Đã hạn chế tối đa chồng chéo, trùng lặp trong hoạt động thanh tra, kiểm toán

Chính trị - Ngày đăng : 10:35, 27/05/2022

(BKTO) - Đại biểu Quốc hội, Tổng Kiểm toán nhà nước Trần Sỹ Thanh khẳng định điều này khi phát biểu thảo luận tại phiên thảo luận tổ về dự án Luật Thanh tra (sửa đổi) chiều 26/5.


                
   

Tổng Kiểm toán nhà nước Trần Sỹ Thanh phát biểu thảo luận.
   Ảnh: Đ. KHOA

   

Phối hợp chặt chẽ, rà soát kỹ lưỡng

Phát biểu tại phiên thảo luận, Tổng Kiểm toán nhà nước Trần Sỹ Thanh tán thành phương án giữ nguyên quy định về thanh tra cấp huyện.

Theo Tổng Kiểm toán nhà nước, thực tế tại cơ sở cho thấy, thanh tra huyện phải đảm nhận rất nhiều việc như giải quyết khiếu nại, tố cáo, giải phóng mặt bằng... Nếu không có lực lượng này thì sẽ không có người giúp việc cho Chủ tịch UBND huyện trong giải quyết khiếu nại, tố cáo.

“Thanh tra cấp huyện sẽ là bộ phận tham mưu, vừa tiếp dân, vừa xử lý đơn, vừa là đầu mối giải quyết ban đầu. Nếu thanh tra huyện làm tốt thì sẽ tránh được khiếu nại, tố cáo nên cấp tỉnh và Trung ương. Vì vậy không nên bỏ thanh tra cấp huyện” - Tổng Kiểm toán nhà nước đề nghị.

Về quy định thanh tra chuyên ngành ở cấp sở, Tổng Kiểm toán nhà nước đề xuất nên quy định theo hướng HĐND tỉnh quyết định thành lập thanh tra Sở, nhằm đảm bảo tính ổn định, phù hợp với từng giai đoạn của địa phương. Đồng thời, nên quy định linh hoạt, có thể ghép bộ phận thanh tra với bộ phận pháp chế, hoặc bộ phận thanh tra, chế độ, không nên bỏ chức năng thanh tra sở.

Liên quan đến công tác phối hợp và xử lý chồng chéo, trùng lặp trong hoạt động thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, Tổng Kiểm toán nhà nước nêu rõ, trong quá trình hoạt động KTNN và Thanh tra Chính phủ đã phối hợp chặt chẽ, rà soát rất kỹ lưỡng nên dù chưa tuyệt đối song đã hạn chế tối đa việc chồng chéo, trùng lặp trong hoạt động thanh tra, kiểm toán.

“Ngân sách của chúng ta là ngân sách lồng ghép. Một việc có thể chi từ nhiều nguồn như nguồn ngân sách trung ương, nguồn ngân sách địa phương, nguồn xã hội hóa, nên không thể tránh được chuyện chồng chéo. Bản thân ngân sách đã chồng chéo, trùng lặp rồi thì đương nhiên khi kiểm tra theo nguồn, theo chủ thể sẽ chồng chéo. Vì vậy chỉ có phối hợp xử lý để hạn chế tối đa chồng chéo” - Tổng Kiểm toán nhà nước chỉ ra thực tế.

Đề cập đến quy định về thời hạn thanh tra, Tổng Kiểm toán nhà nước đề nghị dự thảo Luật cần quy định cụ thể, rõ ràng để thuận lợi cho đối tượng thanh tra, tránh tình trạng có những cuộc thanh tra kéo dài mà chưa ban hành kết luận thanh tra. Theo đó, dự thảo Luật cần quy định, từ khi quyết định thanh tra đến khi ban hành kết luận thanh tra là bao nhiêu ngày, giống như quy định thời hạn thực hiện cuộc kiểm toán của KTNN.

Tạo sự công bằng, bình đẳng, cạnh tranh trong cung cấp dịch vụ y tế

Góp ý vào Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi), Tổng Kiểm toán nhà nước cho rằng, sửa Luật lần này là cơ hội tốt để mang lại cơ hội phát triển ngành y tế nói riêng và sự nghiệp y tế nói chung, mang lại chất lượng chăm sóc sức khỏe cho người dân, tạo công bằng trong tiếp cận dịch vụ y tế của người dân.

Theo Tổng Kiểm toán nhà nước, dự thảo Luật cần khẳng định Nhà nước phải quản lý về lĩnh vực y tế từ đội ngũ thầy thuốc, y tá, bác sĩ, điều dưỡng; đồng thời phải quản lý được toàn bộ giá thuốc men, vật tư y tế từ đó xác định ra các gói y tế cơ bản. “Quan trọng nhất là xây dựng gói y tế cơ bản để trên cơ sở đó mọi người dân được tiếp cận với gói y tế chuẩn. Khi người dân sử dụng dịch vụ trên gói chuẩn thì phải tự bỏ tiền túi” – Tổng Kiểm toán nhà nước cho biết.

Nếu làm được như vậy sẽ rất rõ ràng, người dân sẽ không thắc mắc và cũng không phải phân biệt y tế công - tư. Theo đó, bên cung cấp dịch vụ y tế là toàn bộ y tế công lập, y tế tư nhân, liên doanh liên kết… và Nhà nước là bên mua dịch vụ cho các đối tượng được bao cấp về chăm sóc sức khỏe theo gói cơ bản như trẻ em dưới 6 tuổi, người nghèo, người cao tuổi. Nhà nước trả tiền còn người bệnh được lựa chọn nơi khám, chữa bệnh, kể cả cơ sở y tế tư nhân. Còn nếu người bệnh muốn sử dụng dịch vụ y tế cao hơn thì phải chi trả thêm tiền.

“Cách vận hành như vậy sẽ tạo ra một sự bình đẳng, rõ ràng, minh bạch và có sự cạnh tranh rõ ràng, song phẳng giữa y tế tư nhân và y tế công, nơi nào làm tốt thì người bệnh đến” – Tổng Kiểm toán nhà nước khẳng định; đồng thời cho rằng, cách làm này sẽ tiến tới xóa bỏ phân cấp trong hệ thống y tế, chỉ còn phân hạng bệnh viện theo chất lượng dịch vụ. Cơ sở y tế có thể làm liên doanh, liên kết và Nhà nước chỉ quản lý về giá trần. Khi đó nền y tế sẽ vận hành trơn tru, việc quản trị có độ mở song có độ cạnh tranh thị trường và hết sức minh bạch./.
Đ. KHOA