Petrovietnam linh hoạt thích ứng với xu hướng chuyển dịch năng lượng
Doanh nghiệp - Ngày đăng : 21:06, 26/05/2022
(BKTO) - Xu thế chung của ngành năng lượng trên thế giới hiện nay là chuyển dịch theo hướng năng lượng xanh, phát triển năng lượng bền vững. Là một tập đoàn lớn hoạt động trong lĩnh vực năng lượng, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam) đang chủ động xây dựng chiến lược, kế hoạch hành động sẵn sàng cho cuộc đại chuyển dịch năng lượng theo định hướng của Đảng và Nhà nước.
PVN đã triển khai nhiều dự án trong lĩnh vực năng lượng. Ảnh: PVN |
Bắt nhịp xu hướng chuyển dịch năng lượng
Tại Hội thảo chuyên đề về “Đánh giá tác động của xu hướng chuyển dịch năng lượng đến hoạt động của Petrovietnam - Các giải pháp để thực thi kịp thời chiến lược chuyển đổi Petrovietnam thành tập đoàn năng lượng” diễn ra ngày 24/5, tại Hà Nội, các chuyên gia đã đề cập nhiều đến những thuận lợi, khó khăn, thách thức mà Petrovietnam phải đối mặt khi thực hiện chuyển dịch năng lượng xanh, phát triển bền vững.
Theo báo cáo của Ban Chiến lược Tập đoàn, kịch bản không phát thải carbon (NZE) cho thấy, tỷ trọng nguồn điện năng lượng tái tạo sẽ tăng từ 29% hiện nay lên 88% vào năm 2050. Đồng thời tiêu thụ khí giảm 1.750 tỷ m3 (11%) và tiêu thụ dầu thô giảm còn 24 triệu thùng/ngày vào 2050 (8%).
Ban Chiến lược đã xây dựng lộ trình kịch bản NZE đến năm 2030 dựa trên 03 trụ cột chính, gồm: Tiết kiệm năng lượng, Năng lượng tái tạo và Điện khí hóa. Bởi theo xu hướng được dự báo, sau năm 2030, năng lượng thế giới sẽ dựa vào năng lượng sinh học, hydro và nhiên liệu gốc hydro. Đến nay, hầu hết các công ty dầu khí lớn đều đặt mục tiêu và triển khai các giải pháp giảm phát thải, thực tế đã có khoảng 15 công ty dầu khí lớn (chiếm hơn 30% tổng sản lượng khai thác toàn cầu) cam kết phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.
Tại Việt Nam, Nghị quyết 55-NQ/TW ngày 11/2/2020 của Bộ Chính trị về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 sẽ tập trung phát triển năng lượng tái tạo, năng lượng mới. Đồng thời cập nhật Đóng góp quốc gia tự quyết định (NDC), Việt Nam có thể giảm tối đa 27% lượng phát thải, 250,8 triệu tấn CO2 tương đương vào năm 2030.
Theo kết quả kiểm kê khí nhà kính mới nhất, năng lượng là lĩnh vực phát thải nhiều nhất, chiếm đến 60% tổng lượng phát thải. Dự báo, đến năm 2030, tỷ lệ phát thải của năng lượng còn tăng đến 73%. Do đó, trong lộ trình cắt giảm khí nhà kính, Việt Nam xác định năng lượng là lĩnh vực cần được cắt giảm sâu nhất.
Nếu bằng nội lực, Việt Nam dự tính, đối với lĩnh vực năng lượng, mục tiêu đặt ra là cắt giảm 51,5 triệu tấn CO2 tương đương, chiếm 5,5% so với kịch bản phát thải thông thường quốc gia vào năm 2030. Còn nếu nhận được sự hỗ trợ tích cực từ quốc tế, lĩnh vực năng lượng sẽ giảm 155,8 triệu tấn CO2 tương đương, chiếm 16,7% so với kịch bản phát thải thông thường quốc gia vào năm 2030.
Thể hiện những cam kết mạnh mẽ, Chính phủ Việt Nam đã nêu mục tiêu phát thải ròng bằng không vào năm 2050 tại COP 26; Dự thảo Quy hoạch Điện VIII cũng nâng tỷ trọng nguồn điện năng lượng tái tạo đạt 26% vào năm 2030 và 54% vào năm 2045; Tỷ trọng nguồn điện khí giảm, cụ thể đạt 25% vào năm 2030 và còn 18% vào năm 2045.
Nhiều thách thức đặt ra với Petrovietnam
Các chuyên gia đánh giá, cơ chế, chính sách, cam kết của Việt Nam về giảm thiểu biến đổi khí hậu và phát triển năng lượng xanh, sạch, phát triển bền vững ngày càng tiếp cận theo xu hướng chung của thế giới. Chính vì vậy, nhu cầu tiêu thụ nhiên liệu hóa thạch và các sản phẩm từ nhiên liệu hóa thạch như xăng, dầu, khí và than sẽ giảm sau năm 2030.
Quang cảnh Hội thảo chuyên đề về Đánh giá tác động của xu hướng chuyển dịch năng lượng... Ảnh: PVN |
Bởi vậy, các sản phẩm chính của Petrovietnam sẽ phải vừa đáp ứng yêu cầu khắt khe về chất lượng và môi trường, vừa chịu sự cạnh tranh gay gắt từ sản phẩm nhập khẩu, cũng như nguồn cung gia tăng từ năng lượng tái tạo. Trong đó, tiêu chí môi trường hiện đã được nhiều quỹ đầu tư, ngân hàng đặt làm điều kiện cần để cho vay các dự án năng lượng. Hơn nữa, áp lực từ cộng đồng dân cư, xã hội để bảo vệ môi trường, tránh ảnh hưởng từ các dự án năng lượng đến môi trường ngày càng tăng…
Xu hướng của thế giới, cũng như dự thảo Quy hoạch điện VIII cho thấy, sau năm 2030 và năm 2035 nhu cầu khí giảm dẫn đến hiệu quả đầu tư, kinh doanh rủi ro cao, các dự án khí tăng chi phí liên quan đến môi trường (chi phí CO2, chi phí lắp đặt thu hồi methane/CO2, đặc biệt với nhà máy điện than). Các nhà máy điện sử dụng nhiên liệu hóa thạch cũng ngày càng khó cạnh tranh với nguồn điện năng lượng tái tạo.
Trong khi đó, lĩnh vực điện nằm trong chuỗi giá trị dầu khí, là hộ tiêu thụ chính của công nghiệp khí. Tính đến nay, Petrovietnam có 8 nhà máy điện đang vận hành với tổng công suất lắp đặt 5.405 MW, chiếm khoảng 8% công suất lắp đặt cả nước và sản lượng điện khoảng 20 tỷ kWh/năm, chiếm khoảng 10-12% sản lượng điện toàn quốc.
Để đáp ứng nhu cầu điện ngày càng tăng, công suất đặt toàn quốc hàng năm tăng 8-9%. Trong đó, năng lượng tái tạo tăng mạnh, tỷ trọng công suất năng lượng tái tạo năm 2020 là 25% và lần lượt tăng lên 32% vào năm 2030 và 58% vào năm 2045. Đáng chú ý, trong nguồn năng lượng tái tạo, điện gió ngoài khơi sẽ tăng nhanh từ 7GW năm 2030 lên 64,5GW năm 2045, vượt công suất điện gió trên bờ.
Góp phần cùng các công ty năng lượng trên cả nước để đạt được mục tiêu tăng 8-10% công suất hệ thống đến năm 2030, Petrovietnam cần tham gia đầu tư ít nhất một dự án điện gió ngoài khơi với công suất khoảng 1GW (trong số 7GW đến năm 2030). Còn trong giai đoạn 2030-2045, Petrovietnam cần phải bổ sung thêm 13-22 GW từ nguồn điện khí và năng lượng tái tạo (đặc biệt là điện gió ngoài khơi).
Theo Chủ tịch HĐTV Petrovietnam Hoàng Quốc Vượng, Tập đoàn đã xây dựng Chiến lược phát triển đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, trong đó xu thế chuyển dịch năng lượng là tất yếu. Trong bối cảnh đó, Tập đoàn sẽ tập trung nhiều hơn vào năng lượng tái tạo. Định hướng chính vẫn là phát triển thành Tập đoàn năng lượng theo nhiệm vụ mà Đảng và Nhà nước giao./.
QUỲNH ANH