cụ thể, bộ SGK lớp 3 hiện hành (chưa bao gồm sách tiếng Anh) chỉ khoảng 60.000 đồng/bộ thì giá sách mới công bố là hơn 180.000 đồng/bộ (cao hơn gấp 3 lần).
Bộ SGK lớp 7 hiện hành có giá bìa là gần 120.000 đồng/bộ (chưa bao gồm sách tiếng Anh) thì bộ SGK mới cũng chưa bao gồm sách tiếng Anh là gần 210.000 đồng/bộ.
Giá của bộ SGK lớp 10 hiện hành với 13 môn học được niêm yết là 164.000 đồng thì giá SGK mới lớp 10 từ 246.000 đồng/bộ đến 300.000 đồng/bộ.
Theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018 (Chương trình mới), môn ngoại ngữ là môn học bắt buộc từ lớp 3 trở lên. Môn ngoại ngữ cũng là môn học có số đầu SGK được Bộ GD&ĐT phê duyệt nhiều nhất. Nhưng hiện các đơn vị xuất bản đều chưa công bố giá sách ngoại ngữ. Nếu tính cả SGK tiếng Anh, giá một bộ sách mới sẽ còn cao hơn nữa.
Lý giải về giá sách tăng, NXB Giáo dục Việt Nam cho biết, sách mới được thiết kế theo hướng phát triển phẩm chất, năng lực cho học sinh, tăng cường kênh hình với nhiều hình thức trình bày, minh hoạ sinh động, hấp dẫn; khổ sách 19 x 26,5 cm, chất liệu giấy đẹp hơn. Đơn vị này cũng cho hay thực hiện chỉ đạo của Bộ GD&ĐT, đơn vị luôn đặt tiêu chí phục vụ ngành và xã hội lên hàng đầu.
Tuy nhiên, nhiều phụ huynh cho rằng, trong bối cảnh dịch Covid-19 kéo dài, đời sống của người dân chịu nhiều ảnh hưởng, việc giá SGK tăng mạnh thời điểm này là điều không phù hợp.
Nhẩm tính một bộ SGK (đủ) bậc trung học cơ sở có giá khoảng 500.000 đồng, chị Nguyễn Thị Hoài (phường Đại Kim, quận Hoàng Mai, TP. Hà Nội) cho biết, gia đình có 3 con đang trong tuổi học phổ thông, nếu nhân lên cũng hết vài triệu đồng, đó là chưa kể sách tham khảo và các chi phí phát sinh đầu năm học khác. “Với gia đình khá giả không sao, nhưng với gia đình có hoàn cảnh khó khăn, thì đây thực sự là một gánh nặng không dễ xoay sở” – chị Hoài nói và cho biết gia đình chồng mất sớm, những đồng lương công nhân của chị phải rất khó khăn để lo cuộc sống cho bốn mẹ con thoát khỏi cảnh nghèo.
Cần giám sát và có sự điều chỉnh phù hợp, kịp thời
Dù đồng tình với lý giải của NXB Giáo dục về giá sách, song nhiều gia đình cũng cho rằng, với gia đình có hoàn cảnh khó khăn thì giá sách tăng là vấn đề lớn. Bởi ngoài sách, phụ huynh còn phải "gánh" thêm đủ các khoản phí như đồ dùng học tập, quần áo,... cho con đến trường.
Do đó, NXB cần có thêm chính sách trợ giá để tất cả học sinh đều được học sách chất lượng như nhau cả về nội dung lẫn hình thức.
Cần có phương án giữ ổn định giá sách, cũng như sử dụng lại SGK để tránh lãng phí. Ảnh: N.LỘC |
Về vấn đề này, thông tin tại phiên thảo luận tổ ở Quốc hội ngày 25/5, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn cho biết, Bộ đã chỉ đạo NXB Giáo dục mỗi bản sách có dành 25.000 bản để phát cho học sinh ở các vùng sâu, vùng xa.
Bên cạnh đó, ngay khi sách chưa phát hành thì đã yêu cầu NXB cung cấp file PDF lên các trang của NXB để học sinh có thể tải xuống một cách thuận tiện.
Bộ cũng đang triển khai các giải pháp để đưa giá sách ở mức hợp lý nhất nhằm thuận tiện cho người học.
Trong khi đó, theo một số chuyên gia giáo dục, ngoài những giải pháp “đến hẹn lại lên”, đó là xoay sở các giải pháp hỗ trợ sách cho học sinh có điều kiện kinh tế khó khăn, thì còn một phương án khác mà xã hội đã góp ý từ lâu song chưa được thực hiện, đó là dùng lại SGK.
Nhắc lại quan điểm chỉ đạo của Bộ GD&ĐT trước khi xây dựng chương trình, SKG mới, đó là: SGK cần được sử dụng, bảo quản tốt để có thể sử dụng lại được khi cần thiết, tránh lãng phí cho gia đình học sinh, xã hội, PGS,TS. Nguyễn Kế Hào (nguyên Vụ trưởng Vụ Tiểu học, Bộ GD&ĐT) cho rằng, Bộ GD&ĐT cần xem lại thực tiễn triển khai vấn đề này, khi SGK hiện nay không thể sử dụng lại, gây lãng phí cho xã hội, cho người dân.
Bên cạnh đó, các chuyên gia cũng cho rằng, dù chủ trương xã hội hóa, nhiều đơn vị tham gia xây dựng nhiều bộ sách để nhà trường, người học có cơ hội lựa chọn sách tốt nhất, nhưng thực tế nhiều bộ sách như SGK lớp 1, lớp 2, lớp 6 của NXB Giáo dục Việt Nam vẫn đầy "sạn" và đến nay chưa khắc phục hết; đồng thời đề nghị Bộ GD&ĐT, các cơ quan chức năng cần tăng cường vai trò giám sát, thanh tra, kiểm tra, kiểm toán đối với vấn đề này.
Đây cũng chính là vấn đề đang làm “nóng” nghị trường Quốc hội, khi các đại biểu đề cập đến nội dung giám sát chương trình, SGK mới trong Chương trình giám sát của Quốc hội năm 2023. Đánh giá cao kết quả đổi mới Chương trình, SGK giáo dục phổ thông vừa qua, song nhiều đại biểu Quốc hội cũng băn khoăn trước thực tế là Chương trình mới có nhiều điểm không phù hợp. SGK in sai, lỗi nhiều, ngôn từ còn nhiều chỗ không phù hợp, hình ảnh chưa được chuẩn mực...
Đặc biệt, SGK không được sử dụng lại nên hằng năm cả xã hội vẫn phải tốn nhiều tỷ đồng để mua sắm sách mới, gây khó khăn lớn cho các gia đình có con đi học, đặc biệt những gia đình nghèo, đông con đi học.
Quốc hội sẽ giám sát việc đổi mới Chương trình, SGK Tại Phiên họp thứ 10, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thống nhất về dự kiến Chương trình giám sát của Quốc hội năm 2023. Theo đó, việc thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 và Nghị quyết số 51/2017/QH14 của Quốc hội về đổi mới Chương trình, SGK giáo dục phổ thông sẽ là một trong 4 chuyên đề giám sát trong năm 2023. Tại phiên thảo luận về dự kiến Chương trình giám sát của Quốc hội năm 2023, tại Kỳ họp thứ 3 mới đây, các đại biểu Quốc hội tiếp tục thể hiện sự đồng tình cao khi đề cập đến nội dung giám sát việc thực hiện đổi mới Chương trình, SGK giáo dục phổ thông trong chương trình giám sát năm 2023 và cho rằng vấn đề này cần được Quốc hội giám sát tối cao. |
NGUYỄN LỘC